Hãy từ chối WEF, từ chối Metaverse
Metaverse (siêu vũ trụ ảo). Quý vị có thể quen thuộc với khái niệm này. Siêu vũ trụ ảo này giống như internet, nhưng ở dạng 3D. Thay vì lướt web, mọi người sẽ sống trong đó. Ban đầu, kiểu “sống” này sẽ được thực hiện thông qua các hình đại diện. Tuy nhiên, một ngày nào đó, trong tương lai không xa, theo ông Mark Zuckerberg, một trong những kiến trúc sư trưởng của siêu vũ trụ ảo này, con người sẽ thực sự chuyển đến đó sinh sống, và bỏ lại thực tại đằng sau.
Vậy ai sẽ cai trị Thế giới Mới lạ (Brave New World) này?
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tổ chức quốc tế đứng sau sáng kiến Đại Tái Thiết (Great Reset), có những kế hoạch lớn cho siêu vũ trụ ảo này. Trong đầu năm nay, các thành viên WEF đã gặp nhau tại Davos để thảo luận về nhiều cách thức mà nhận dạng (digital identity – ID) kỹ thuật số sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong không gian thực tế ảo này.
Cũng trong khoảng thời gian diễn ra cuộc họp này, WEF và Accenture, một đại công ty chuyên về mọi thứ liên quan đến kỹ thuật số, đã công bố một bài viết tóm tắt (pdf) thảo luận về siêu vũ trụ ảo và nhận dạng kỹ thuật số. Với nhan đề “Khả năng tương tác trong Metaverse,” bài viết này gọi nhận dạng kỹ thuật số là “mối liên kết với siêu vũ trụ ảo có khả năng tương tác,” cho phép “trách nhiệm giải trình và khả năng đi qua các thế giới với lực cản nhỏ nhất.” Đối với những người chưa biết [về lĩnh vực này], nhận dạng kỹ thuật số đặt nền tảng cho hệ thống tín dụng xã hội, loại hình hoạt động mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rõ ràng ủng hộ. Nhận dạng kỹ thuật số lưu trữ thông tin đăng nhập và ghi lại các hành vi của quý vị, bao gồm hoạt động trên mạng xã hội, các trang web quý vị truy cập, tình trạng sức khỏe hiện tại, nơi làm việc, địa chỉ nhà riêng, và vị trí địa lý của điện thoại thông minh của quý vị.
Chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để từ chối cả WEF lẫn siêu vũ trụ ảo này. Rất may, có lẽ chúng ta không phải quá vất vả để ngăn cản phiên bản tiếp theo của internet này. Quý vị thấy đấy, siêu vũ trụ ảo vẫn chưa tồn tại. Và từ tình hình hiện tại mà xét, siêu vũ trụ ảo có thể sẽ không bao giờ tồn tại.
Dự án chết yểu
Trong một bài báo gần đây cho tờ Hoa Nam Buổi Sáng, tôi đã thảo luận về nhiều lý do khiến siêu vũ trụ ảo, cho đến nay, đơn giản là hoàn toàn không thể ra mắt. Nói tóm lại, siêu vũ trụ ảo đã bị thổi phồng quá mức và liên tục không đạt được như kỳ vọng.
Trái ngược với niềm tin phổ biến, chúng ta chưa sống trong siêu vũ trụ ảo. Tờ New York Times khẳng định đợt bùng nổ nhà ở tiếp theo sẽ diễn ra trong siêu vũ trụ ảo này. Chà, chuyện này sẽ không xảy ra. Tình huống này không thể xảy ra. Làm thế nào một sự bùng nổ có thể xảy ra ở một nơi thậm chí còn không tồn tại? Đây là một câu hỏi đặc biệt quan trọng cần đặt ra khi nhiều kiến trúc sư của siêu vũ trụ ảo đang dừng làm việc và rút lui vào bóng tối.
Một trong những công ty đang rút lui là Facebook, hay tôi nên gọi là Meta. Mười tám tháng trước, Facebook đã đổi tên thành Meta. Cái tên mới này, khiến nhiều người trong cộng đồng công nghệ ngạc nhiên, được cho là phản ánh các tham vọng của công ty này trong việc tạo ra một thế giới mới, nơi có thể sinh sống được, và hoạt động thông qua các hình đại diện hợp thời cùng các thiết bị đeo ấn tượng.
Hồi năm ngoái (2022), ông Mark Zuckerberg, Tổng giám đốc của Meta được đề cập ở trên, đã gọi siêu vũ trụ ảo là “một chương tiếp theo của internet,” và ông ấy hoàn toàn có ý định viết nên chương đó.
Tuy nhiên, giờ đây, tác giả đầy tham vọng này dường như có những kế hoạch khác, đồng thời nhấn mạnh rằng không gian ảo không còn là ưu tiên hàng đầu của Meta nữa. Điều này giống như việc tổng thống Hoa Kỳ nói rằng nước Mỹ không còn là ưu tiên hàng đầu của ông, hay ông Elon Musk, Tổng giám đốc kiêm kỹ sư trưởng của SpaceX, gọi việc thám hiểm không gian là một sự lãng phí thời gian. Tuy nhiên, khi người ta thừa nhận một sự thật đơn giản, khá phũ phàng, thì mong muốn từ bỏ việc viết ra chương siêu vũ trụ ảo này của ông Zuckerberg trở nên hoàn toàn rõ ràng: hồi năm ngoái, Reality Labs, đơn vị nghiên cứu thế giới ảo của Meta, đã có một khoản lỗ hoạt động là 13.7 tỷ USD.
Đó là một khoản tiền lãng phí rất lớn vào một dự án mạo hiểm ngu ngốc.
Bà Jemma Kelly, người phụ trách chuyên mục của Financial Times, gần đây đã chỉ ra rằng, kể từ đầu năm 2022, lưu lượng tìm kiếm cho từ “metaverse” đã sụt giảm khoảng 80%. Cách đây hai năm, metaverse là một chủ đề thảo luận sôi nổi. Hiện tại, chủ đề này đã không còn nóng nữa.
Tương tự như vậy, Meta dường như không còn được công chúng chú ý nữa. Thật không thể tin được, Meta, vốn từng là công ty công nghệ lớn nhất thế giới, thậm chí còn không nằm trong top 20 công ty có giá trị nhất của Hoa Kỳ. Ông Zuckerberg đã đánh một canh bạc liều lĩnh, đặt tất cả những quả trứng ảo của mình vào cái rổ metaverse. Rõ ràng là vụ cá cược này đã không hề thành công. Ngày nay, thay vì thuê các nhân viên mới để xây dựng metaverse, Meta đang để hàng ngàn nhân viên ra đi. Microsoft, một đại công ty công nghệ khác, cho đến rất gần đây, vẫn say mê metaverse, cũng đang quay lưng lại với loại hình “internet mới” này. Trường hợp này cũng đúng với Tencent, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc.
Đến năm 2030, tất cả chúng ta được cho là đều sẽ sống trong metaverse. Trên thực tế, vào cuối thập niên này, chúng ta vẫn sẽ sống ở đây, trên hành tinh trái đất, sử dụng điện thoại của chúng ta để truy cập internet. Điện thoại, chứ không phải là tai nghe VR (thực tế ảo) thảm hại nào đó, sẽ vẫn là thiết bị chính để truy cập các thế giới ảo.
WEF có thể nuôi tham vọng chinh phục metaverse, nhưng tổ chức này không thể chinh phục thứ gì đó không tồn tại. Hãy hy vọng metaverse không bao giờ tồn tại, và WEF chưa bao giờ nhận ra những tham vọng có vấn đề của mình.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times