Hành trình tìm kiếm các bài giảng không thiên vị đã dẫn đến bài viết ‘Vì Sao Có Nhân Loại’
Ông Peter Larson, một ông chủ của hai doanh nghiệp đồ gỗ, đang trên một hành trình dài tìm kiếm đức tin thì gặp bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, do The Epoch Times đăng tải hồi tháng 01/2023.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc bao gồm các bài thiền định đơn giản với động tác khoan thai và các bài giảng dựa trên nguyên lý chân, thiện và nhẫn.
Ông Larson viết trong một lời bình gửi tới The Epoch Times: “Tôi muốn cảm ơn quý vị một cách sâu sắc vì đã chia sẻ bài viết này. Bài viết đã làm sáng tỏ và xác thực một số niềm tin mà tôi đã giữ trong nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ được nghe giảng.”
Ông Scott Moson, một lính cứu hỏa nghỉ hưu, cũng bình luận và gọi bài viết này là “một luồng không khí tươi trong lành trong thế giới tối tăm và đầy lừa dối này.” “Bài viết rất đơn giản và súc tích — so với sự đồ sộ của chủ đề đang được nói đến — trong khi có rất nhiều người có khuynh hướng dông dài và thêm thắt chủ ý cá nhân vào thông điệp của họ,” ông nói với The Epoch Times.
Chủ ý cá nhân mà ông Monson đề cập là điều mà ông Larson nhận ra và cố gắng tránh trong các bài giảng tâm linh. Năm nay 63 tuổi và hiện đang sống tại miền trung của bang Georgia, ông Larson nói mình có một cuộc sống may mắn tuy ông đã mất cha vào năm chín tuổi và lớn lên mà không được hướng dẫn nhiều về mặt tâm linh vì mẹ ông phải làm việc để nuôi sống gia đình. Mãi đến đại học ông mới bắt đầu đọc nhiều sách khác nhau về tôn giáo.
Ở độ tuổi 20, vì vợ theo đạo, nên ông đã kết hôn trong một nhà thờ Công giáo. Ban đầu, ông cải sang đạo Công giáo nhưng đã thay đổi quyết định sau khi Giáo hoàng John Paul II qua đời vào năm 2005. “Tôi vẫn tin vào Thần và chúa Jesus là hiện thân của đấng cứu thế của tôi,” ông nói.
Khi tiếp tục đọc Kinh thánh và các sách khác về tín ngưỡng phương Đông, ông tin rằng Sáng Thế Chủ đã gửi các nhà tiên tri đến giúp con người ở tất cả các dân tộc vào các thời kỳ khác nhau. Sau này, con người đã lấy những chân lý được truyền đạt cho họ và cải biến thành phiên bản riêng của mình.
“Tôi tin rằng Kinh thánh là do Chúa truyền cảm hứng. Nhưng đồng thời, tôi [cũng] có thể tin rằng một số thánh kinh của các tôn giáo khác cũng có thể do Chúa truyền cảm hứng.” ông Larson chia sẻ với The Epoch Times, và thêm rằng “tất cả các tôn giáo lớn đều từng có một số khía cạnh chân lý nhưng lại bị con người làm vấy bẩn, bịa thêm để đáp ứng các nhu cầu của họ.”
Giờ đây, gia đình ông không [còn] đi nhà thờ nữa. Đứng ở một góc độ nào đó, ông đã trở thành một người hướng dẫn tâm linh trong gia đình mình.
Sau khi đọc bài viết của Đại Sư Lý, ông nói đã ngay lập tức chia sẻ với các thành viên khác trong gia đình mình. “Mọi người phải đọc bài viết này,” ông nói với họ. Ông cho hay, ông không tìm thấy thiên kiến cá nhân nào trong bài viết của Đại Sư Lý.
Nghiệp lực luân báo qua các kiếp sống
Đối với ông Larson, một điểm chính mà ông lĩnh hội được từ bài viết là mối liên hệ nghiệp lực giữa kiếp này và các kiếp trước. Ông nói mình đã biết khái niệm về nghiệp lực nhưng đã không nghĩ đến mối liên hệ này trước khi đọc được bài viết của Đại Sư Lý.
“Nếu cuộc đời hiện nay của bạn thật sự tồi tệ, thì có thể là bởi vì trong quá khứ, bạn đã thật sự là một người xấu,” ông chia sẻ sự hiểu biết của mình.
Ông nói tiếp,“Và tôi bắt đầu nghĩ về một số thành viên trong gia đình, rằng bất kể chúng tôi làm gì để giúp đỡ họ, họ vẫn luôn gặp khó khăn trắc trở. Luôn có chuyện bất hạnh. Luôn có điều gì đó không ổn, và chúng tôi không thể hiểu tại sao dù cố gắng thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn không thể vượt qua.”
Bài viết đã mang lại cho ông những nhận thức mới. “Giờ đây tôi có thể tin vào các kiếp trước. Tôi tin rằng có lẽ khi chúng ta đang trả nghiệp, tiêu nghiệp và học cách trở thành tốt hơn – nghĩa là linh hồn của chúng ta sẽ học cách trở nên tốt hơn – thì chúng ta phải trải qua những khổ nạn, và cuộc đời này cũng có thể là một kiếp sống nữa,” ông nói.
“Nhưng tôi tin rằng còn có nhiều thứ trong cuộc sống hơn là chỉ những gì ở đây. Và những gì chúng ta thấy, như linh hồn là bất diệt, và nó phải trải qua một quá trình học hỏi, học cách trở thành thần.” ông bổ sung thêm.
Ông Larson bày tỏ quan tâm đến việc đọc các bài giảng khác của Đại Sư Lý và cho biết ông vẫn đang trong quá trình tìm kiếm chân lý tối cao: “Tôi đang cố gắng trở nên tốt nhất có thể và đón nhận sứ mệnh tiếp theo của mình, bất kể điều gì mà Chúa giao cho tôi, và bất kể con đường nào được trải ra cho tôi. Tôi muốn cởi mở để nhận ra điều đó, và sau đó tôi cầu nguyện để có đủ sức mạnh theo đuổi nó.”
Ông Monson có cùng mục đích tìm kiếm: một môn tu luyện tâm linh hơn là các nguyên tắc giáo điều.
Sinh ra và lớn lên ở Utah, hiện giờ ông Monson đang sống ở tiểu bang Arizona. Lớn lên trong một gia đình Mặc môn, ông nói mình luôn là “thành viên cá biệt” khi xem thường những gì ông coi là các nguyên tắc giáo điều.
Ông nói có một điều trong những lời dạy của Chúa Jesus mà ông tâm đắc là “yêu thương lẫn nhau”. “Đó là lý do tại sao điều đó được thể hiện trong chữ ký của tôi. Điều này vượt trên tất cả các giới luật khác,” ông nói.
Bảo Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times