Thư viện, bảo tàng Morgan: Một kho tàng văn hóa uyên thâm
Trong thời gian cách ly, tôi đặc biệt có cảm hứng với các cuộc triển lãm trực tuyến. Văn hóa cổ điển tiếp tục nhắc nhở tôi rằng lịch sử và truyền thống đã tồn tại rất lâu đời và cần được củng cố. Nghệ thuật thấm nhuần cái đẹp và chân lý luôn che chở tính nhân văn vượt qua những khoảng thời gian khó khăn nhất.
“Khám phá Thư viện của J. Pierpont Morgan” của Thư viện & Bảo tàng Morgan là một trong những cuộc triển lãm trực tuyến như vậy. Di sản của bảo tàng được minh họa thông qua các bức ảnh lưu trữ kết hợp với audio của một số đoạn trích dẫn nổi bật do các chuyên gia ghi âm.
Người sáng lập bảo tàng, tài phiệt người Mỹ Pierpont Morgan, hiểu rằng bộ sưu tập sách và bản thảo quý hiếm của ông cần một ngôi nhà đẹp và quan trọng ngang tầm.
Năm 1903, khi bộ sưu tập sách văn học của ông đã quá nhiều, căn nhà của ông trên Đại lộ Madison không có đủ chỗ chứa nữa, ông đã xây dựng Thư viện & Bảo tàng Morgan trên một thửa đất liền kề với nhà của mình.
John Bidwell, người quản lý sách in và bìa sách của Astor cho biết: “Phòng phía Đông là một trong những không gian thư viện tuyệt vời trên thế giới. Thật đáng kinh ngạc, vì đây là thư viện của riêng một cá nhân”.
Trong Phòng phía Đông, ba tầng sách được xếp chồng lên nhau chứa đầy những cuốn Kinh thánh Gutenberg thời kỳ đầu (những bản in sớm nhất, không viết tay), các tác phẩm kinh điển của văn học Pháp và Mỹ, những ấn bản đầu tiên của Copernicus và Galileo, cùng những ấn bản khác.
Theo dự tính ban đầu thì chỉ có một tầng chứa sách, thế nhưng bộ sưu tập của Morgan đã tăng lên trong khi tòa nhà được xây dựng trong bốn năm. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao cũng được lưu giữ trong hầm thép kiên cố ở Phòng Tây.
“Tôi nghĩ không có ai phàn nàn rằng Morgan có quá nhiều sách, vì điều này ông mới xây dựng thêm nhiều tủ sách tuyệt đẹp như thế này”, kiến trúc sư Samuel White nói.
Samuel White là cháu trai của Stanford White, đối tác với công ty kiến trúc của Charles McKim, cũng là kiến trúc sư của bảo tàng. White nhấn mạnh rằng, kệ sách với màu gỗ sáng được khảm thêm các họa tiết Phục Hưng bằng gỗ tối màu. “Mọi chi tiết được suy tính kỹ càng tạo nên một không gian nội thất hòa điệu”.
Đối với Morgan, các kho báu này không chỉ đơn giản là những cuốn sách và bản thảo quý hiếm được trưng bày bên trong. Kiến trúc và thiết kế trang trí của bảo tàng đã mang Kỷ Nguyên Hoàng Kim đến với Manhattan ngày nay. Công trình được xây dựng theo phong cách của một biệt thự lớn thời Phục hưng, xứng tầm một biệt thự của gia tộc Medicis.
Phong cách Cổ điển mãi trường tồn
Kiến trúc sư Charles Follen McKim (1847–1909) đã thiết kế nhà Morgan theo phong cách Phục Hưng Mỹ, điều chỉnh các yếu tố của Phục Hưng Ý phù hợp với bối cảnh Mỹ. Ví dụ, ông chọn đá cẩm thạch hồng Tennessee để xây dựng khung bên ngoài. Loại đá này có thể được nhìn thấy ở nhiều địa danh nổi tiếng của Mỹ, bao gồm cả Điện Capitol Hoa Kỳ. Người thợ xây dựng các khối đá cẩm thạch của Morgan đạt độ chính xác đến mức gần như không sử dụng thêm vữa.
Khi bạn đi qua hai con sư tử đá, qua cổng vòm lõm và bước vào bảo tàng, bạn có cảm giác như đang quay ngược thời gian trở về thời kỳ Phục Hưng Ý.
