Bác sĩ Nhật Bản giảm 10kg trong 2 tháng nhờ bỏ bánh mì ra khỏi bữa sáng
Bánh mì thơm ngon, tiện lợi là một trong những lựa chọn hàng đầu của không ít người cho bữa sáng. Tuy nhiên, món bánh tưởng chừng dễ tiêu hóa này thực chất lại ẩn chứa không ít yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ kinh nghiệm của bản thân, một chuyên gia tiêu hóa Nhật Bản đã chỉ ra rằng bánh mì thực sự không tốt cho đường tiêu hóa, và việc ăn bánh mì vào bữa sáng hàng ngày có thể khiến thân thể khó chịu.
Bác sĩ Fukushima Masatsugu, một chuyên gia về bệnh tiêu hóa người Nhật, chủ yếu tham gia phẫu thuật các bệnh ác tính ở đường tiêu hóa, đường gan mật và tuyến tụy, cho biết trong cuốn sách “Đừng ăn bánh mì vào bữa sáng” rằng, bánh mì tưởng chừng dễ tiêu hóa thực ra lại rất khó tiêu đối với dạ dày. Nó không chỉ khiến lượng đường trong máu của cơ thể tăng cao mà còn phá hủy sự cân bằng của hệ thần kinh tự chủ, thậm chí rơi vào “chuỗi carbohydrate”, khiến cơ thể trở nên béo phì.
Bác sĩ Fukushima nói rằng ăn bánh mì vào bữa sáng hàng ngày có hại cho sức khỏe vì 5 lý do sau:
1. Chất gluten trong bánh mì cản trở quá trình tiêu hóa, hấp thu và có thể gây bệnh
Gluten, thành phần chính của bánh mì, là một loại protein có trong bột mì. Gluten chưa được tiêu hóa hoàn toàn đã bị niêm mạc ruột non hấp thu. Chất nhớt này khi đến ruột non sẽ vướng vào các nhung mao của ruột non, cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thu của cơ thể, từ đó gây đau bụng hoặc dị ứng.
Ngoài ra, khi bánh mì làm từ lúa mì được nướng ở nhiệt độ cao, protein và đường sẽ kết hợp với nhau tạo thành các chất lão hóa gọi là AGEs (sản phẩm glycation bền vững), cũng chính là phần màu nâu cháy trên bề mặt bánh mì nướng, bánh nướng xốp, v.v. Nó không chỉ là yếu tố quan trọng gây ra các biến chứng của bệnh tiểu đường, mà còn gây viêm ở nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể như mạch máu, thận và cơ, v.v. Nếu tích lũy thêm, nó có thể dẫn đến sự xuất hiện hoặc trầm trọng hơn của bệnh béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, ung thư và các bệnh khác.
2. Bánh mì sẽ tồn tại lâu trong dạ dày
Cho đến nay, bác sỹ Fukushima đã thực hiện 2,000 ca phẫu thuật đường tiêu hóa, 60,000 ca nội soi tiêu hóa và 30,000 ca nội soi đại tràng cho bệnh nhân. Ông phát hiện ra rằng bánh mì tồn tại trong dạ dày trong 6 giờ, còn cơm thì trong 10 giờ. Trong quá trình nội soi dạ dày, ông cho biết các loại thịt mà người ta thường cho là tiêu hóa kém hầu như không để lại cặn; trong khi bánh mì, cơm, udon và các nguyên liệu khác thì để lại cặn nhiều nhất.
3. Bánh mì khiến lượng đường trong máu tăng mạnh
Ăn thực phẩm giàu carbohydrate, chẳng hạn như gạo và bánh mì, sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu vào buổi sáng cao hơn 20-30 mg/dL so với khi đi ngủ.
