Hãy chọn chính khách, thay vì chính trị gia
Một mùa bầu cử đầy tranh cãi đang cận kề. Để điều hướng tốt hơn cho làn sóng tuyên truyền chính trị, dưới đây là một số suy ngẫm về việc lựa chọn những ứng cử viên tốt nhất có thể trở thành bức tường thành của tự do, ngăn chặn những kẻ muốn cai trị và thống trị người dân California một cách vị kỷ.
Một bài diễn văn trong chiến dịch tranh cử có thể tiết lộ nhiều điều về đức tính của một người đang tranh cử. Mẫu diễn văn này khá cơ bản. Phơi bày một vấn đề quan trọng, chia sẻ một vài giai thoại, xây dựng hình ảnh chức vị mong muốn một cách thiện chí, xác định một kẻ phản diện, và công bố một giải pháp đơn giản. Nếu một ứng cử viên có sức lôi cuốn có thể đạt được những khoảnh khắc tạm dừng đầy kịch tính cùng những tràng vỗ tay đúng lúc, thì việc níu chân khán giả — vì thế trở thành cử tri — là tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, việc quản trị không chỉ là những luận điểm nêu trong một bài diễn văn hấp dẫn đã được thử nghiệm qua những cuộc thăm dò ý kiến. Mà đó là sự tận tụy, siêng năng, và chính trực. Đó là nghệ thuật quản trị của chính khách.
Một chính khách hiểu các nguyên tắc Hiến Pháp và cố gắng hết mình để đại diện cho ý chí của người dân theo cách phù hợp với lợi ích chung. Hãy nghĩ đến George Washington, Abraham Lincoln, và Calvin Coolidge. Thật không may, hiện nay do sự khan hiếm các chính khách, hoặc những người có nghị lực và phẩm chất chính trực để đi theo con đường cao cả hơn, nên rất khó tạo ra hình mẫu cho hành vi công chức mẫu mực.
Như văn sĩ G.K. Chesterton lưu ý, “Những người mà người dân phải lựa chọn để đại diện cho họ đều bận rộn đến mức không thể đảm nhận được công việc này. Nhưng chính trị gia thì lại đang chờ đợi cơ hội đó. Ông ta là tai họa của thời hiện đại. Điều chúng ta nên cố gắng làm là làm cho nền chính trị mang tính địa phương nhất có thể. Hãy giữ cho các chính trị gia đủ gần để có thể đá họ.”
Việc ra quyết định có chủ ý là đặc điểm nổi bật của các chính khách. Họ hiểu các quy trình và giới hạn của những lời hứa hẹn với cử tri, không ngần ngại nỗ lực cải thiện luật, nếu có thể cải thiện được. Và khi hoàn cảnh, phân tích, và cân nhắc mọi góc độ cho thấy không có con đường hợp lý nào để đạt được một mục tiêu xứng đáng, thì một chính khách sẽ đánh giá lại tình hình của mình và có thể xoay trục hoặc không tiến lên thêm chút nào.
Cuối cùng, một chính khách hiểu được họ đại diện cho ai và cho điều gì cũng như sự khác nhau giữa bục diễn thuyết và khán giả; họ biết họ được bầu chọn không phải để gây ấn tượng với các kỹ thuật viên, mà là để chịu trách nhiệm trước Hiến Pháp mà họ thề sẽ ủng hộ và bảo vệ, để từ đó mà bảo vệ người dân.
Một chính khách sẽ nói cho quý vị biết sự thật ngay cả khi quan điểm của họ không được ưa thích. Ông Edmund Burke biết rất rõ điều này với tư cách là một thành viên của Quốc hội Vương Quốc Anh, nơi mà chính những nguyên tắc của ông đã khiến ông phải trả giá trong các cuộc bỏ phiếu. “Dân biểu của quý vị nợ quý vị, không chỉ là sự nghiệp của ông ấy mà còn cả sự phán xét của chính ông; và nếu ông ấy hy sinh điều đó cho quan điểm của quý vị thì ông ấy sẽ là phản bội, thay vì phục vụ quý vị.”
Các trường học của chính phủ thần tượng hóa khái niệm “thương lượng không nhân nhượng.” Nhóm từ sáo rỗng này là chiến tích của vị chính trị gia đầy tham vọng kia. Nếu có giải pháp cho một vấn đề, thì mọi vấn đề sẽ trở thành một giao dịch. Như vậy, sự thỏa hiệp, vì mục đích thỏa hiệp, sẽ tạo ra “một mạng lưới các quy tắc nhỏ, phức tạp, tỉ mỉ, và không thay đổi” thay thế chính phủ đại diện bằng một nhà nước hành chính, như ông Alexis de Tocqueville mô tả.
Trong các cơ quan lập pháp, từ hội đồng nhà trường đến Quốc hội, một chính khách sẽ hiểu rằng sự thỏa hiệp và hiệu quả không phải là mục tiêu của việc quản trị. Các cơ quan lập pháp không được chủ định là để hoạt động nhanh chóng và hiệu quả một cách nhất quán. Điều đó không có nghĩa là các cơ quan này phải chậm chạp và không hiệu quả, mà theo đó, các quy trình của họ phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Vì thế, các chính khách sẽ thận trọng trong việc thay đổi luật một cách nhất quán hoặc thường xuyên. Các nhà lập pháp làm ra luật chỉ vì mục đích ban hành luật, hoặc sửa đổi luật theo các cách tùy tiện và thất thường, đều là phạm tội ngạo mạn. Điều đó bao gồm hầu hết hệ thống lập pháp hiện tại của chúng ta, nơi đưa ra hàng ngàn dự luật mỗi năm, thường có kết quả được xác định trước nhằm phát triển bộ máy quan liêu và thúc đẩy mọi người hướng tới một tầm nhìn theo chủ nghĩa tập thể của những người được lựa chọn vào vị trí quan trọng.
Một trong những nhà kinh tế và là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, ông Thomas Sowell, đã đưa ra lời phê bình như thế này. “Sẽ không ai thực sự hiểu chính trị cho đến khi họ hiểu rằng các chính trị gia không cố gắng giải quyết vấn đề của chúng ta. Họ đang cố gắng giải quyết vấn đề của chính họ — trong đó việc đắc cử và tái đắc cử là ưu tiên số một và số hai. Dù ưu tiên thứ ba là gì thì cũng bị tụt lại rất xa.”
Nói tóm lại, việc các chính trị gia tìm kiếm lợi ích cho riêng mình là sự tương phản với nghệ thuật quản trị của các chính khách. Những ai tin vào khả năng không thể sai lầm của mình trong việc thiết lập các nghị trình và mục tiêu chính sách sẽ là thiếu nguyên tắc và hành động theo kiểu giao dịch trong mọi việc. Hãy thận trọng khi giao tiếp với họ.
Vì vậy, khi quý vị nhận được lá phiếu của mình trong chu kỳ bầu cử này, thì hãy nghĩ xem quý muốn đất nước, tiểu bang, thành phố, và hội đồng trường học của mình sẽ như thế nào. Hãy hỏi các ứng viên xem họ sẽ làm gì để thúc đẩy quyền tự do mà không bị cám dỗ thay đổi luật như một loại huy hiệu khen thưởng. Hãy hỏi xem họ có sẵn sàng nói “Không” với đồng nghiệp khi chịu áp lực rất lớn phải giúp đỡ các nghiệp đoàn hoặc các nhóm lợi ích đặc biệt khác hay không. Hỏi họ xem họ có sẵn sàng trở thành một chính khách không.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times