Hãy tưởng tượng bộ sưu tập đồ sộ với những nhạc cụ có từ 2,300 năm trước!
Công việc soạn nhạc thường xuyên đưa tôi đến Thành phố New York (New York). Trước mỗi chuyến đi, tôi đều lên danh sách những thứ phải làm và những thứ tôi muốn được làm lại tại New York. Và một trong những thứ mà tôi luôn muốn làm lại là đến thăm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan số 1000 Đại lộ 5, ở phía đông Great Lawn trong Central Park.
Trong suốt những năm qua, đặc biệt là những lúc tôi không có quá nhiều thời gian rảnh, khi vào bảo tàng, tôi sẽ nhanh chóng hướng đến cầu thang lớn, lên tầng hai và rẽ trái, đi thẳng tới một gian nhà – nơi lưu giữ những kiệt tác mỹ thuật vĩ đại ở Âu Châu – bao gồm bộ sưu tập nghệ thuật Pháp lớn nhất (bên ngoài Paris). Rất nhiều trong số những tuyệt tác đó tôi chỉ có thể nhìn thấy trên hình ảnh được in trên những cốc cà phê hay đế lót ly. Và tôi có thể ngồi khá lâu trên băng ghế, vui vẻ ngắm nhìn một tác phẩm trước khi thưởng thức một tác phẩm tiếp theo.
Tôi cũng có vài lần ghé thăm phía gian nhà ít được chú ý, và rồi tình cờ bắt gặp một bộ sưu tập nhạc cụ lâu đời. Sự tình có đó khiến tôi vui mừng khôn xiết. Bởi lẽ, khi trò chuyện cùng những du khách đã từng ghé thăm The Met (cách gọi vắn tắt của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan) trong chuyến đi đến Big Apple (một biệt danh của New York), tôi phát hiện ra rằng hầu như không ai biết đến gian nhà này. Cũng giống như tôi trước đây, họ đã hoàn toàn bỏ lỡ nó. Tuy rằng một người bình thường cũng có thể thưởng thức bộ sưu tập đó, bao gồm 5,000 nhạc cụ từ năm 300 TCN; nhưng thậm chí các nhạc công chuyên nghiệp và những người yêu nhạc cũng phải trầm trồ khi chiêm ngưỡng kho tàng nhạc cụ này!
Tôi nói đó là một bộ sưu tập nhạc cụ trọn vẹn vì một số thứ trong đó giống như những gì được mô tả trong cuốn sách của Tiến sĩ Seuss. Mờ ảo trong ánh sáng huyền hoặc cộng với sự yên ắng đầy ma mị là dáng dấp của những nhạc cụ kì dị, như loại khí cụ được gọi là chiếc kèn hình rắn và rồng biển. Bộ sưu tập đó cũng bao gồm tiền thân và những nguyên mẫu sớm nhất của các nhạc cụ theo tiêu chuẩn hiện đại của chúng ta, bao gồm cả cây đàn piano vô giá, lâu đời nhất được biết đến (năm 1720) và cây vĩ cầm “Francesca” của Antonio Stradivari (năm 1694).
Tìm hiểu một số khí cụ
Chiếc kèn hình rắn, là “tổ tiên” của kèn tuba – tương truyền do một vị linh mục tên Edmé Guillaume phát minh ra vào năm 1590 ở Auxerre – Pháp, để đệm hát cho dàn đồng ca nhà thờ khi họ không có đủ tiền mua một chiếc đại phong cầm. Nó đã tồn tại khá lâu và thậm chí chiếc kèn này còn có cơ hội hòa thanh trong một vài tác phẩm của các nhà soạn nhạc như Mozart và Wagner trước khi nó biến mất. Chúng tôi gọi nó là kèn lai, bởi phần đặt môi của nó phận tương tự như phần đặt môi của những chiếc kèn đồng, nhưng bản thân khí cụ này lại được chế tác bằng gỗ – gồm một ống có phím và lỗ, hình dáng như một chiếc kèn làm bằng gỗ.
Vẫn có những người yêu chuộng và diễn tấu nhạc cụ này.
Là một bước chuyển giữa chiếc kèn hình rắn và kèn Tuba hiện đại, chiếc kèn ophicleide được phát minh vào năm 1817 tại Pháp. Tên gọi này cũng có nghĩa là con rắn, và thực chất nó như một con rắn được cải tiến với chất liệu chủ yếu là đồng thau, với các phím thay vì lỗ, và dùng để diễn tấu ở nhiều độ khác nhau. Nó phần nào mang dáng vẻ của một cây kèn saxophone (là một nhạc khí có lưỡi gà) nhưng với phần miệng thổi bằng đồng. Thật trùng hợp, một trong những nhà chế tạo của ophicleide (chứ không phải nhà phát minh) là Adolphe Sax, người sau này đã phát minh ra kèn saxophone. Tôi tự hỏi ông ấy lấy ý tưởng từ đâu để tạo ra cây saxophone?