Bột mì có hàm lượng carbohydrate rất cao. Hàm lượng carbohydrate trong 100 gam bánh mì là 42.2 gam và trong gạo là 35.6 gam, bánh mì nhiều hơn gạo 6.6 gam. Nhất là vào buổi sáng, cơ thể con người sẽ tiết ra cortisol và adrenaline, hiệu quả hấp thụ đường sẽ tương đối cao. Vì vậy, ăn bánh mì vào buổi sáng dễ dẫn đến “lượng đường trong máu lập tức tăng vọt.” Sự dao động mạnh về lượng đường trong máu có thể làm tổn thương mạch máu và dẫn đến xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
4. Ăn bánh mì hàng ngày sẽ rơi vào vòng tuần hoàn vô tận của carbohydrate
Do bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng lượng đường trong máu nêu trên, cơ thể con người sẽ tiết ra insulin để hạ đường huyết. Tuy nhiên, việc tiết insulin lại thúc đẩy não tìm kiếm nhiều carbohydrate hơn, khiến cơ thể con người rơi vào khẩu phần ăn nhiều carbohydrate suốt cả ngày. “Thực ra tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh này. Ngay cả khi đã ăn sáng, bạn sẽ cảm thấy đói sau đó 2 giờ và phải ăn một bữa nữa trước khi bữa sáng chưa được tiêu hóa hết. Điều này gây áp lực rất lớn lên đường tiêu hóa,” bác sĩ Fukushima cho hay.
5. Ăn nhiều bánh mì gây mất cân bằng hệ thần kinh tự chủ
Sự vận động của các cơ quan nội tạng và máu trong cơ thể được điều khiển bởi hệ thống thần kinh tự chủ. Có hai loại là thần kinh giao cảm và thần kinh phó giao cảm.
Hoạt động ban ngày do dây thần kinh giao cảm điều khiển, chủ yếu giúp tuần hoàn máu và ức chế tiêu hóa. Hoạt động buổi tối của dây thần kinh phó giao cảm giúp cơ thể nghỉ ngơi, làm chậm nhịp tim, thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Hai hệ thống này sẽ tiến hành bàn giao khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng. Nếu tiêu thụ quá nhiều đường vào bữa sáng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ và ảnh hưởng đến trạng thái làm việc suốt cả ngày.
Bác sĩ Fukushima nhấn mạnh, do đó, nên tránh ăn những thực phẩm như bánh mì vào buổi sáng, vì những thực phẩm này có thể làm thay đổi sự cân bằng của cơ thể và làm rối loạn hệ thần kinh tự chủ.
Vậy nếu không thể ăn bánh mì thì nên ăn gì cho bữa sáng? Bác sĩ Fukushima khuyến cáo đồ uống nên là nước, trà và cà phê; món ăn thì chủ yếu là thịt và cá cùng với rau và rong biển, đồng thời ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Như thế sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu suốt cả ngày.
Bỏ bánh mì vào bữa sáng, kiểm soát lượng đường, giảm 10kg trong 2 tháng
Bác sĩ Fukushima trước đây từng mắc chứng nghiện ăn carbohydrate như bánh mì. Ông từng bị béo phì và bị đau đầu gối khi đi xuống cầu thang ở độ tuổi 40. Dưới sự thuyết phục của bạn bè, ông đã thay đổi thói quen sinh hoạt và kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào. Sau đó, không chỉ các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa được cải thiện mà cân nặng cũng giảm 10kg trong vòng 2 tháng, lượng mỡ trung tính cũng giảm từ 160 xuống 26 mg/dl. Ông đã đạt được kết quả chưa từng có trước đây, đồng thời bệnh béo phì và rối loạn lipid máu của ông cũng đã khỏi mà không cần điều trị.
Bác sĩ Fukushima cũng đề nghị các bệnh nhân tại phòng khám “đừng ăn bánh mì vào bữa sáng” và thực hiện bước đầu tiên là kiểm soát lượng đường. Kể từ đó, rất nhiều bệnh nhân đã chia sẻ phản hồi với ông, như cải thiện cân nặng, khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy, đau nửa đầu, hen suyễn, lo lắng và các triệu chứng khác.