Hãy reo mừng trong dịp Lễ Giáng Sinh
Không ai có thể ngờ việc biên soạn lại một bài Thánh Vịnh ở thế kỷ 18 sẽ trở thành bài hát mừng Giáng Sinh kinh điển “Joy to the World” (Phước cho Nhân loại)
Vào năm 1719, khi mục sư kiêm người viết Thánh ca Isaac Watts biên soạn lại một bài Thánh Vịnh trong Kinh Cựu Ước, ông chưa từng nghĩ sẽ biến những ca từ của mình thành một trong những bài hát mừng Giáng Sinh được yêu thích nhất vùng Bắc Mỹ. Bài Thánh ca “The Messiah’s Coming and Kingdom” (Sự Giáng Thế và Vương Quốc của Đấng Messiah) của ông là phần tiếp theo trong một biên khúc gồm hai phần thuộc Thánh Vịnh 98. Bài Thánh ca này tập trung vào sự tái lâm của Chúa Jesus, và phần diễn giải lại bằng lời hát của mục sư Watts cuối cùng đã trở thành bài hát được yêu thích mang tên “Joy to the World” (Phước cho Nhân loại).
Nguồn gốc bài hát “Joy to the World” có thể bắt nguồn từ bộ sưu tập cải biên của mục sư Watts có tên là “The Psalms of David” (Các Bài Thánh Ca của Vua David, phỏng theo ngôn từ trong Kinh Tân Ước). Bài Thánh Vịnh số 98 có câu: “Make a joyful noise unto the Lord, all the Earth: make a loud noise, and rejoice, and sing praise” (Tạm dịch: Hỡi toàn thể địa cầu, hãy reo mừng nghênh đón Đấng Cứu Thế: hãy reo vang lên, hân hoan và hát lời ca tụng Ngài). Mục sư Watts đã cải biên bài Thánh ca “The Messiah’s Coming and Kingdom” (Sự Giáng Thế và Vương Quốc của Đấng Messiah) dựa trên những lời trích trong Thánh Vịnh. Trong bản cải biên của mình, ông đã thêm vào dòng “Joy to the World” (Phước cho Nhân loại).
Cụm từ đơn giản nhưng đầy trang nghiêm này là khởi đầu cho một chuỗi hợp tác lâu dài và cải biên của các nhạc sĩ đồng sự, và cuối cùng mang đến cho những tín đồ Cơ Đốc bài Thánh ca đương đại vẫn thường được hát thời nay. Những ca từ của vị mục sư người Anh là trọng tâm trong tác phẩm đã phát hành của ông, điều này giúp mở ra cơ hội để bổ sung thêm một giai điệu đáng nhớ mà các Hội thánh đều thích hát.
Tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc của âm nhạc cổ điển
Mục sư Watts cũng sống cùng thời đại huy hoàng của nhà soạn nhạc người Đức và cư dân London, ông George Frederic Handel, nhưng cả hai chưa từng gặp mặt nhau. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được việc một trong những bản nhạc cổ điển của ông Handel sẽ trở thành giai điệu chính cho phần điệp khúc của bài Thánh ca “Joy to the World” (Phúc cho Nhân loại).
Bởi vì có rất nhiều nhạc sĩ đã cố gắng thử đưa một giai điệu phù hợp nhất vào lời nguyên tác của mục sư Watts, nên các sử gia không chắc chắn chính xác ai đã nghĩ ra ý tưởng tài tình này. Tuy nhiên, khoảng thời gian trước lần cải biên cuối cùng vào giữa những năm 1800, giai điệu bài hát “Messiah” của nhà soạn nhạc Handel đã được thêm vào những ca từ của mục sư Watts, đánh dấu đoạn điệp khúc hay nhất bằng việc bắt đầu những lời ca tụng trong bài hát “Joy to the world.”
Việc thêm giai điệu của nhà soạn nhạc Handel vào bài hát này đã mang đến cho bài Thánh ca Cơ Đốc Giáo một chủ đề cổ điển khải hoàn phù hợp với thông điệp của một bài hát tôn vinh Đấng Christ tái lâm.
Bước ngoặt của người Mỹ
Phải mất hơn một thế kỷ để tác phẩm cuối cùng của “Joy to the World” đến được với công chúng. Trong số nhiều nhạc sĩ, [kể cả] những người viết lời, và các nhà soạn nhạc, đều làm việc dựa trên bản gốc của mục sư Watts, và ông Lowell Mason, giáo viên âm nhạc tài năng người Boston đã hoàn thiện những chỉnh sửa cuối cùng cho bài hát mừng quý giá này.
