Nhà sản xuất đàn dương cầm Steinway: Từ giấc mơ Mỹ đến hình mẫu xuất sắc của Hoa Kỳ
Kể từ cuối thế kỷ 19, Steinway & Sons đã được công nhận là hãng đàn dương cầm nổi tiếng thế giới.
Vào một buổi tối, nhà sản xuất đàn dương cầm người Đức Heinrich Engelhard Steinweg đứng trong căn bếp để hoàn thiện những bước cải tiến cuối cùng trên chiếc đàn dương cầm do chính tay ông chế tác. Ông khát khao tạo ra cây đàn dương cầm tốt nhất có thể, được chế tạo dựa trên niềm tự hào về công việc và hình mẫu về sự xuất sắc kiểu Mỹ đã bén rễ trong ông từ khi ông lớn lên ở Đức.
Với mẫu dương cầm cải tiến giờ đây đã hoàn thành, ông lên kế hoạch đưa gia đình sang Mỹ. Ông di cư cùng năm người con trai của mình. Họ đã trợ giúp ông trong các dự án kinh doanh. Bằng sự đổi mới, sáng tạo, và tinh thần kiên trì đáng khâm phục, ông và các con trai đã đạt được những thành tựu vượt xa hơn cả mục tiêu [ban đầu].
Vào năm 1850, sau ba năm di cư đến New York, ông Steinweg đổi tên thành Henry E. Steinway và chính thức bắt đầu theo đuổi ước mơ cả đời của mình: thành lập công ty sản xuất đàn dương cầm Steinway & Sons.
Ngày nay, Steinway & Sons được công nhận là một công ty sản xuất đàn dương cầm nổi tiếng thế giới. Những chiếc đàn dương cầm mang tính cách mạng của họ từ lâu đã xuất hiện trên các sân khấu giao hưởng khắp thế giới — mỗi cây đàn đều là một đại diện tiêu biểu cho tinh thần kinh doanh kiểu Mỹ ở đẳng cấp cao nhất.
Giấc mơ trở thành hiện thực
Ông Steinway mở xưởng đầu tiên của mình trong một không gian nhỏ bé, khiêm tốn nằm phía sau một tòa nhà dọc theo Phố Varrick của Manhattan. Sau khi bán cây đàn dương cầm đầu tiên cho một gia đình địa phương với giá 500 USD, ông Steinway không mất nhiều thời gian để mở rộng quy mô [xưởng]. Chỉ một năm sau khi khai trương, ông và các con trai đã chuyển xưởng của mình đến một địa điểm rộng hơn do nhu cầu [của khách hàng] ngày càng tăng.
Vào những năm 1860, nhà máy Steinway & Sons chiếm trọn Đại lộ Park Avenue. Họ cần rất nhiều không gian để điều hành việc kinh doanh đến nỗi nhà máy họ xây dựng chiếm toàn bộ một lô đất.
Điều gì đã khiến một công ty gia đình sản xuất đàn dương cầm đạt được mức tăng trưởng gần như chưa từng có này? Thậm chí, lùi tận về thời đại Mạ Vàng của Mỹ quốc, công ty Steinway đã chế tác ra những cây đàn dương cầm mà thời nay vẫn không thể sánh kịp.
Âm thanh của đàn Steinway
Gần 95% nghệ sỹ hòa nhạc dương cầm chuyên nghiệp thích đàn dương cầm Steinway hơn các thương hiệu khác. Khi xem xét kỹ cách tiếp cận sáng tạo của công ty này trong việc chế tạo nhạc cụ, và việc họ dụng tâm vào quy trình chế tạo thủ công, không khó để hiểu vì sao [họ lại thành công đến vậy].
Một trong những điểm khác biệt nổi bật nhất của đàn dương cầm Steinway là bảng cộng hưởng [sử dụng kỹ thuật] tối tân nhất. Nó độc đáo đến mức các kỹ sư của công ty đã đăng ký bằng sáng chế cho thiết kế này.
Bảng cộng hưởng của đàn dương cầm là một trong những bộ phận chính của nhạc cụ này vì nó khuếch đại âm thanh từ các dây rung gần đó. Bảng cộng hưởng được chế tạo tốt sẽ trợ giúp về chất lượng, độ trầm ấm, và biểu cảm của các nốt nhạc.
Bảng cộng hưởng của Steinway được chế tác để nghệ sỹ piano tận dụng tối đa dải âm rộng của nhạc cụ này. Nhờ cấu tạo của mình, bộ phận này mang lại cả độ bền và cường độ, giúp các nốt nhạc ngân dài hơn và vang hơn. Thiết kế của nó thon gọn dần, kéo dài từ trung tâm của cây đàn đến tận tất cả các cạnh. Điều này tạo ra trải nghiệm giai điệu phong phú, trọn vẹn được biết đến với cái tên “âm thanh Steinway” đặc trưng.