Phòng tròn (1) đẹp từ sàn đến trần. Gạch khảm mosaic được dùng để trang trí các bức tường nằm giữa cột dựa tường bọc đá cẩm thạch. Những chiếc bát ngọc thạch nằm trên những cột đá cẩm thạch được thiết kế đứng tự do. Các cột màu xanh đậm và bức phù điêu thời Phục hưng màu xanh và trắng làm khung cửa nhỏ.
Nhìn lên phía trên, phần chóp hình bán nguyệt được trang trí bởi những bức phù điêu bằng vữa màu xanh và trắng mô tả thần thoại La Mã, lấy cảm hứng từ thiết kế của Raphael cho Villa Madama ở Rome. Họa sĩ người Mỹ Henry Siddons Mowbray cũng lấy cảm hứng từ các họa sĩ thời Phục hưng như Raphael và Pinturicchio cho những bức tranh trên trần.
Các bức tranh trên trần Phòng Tròn phản ánh bố cục trang trí mái vòm vào đầu thế kỷ 16 của Raphael cho Stanza della Segnatura (2) ở Vatican, được ủy quyền bởi giáo hoàng Julius II, là một nhà bảo trợ nghệ thuật có tầm.
“Nó sẽ đưa chúng ta tham quan các tư tưởng, thần thoại và văn học phương Tây,” theo lời giải thích từ đoạn ghi âm. Các thiết kế trần gồm ba thời đại được đưa vào bảo tàng là: cổ đại, Trung cổ và Phục Hưng. “Mặc dù Mowbray đã thực hiện các bức tranh trần nhà tại một studio và sau đó gắn chúng lên trần, những bức phù điêu này đã được làm tại công trường, nên Mowbray có thể nghiên cứu cách chúng tương tác với ánh sáng xung quanh.”
White giải thích: “Lối vào là sự kết hợp của [các] đơn sắc và nhiều màu sắc, và điều đó là có chủ đích. Những đồ khảm mosaic có màu xám nhạt và chúng rất gần với màu đá cẩm thạch của những cột áp tường quanh chúng. Tất cả những gì điều này đều làm kho báu của Morgan thực sự nổi bật. “
Ngoài kho tàng sách và kiến trúc tuyệt đẹp, Morgan còn lưu trữ những bức tranh và tác phẩm điêu khắc có giá trị, như “Madonna and Saints Adoring the Christ Child”(3) của Pietro Vannucci (khoảng năm 1500) và bức tượng bàn thờ bằng gỗ “Saint Elizabeth Holding a Book” (4) (Khoảng năm 1500). Tượng bán thân Chúa Hài đồng của Antonio Rossellino là một tác phẩm có thể mang lại ấn tượng sâu sắc trong chuyến thăm của bạn đến bảo tàng.
“Chúa Hài Đồng của Rossellino vượt trên sự hoàn hảo. Vẻ ngoài hoàn hảo gợi nên một đức hạnh thánh khiết của nội tâm. Trên thực tế, những bức tượng bán thân này nhằm mục đích truyền cảm hứng cho những cậu bé đang tuổi lớn, phát triển thành những người đàn ông có phẩm hạnh cao thượng,” theo thuyết minh từ đoạn ghi âm.
Ở mọi lứa tuổi, văn hóa cổ điển có thể giúp chúng ta thăng hoa. Giờ đây, cuộc sống ở New York đang bình thường trở lại, tôi rất nóng lòng được trực tiếp trải nghiệm những tinh hoa văn hóa này tại ngôi nhà Morgan.
Để tham gia chuyến tham quan trực tuyến bằng hình ảnh và âm thanh của Thư viện & Bảo tàng Morgan, hãy truy cập TheMorgan.org
J.H. White là một nhà báo về nghệ thuật, văn hóa và thời trang nam sống ở New York.
Chú thích của người dịch:
(1)Rotunda (tiếng Latinh rotundus), tạm dịch theo ngữ cảnh là Phòng Tròn. Rotunda là những tòa nhà có mặt bằng hình tròn, và đôi khi được bao phủ bởi mái vòm. Nó cũng có thể đề cập đến một căn phòng tròn trong một tòa nhà
(2) Stanza della Segnatura: Căn phòng có những bức tranh tường nổi tiếng nhất của Raphael, một trong số đó là bức “ Trường học Athen”
(3) “Madonna and Saints Adoring the Christ Child” tạm dịch: Tình Thương của Đức Mẹ và Các Thánh với Chúa Hài Đồng
(4) “Saint Elizabeth Holding a Book” tạm dịch là Thánh Elizabeth Cầm Sách