Các học giả hoài nghi rằng, ông Mason chính là người đã củng cố lại một phần giai điệu của nhà soạn nhạc Handel để giai điệu này trở thành phần quan trọng trong điệp khúc của bài hát [Joy to the world]. Giống như nhiều người khác, ông Mason là người rất hâm mộ các tác phẩm của ông Handel, và thậm chí có thời gian ông còn đứng đầu dàn hợp xướng có tên “Handel and Haydn Society.” Ông cũng ghi danh nhà soạn nhạc Handel trên các bản nhạc cải biên đầu tiên của mình.
Khi ông Mason thực hiện một số chỉnh sửa cho bài hát này, đóng góp lớn nhất của ông là phần cải biên. Một trong những đặc điểm nổi bật của giai điệu là chúng được lặp đi lặp lại xuyên suốt các khổ thơ. Phô diễn một “vòng lặp” đầy chất thơ, các cụm từ giống nhau được những ca sĩ khác nhau của dàn hợp xướng hát nối liền nhanh chóng, câu này nối tiếp câu kia. Hiện nay, cách hát này thường được gọi là “hát lặp,” còn vào thời của ông Mason, các bài hát có kết hợp kỹ thuật này gọi là “hát đuổi” (hay hát bè phức điệu). Kiểu thanh nhạc này tạo nên giọng hát thăng hoa và vượt trội, mang đến cho các tác phẩm một cảm giác mạnh mẽ và thiêng liêng.
Bản cải biên cuối cùng
Ông Mason đã xây dựng một số phiên bản khác nhau trong nhiều năm kể từ năm 1836, khi ông cho ra mắt phiên bản đầu tiên trong bộ sưu tập “Occasional Psalm and Hymn Tunes” của mình. Trước khi đặt tên cho bài hát mang âm hưởng lễ hội là “Joy to the World” (Phước cho Nhân loại), ông từng đặt tên cho bài hát là “Antioch,” ngụ ý mang tính lịch sử về một thành phố ở Trung Đông được các tín đồ xem là “Cái nôi của Cơ Đốc Giáo.” Năm 1848, khi phiên bản thứ tư có tên “The National Psalmist” (Bài Thánh ca Quốc gia) của ông được phát hành, ông Mason đã trải qua thời gian dài tâm huyết với nghề và ông tin rằng, cuối cùng thì mình cũng hoàn thành tác phẩm đáng giá này.
Bản phát hành cuối cùng của bài Thánh ca “Joy to the World” (Phước cho Nhân loại) của ông là phiên bản chính thức được rất nhiều người hát thời nay. Giữa nhiều giai điệu khác được ra mắt công chúng trong nhiều thập niên qua, thì giai điệu và ca từ này đã trở nên rất phổ biến.
Vì chủ đề bài hát tập trung vào tương lai huy hoàng đang chờ đợi những tín đồ Cơ Đốc khi Đấng Christ tái lâm. Mục sư Watts chưa từng nghĩ rằng việc diễn giải lại bài Thánh Vịnh của mình sẽ trở thành một bản Thánh ca gắn liền với thời điểm Giáng Sinh. Cuối cùng thì sự phổ biến của bài hát này vào những dịp lễ là một điều đáng kinh ngạc, vì hầu hết các bài Thánh ca từ lâu chỉ tập trung vào sự giáng sinh của Chúa, chứ không phải là sự trở lại của Ngài. Tuy nhiên, thông điệp độc đáo và bay bổng của bài hát “Joy to the World” luôn khiến bài hát lôi cuốn người nghe, đặc biệt là trong mùa lễ hội.
Vào cuối thế kỷ 20, bài hát vui tươi này được công nhận là bài Thánh ca được phát nhiều nhất trong dịp Giáng Sinh ở Mỹ quốc. Tính đến nay, ca khúc này đã được dịch sang hơn 50 ngôn ngữ. Bài hát “Joy to the World” (Phước cho Nhân loại) vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của các gia đình trong dịp lễ, và là truyền thống âm nhạc hát theo ca đoàn thường được sử dụng trong các buổi lễ Giáng Sinh trên khắp thế giới.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times