Hãy ngừng khuyên những người độc thân hẹn hò trực tuyến
Ngành công nghiệp phục vụ cưới hỏi đang bùng nổ trên thế giới trong thời kỳ hậu COVID. Tuy nhiên, sự hào nhoáng của hoa cưới, váy cưới và những nhiếp ảnh gia không thể che đậy hiện thực đang ngày càng gia tăng: đó là một số lượng lớn người trưởng thành ở Mỹ hiện đang độc thân.
Theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, gần một nửa người Mỹ trên 18 tuổi đang độc thân, và 62% trong nhóm người này chưa từng kết hôn. Điều này có nghĩa là khả năng cao mỗi người chúng ta đều có một hoặc hai người bạn độc thân sẵn sàng hẹn hò. Và, dĩ nhiên, là một người bạn tốt, chúng ta có lẽ đã hỏi họ những câu hỏi đại loại như: “Bạn đã thử hẹn hò trực tuyến chưa?”
Cách đây chừng 15 đến 20 năm trước, hẹn hò trực tuyến được xem là giải pháp cuối cùng cho những ai không thể tìm thấy một người phù hợp để hò hẹn trong đời thực. Ngày nay, hẹn hò trực tuyến đã trở thành một phương thức phổ biến để gặp gỡ người yêu hay người bạn đời tương lai. Tuy nhiên, mặc dù hẹn hò trực tuyến đang tăng cao, sự quan tâm đối với hình thức này đang giảm dần. Theo cô Lucy Cavendish của nhật báo The Guardian, thật vậy, có vẻ “những ngày hẹn hò trực tuyến đã được đánh số sẵn.”
Cô Cavendish, là một người ở tuổi trung niên đã ly hôn, quyết định bước chân vào thế giới hẹn hò trực tuyến, nhưng cô ngạc nhiên phát hiện ra rằng nhiều người độc thân có thái độ hoài nghi với ứng dụng này.
Cô viết rằng, “Mọi người mệt mỏi và chán nản. Dường như không ai biết mình đang muốn gì và việc cố gắng gặp gỡ một người phù hợp để hẹn hò hầu như không thể.” Theo như cô Cavendish lý giải, một phần nguyên nhân của vấn đề này là “không ai thật sự hiểu hẹn hò như thế nào, phải nói gì, gặp mặt ở đâu hay làm sao nhận ra có sự rung động hay không. Vì thế, chúng tôi bỏ cuộc, cảm thấy bối rối và chán nản.”
Tại sao lại có sự hoang mang và chán chường như vậy? Câu trả lời nằm trong quyển sách của tác giả Neil Postman có nhan đề “Amusing Ourselves to Death” (Tạm dịch: Giải trí đến chết.)
Được viết vào năm 1985, tác giả Postman không thể tiên đoán được rằng internet và những chiếc điện thoại thông minh sẽ đóng vai trò to lớn trong những mối quan hệ và cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, ông đã thật sự nhìn thấy vấn đề do truyền hình gây ra. Trong quyển sách của mình, ông đã đưa ra một vài tiết lộ quan trọng cho thời đại chúng ta.
Tác giả Postman đã viết “Truyền hình là phương thức chính để hiểu về nền văn hóa của chúng ta. Do đó, điểm mấu chốt là ở chỗ cách truyền hình mô tả về thế giới trở thành một kiểu mẫu cho thế giới thực tại.”
Hay nói một cách khác, ngày nay, những gì chúng ta xem thông qua điện thoại và màn hình trở thành khuôn mẫu mà chúng ta áp dụng trong hẹn hò hoặc thể hiện bản thân trên mạng xã hội. Có phải người có tầm ảnh hưởng X trên Instagram đang tạo dáng với đôi môi giống kiểu của chú vịt và thường xuyên thay đổi bạn trai không? Chúng ta làm y hệt. Nhân vật công chúng Y để kiểu tóc búi cao và mặc quần jeans bó sát cùng phát biểu hùng hồn về tầm quan trọng của việc nhận ra đặc quyền phái mạnh người da trắng của anh? Chúng ta học theo anh ấy.