Công ty chỉ sử dụng một vài loại gỗ. Một loại là gỗ vân sam Sitka Alaska, và một loại khác là gỗ thích đường (cây thích cứng), cho phép truyền tải âm sắc một cách mạnh mẽ.
Năm 1963, công ty trình làng một thiết kế sáng tạo khác: pinblock theo thiết kế Hexagrip. Đây là một cơ chế quý giá đối với những người chơi đàn dương cầm, vì nó giúp giữ cho nhạc cụ lên dây lâu hơn và có độ chính xác cao hơn.
Khao khát hướng tới sự xuất sắc của công ty Steinway & Sons đã biến doanh nghiệp gia đình nhỏ bé một thời ở Manhattan này phát triển thành một trong những công ty thành công nhất nước Mỹ. Trong suốt thế kỷ 20, đàn dương cầm Steinway đã góp mặt trong một vài sự kiện lịch sử, trở thành một biểu tượng của văn hóa Mỹ được mọi người trên toàn thế giới công nhận.
Hết lòng vì tình yêu Mỹ quốc
Năm 1866, một trong những con trai của ông Henry, William Steinway, đã khai trương Steinway Hall, một trung tâm văn hóa dành cho nghệ thuật biểu diễn ở Thành phố New York. Với các phòng dành riêng để trưng bày những cây dương cầm tốt nhất của công ty Steinway & Sons, và một phòng hòa nhạc tráng lệ, tòa nhà này đã trở thành một trong những trung tâm nghệ thuật biểu diễn lớn nhất thành phố.
Trung tâm này không chỉ giúp thúc đẩy doanh số bán dương cầm, mà còn trở thành địa điểm âm nhạc hàng đầu, nổi tiếng là nơi tiếp đón những tài năng xuất sắc nhất thế giới. Đây là trụ sở của dàn nhạc Philharmonic New York trong hơn 25 năm.
Khi công ty lớn mạnh, ông Steinway và những người kế nghiệp vẫn tận tâm với tình yêu Mỹ quốc và những gì thể hiện giá trị cốt lõi của nước Mỹ.
Trong suốt Đệ nhị Thế chiến, Steinway & Sons đã chế tạo 3,000 cây đàn dương cầm đặc biệt để gửi ra hải ngoại nơi lính Mỹ đang chiến đấu. Công ty đã sắp xếp những cây dương cầm, từng được đặt tên là “Victory Verticals” và cuối cùng được gọi là “GI Steinways,” được thả dù xuống cho quân đội từ phi cơ. Điều này được thực hiện nhờ quá trình kiên nhẫn làm việc với các quan chức Hoa Kỳ. Sự kiên nhẫn của họ cuối cùng đã được đền đáp. Những cây dương cầm đã nâng cao nhuệ khí cho nhiều người lính, và giúp họ cảm thấy được kết nối với những người thân yêu ngay cả khi đang ở rất xa nhà, Họ cùng nhau chơi đàn và hát theo những bài hát nổi tiếng.
Kể từ đầu những năm 1900, chiếc đàn dương cầm Steinway đã trở thành điểm nhấn âm nhạc của Tòa Bạch Ốc. Công ty Steinway & Sons đã tặng một chiếc dương cầm nguyên bản cho dinh tổng thống vào năm 1903 và nó vẫn là cây đàn chính cho đến năm 1937.
Người tiên phong của đàn dương cầm hiện đại
Khát khao hướng tới sự xuất sắc và tinh thần kinh doanh của ông Steinway đã giúp ông đạt được mục tiêu đầy tham vọng: Tạo ra cây đàn dương cầm tốt nhất thế giới. Thông qua sự đổi mới và sáng tạo, nhà sản xuất đàn dương cầm nhìn xa trông rộng ấy đã đi tiên phong trong việc hiện đại hóa loại nhạc cụ phổ biến này.
Bằng lòng ái quốc của ông và các con trai, Steinway & Sons không chỉ trở thành một thương hiệu. Công ty đã phát triển thành một lực lượng văn hóa, thể hiện cho tiêu chuẩn cao về tay nghề chế tác. Tiêu chuẩn cao này từ lâu đã được nhiều người đánh giá cao, từ nghệ sỹ dương cầm chuyên nghiệp đến những người đam mê âm nhạc, và thậm chí cả những người lính đóng quân ở hải ngoại khao khát được nghe âm nhạc quê hương.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times