Kèn hình rồng Á Châu trong The Met, khá to – dài 4 feet rưỡi và rộng 8 inch – bản chất nó là một cây kèn fagôt, nhưng không được nhiều người biết đến. Vì tiếng của nó không dễ chịu – cùng với hình thù cổ quái, nên nó là một nhạc cụ dùng để mô tả những phân đoạn có sự xuất hiện của Diêm Vương (Hades) hoặc địa phủ trong các vở nhạc kịch Baroque – Ý.
Tiếng kèn harmonica thủy tinh sẽ lôi cuốn những ai đã từng mê mẩn với thứ âm thanh được tạo ra bằng cách chạm những ngón tay ẩm ướt xung quanh vành ly. Năm 1761, thiên tài Benjamin Franklin đã phát minh ra nhạc cụ này dựa trên nguyên tắc đó. Ông gắn một loạt chén pha lê vào nhau với kích thước tăng dần, mỗi chiếc được điều chỉnh theo một cao độ, trên một trục nằm ngang, với các phần đáy của chén chạm vào một máng nước. Dùng phần tay cầm hoặc bàn đạp để xoay các chén pha lê nhằm giữ cho chúng liên tục ướt, các ngón tay có thể chạm vào các cạnh của bát để chơi những giai điệu và hợp âm đầy sự ma mị.
Nhạc cụ này được sử dụng trong những bản giao hưởng thính phòng và các vở nhạc kịch của Mozart, Beethoven, Donizetti, và đặc biệt là được sử dụng trong khúc nhạc Aquarium (Bể thủy sinh) thuộc tổ khúc Carnival of the Animals (Lễ hội muông thú) của nhà soạn nhạc Camille Saint-Saëns. Ngày nay khúc nhạc này được diễn tấu trên đàn chuông (globoardspiel), nhưng cũng có thể được diễn tấu với kèn harmonica thủy tinh.
Có quá nhiều khí cụ tuyệt vời, bao gồm “kèn trumpet Dizzie Gillespie” (1959) với chiếc chuông cong lên trên. Có một kèn Pháp được làm hoàn toàn bằng gốm, đẹp như một chiếc ấm trà với hoa màu xanh lam trên nền trắng (của Pháp, cuối thế kỷ 18), và sự kết hợp gậy và sáo thuộc Slovakia. (1820).
Có những nhạc cụ mang dáng dấp Á Châu và thế giới, như Da Tongjiao, một loại kèn trumpet Trung Hoa (cuối thế kỷ 19), và cũng có nhiều nhạc cụ là sự kết hợp giữa hai nhạc cụ, như kết hợp flügelhorn với cornet ở giọng Đô trưởng (Ý, 1890).
Lịch sử phát triển của các nhạc cụ qua các thời kỳ cũng nên được quan tâm như một phần của lịch sử âm nhạc. Có những nhạc cụ là sản phẩm của óc sáng tạo, như khi người ta mường tượng ra một thanh âm hoặc sắc màu mới mẻ và ngay khi đó họ muốn thử nghiệm các phương thức khác nhau để tạo ra màu sắc và âm thanh đó.
Mặc dù phần nhiều những khí cụ ngày nay được sản xuất hàng loạt theo quy trình công nghiệp và chỉ một số ít được sản xuất thủ công, hầu hết nhạc cụ kể trên đều là những mẫu độc nhất khi xét về khía cạnh sản xuất cũng như mẫu mã thiết kế. Dù là nhạc cụ hơi, nhạc cụ dây, nhạc cụ phím, chúng đều được trang trí độc đáo và được người đời ngưỡng mộ như những tác phẩm nghệ thuật.
Để chiêm ngưỡng các nhạc cụ kỳ lạ và đẹp mắt khác, hãy ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
Nhà soạn nhạc người Mỹ Michael Kurek là nhà soạn nhạc của album nhạc cổ điển số một bảng xếp hạng Billboard – “The Sea Knows.” Là người đạt nhiều giải thưởng về sáng tác, bao gồm cả Giải thưởng Học viện Âm nhạc danh giá của Học viện Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ, ông đã phụng sự trong Ủy ban Đề cử của Học viện Ghi âm cho Giải Grammy thể loại nhạc cổ điển, đồng thời là giáo sư danh dự về sáng tác tại Đại học Vanderbilt. Để biết thêm thông tin và thưởng thức âm nhạc, hãy truy cập trang MichaelKurek.com