Tác giả Postman viết tiếp:
“Giải trí không chỉ là phương tiện ẩn dụ trong các cuộc đàm thoại trên màn ảnh truyền hình, mà còn ảnh hưởng đến cả ngoài đời thực. Trong phòng xử án, trong lớp học, phòng điều hành, phòng họp, nhà thờ và thậm chí trên những chiếc phi cơ, người Mỹ đã không còn trò chuyện với nhau, họ giải trí với nhau. Họ không trao đổi quan điểm, họ trao đổi hình ảnh. Họ không tranh luận về các đề xuất; họ tranh luận về hình dáng bề ngoài, những người nổi tiếng và các mẫu quảng cáo. Truyền hình không chỉ đưa ra thông điệp ẩn dụ rằng cả thế giới là một sân khấu mà sân khấu đó được đặt ở Las Vegas, tiểu bang Nevada.”
Sự thật là khi chúng ta sống trong thế giới của màn hình, khi mọi người đều cố gắng tạo dựng hình ảnh của mình theo hình tượng của Kim Kardashian hoặc Justin Bieber hoặc hình mẫu công chúng nào khác, thì mọi thứ đều là giả tạo. Cuộc sống thật sự không như những gì được dàn dựng trên màn ảnh. Và sự giả tạo là điều cuối cùng diễn ra trong một mối quan hệ lãng mạn.
Trong cuộc hẹn hò, không quan trọng việc đối phương có xinh xắn hay đẹp trai không, có thông minh hay không, và có đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn cần phải có của bạn về người bạn đời hay không. Mà điều quan trọng là liệu bạn có thể chung sống với người đó không, cả hai có nhìn về cùng một hướng hay không, có giúp đỡ người còn lại khi anh ấy hoặc cô ấy vật lộn với khó khăn, hoặc khiêm tốn thừa nhận khi bản thân mình thất bại. Và bạn không thể biết liệu mình có thể sống chung với người ấy trừ khi bạn rời xa màn hình và dành thời gian cho nhau, mặt đối mặt và sát cánh bên nhau trong mọi vấn đề của cuộc sống hằng ngày.
Theo cách hiểu đó, thật đáng khích lệ khi nghe thấy cô Cavendish tường thuật rằng ngày càng có nhiều người độc thân từ bỏ các ứng dụng hẹn hò và thay vào đó chọn gặp mặt trực tiếp. Và những người độc thân muốn hẹn hò ngoài đời thực sẽ cho chúng ta thêm ý tưởng về việc chúng ta có thể làm gì để xây dựng lại nền văn hóa.
Thay vì chỉ đơn giản đề nghị những người độc thân nên “thử hẹn hò trực tuyến”, tại sao chúng ta không giúp đỡ họ bằng những cách khác? Như việc tổ chức những buổi tiệc nướng ngoài trời ở sân sau và mời những người độc thân bạn biết đến tham gia, mời thêm những cặp đôi đã kết hôn cùng với con cái của họ, vừa giúp xóa bỏ những ngại ngùng vừa đưa ra một hình mẫu gia đình cho những người độc thân noi theo. Hoặc nếu bạn không có đủ khả năng để tổ chức bữa tiệc tại nhà mình, hãy mời họ đến nhà thờ hoặc những buổi hòa nhạc hay các sự kiện thể thao.
Hãy tự mình tìm hiểu họ, hỏi họ đang tìm kiếm một người bạn đời có tính cách như thế nào và sau đó để ý tìm kiếm những người độc thân khác giới có những phẩm chất ấy.
Các gia đình bền chặt tạo nên cốt lõi của nền văn hóa. Tuy nhiên, những gia đình này sẽ không bao giờ được tạo thành trừ khi những người trẻ của chúng ta có thể vượt qua rào cản và tìm ra cách để gặp gỡ nhau, gắn kết với nhau hơn là hẹn hò qua màn hình. Tại sao chúng ta không bắt đầu giúp cho cuộc hẹn hò của những người độc thân mà ta quen biết diễn ra dễ dàng hơn theo cách này?
Annie Holmquist là biên tập viên của Intellectual Takeout và biên tập viên trực tuyến của Tạp chí Chronicles, cả hai dự án của Viện Charlemagne.