Hạ viện thông qua dự luật bầu cử khiến việc bác bỏ kết quả tổng thống trở nên khó khăn hơn
Hôm 21/09, Hạ viện đã thông qua một dự luật bầu cử nhằm mục đích giải quyết các nỗ lực pháp lý của Tổng thống (TT) Donald Trump để bác bỏ một số nhóm đại cử tri hồi năm 2021.
Mang tên Đạo luật Cải cách Bầu cử Tổng thống, dự luật này được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu gần như hoàn toàn theo quan điểm đảng phái với một số ít thành viên Đảng Cộng Hòa (GOP) đứng về phía Đảng Dân Chủ. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng đạt kết quả 229–203, trong đó 220 thành viên Đảng Dân Chủ và 9 thành viên Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu thuận.
Sau cuộc bầu cử năm 2020, khi cựu TT Trump đang cố gắng xác định xem làm thế nào để tiếp tục các tuyên bố của mình về gian lận bầu cử trên diện rộng, luật sư John Eastman là một trong số các luật sư trong vòng tròn nội bộ của ông Trump, người đã ủng hộ nỗ lực từ chối chứng nhận các danh sách đại cử tri từ các tiểu bang nơi lo ngại về gian lận bầu cử phổ biến nhất.
Tu chính án thứ 12
Ông Trump rất ủng hộ quan điểm của ông Eastman, rằng theo Tu chính án thứ 12 Phó Tổng thống Mike Pence có quyền từ chối một số nhóm đại cử tri. Ông Trump đã cố gắng thuyết phục ông Pence từ chối chứng nhận một số nhóm đại cử tri.
Cụ thể, nỗ lực này đã tập trung vào một dòng không rõ ràng trong Tu chính án thứ 12, vốn được thông qua sau cuộc bầu cử gần như khủng hoảng hồi năm 1800 chứng kiến Quốc hội phải kiểm tra hàng chục lá phiếu trước khi cuối cùng tuyên bố ông Thomas Jefferson là người chiến thắng.
Dòng đó có nội dung “Chủ tịch Thượng viện [tức là phó tổng thống], trước sự chứng kiến của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các chứng nhận và sau đó các phiếu bầu sẽ được kiểm đếm.”
Ông Eastman cho rằng ông Pence có thể từ chối kiểm đếm phiếu của các tiểu bang được cho là có nguy cơ gian lận bầu cử một cách hợp pháp.
Những người phản đối nỗ lực năm 2021 của ông Trump đã nói rằng Hiến Pháp chỉ có ý rằng vai trò của phó tổng thống trong việc chứng nhận các nhóm đại cử tri vào ngày 06/01 là một vai trò “theo nghi thức”, trong khi những người ủng hộ nỗ lực đã chỉ ra các sự kiện tương tự trong quá khứ, đặc biệt là trong liên quan đến các cuộc bầu cử tổng thống năm 1800, 1876, và 1960. Tuy nhiên, không có sự đồng thuận pháp lý cố định nào về vấn đề này.
Cuối cùng, nỗ lực đó đã không thành công, vì ông Pence từ chối sử dụng vai trò của mình để bác bỏ chứng nhận các nhóm đại cử tri đang bị tranh chấp.
‘Mở cánh cửa cho hàng loạt các vụ kiện tụng’
Mặc dù không có sự đồng thuận giữa các chuyên gia pháp lý về tính hợp pháp hoặc hợp lệ của nỗ lực này, nhưng việc thay đổi quy trình chứng nhận bầu cử đã là một trọng tâm chính đối với nhiều đối thủ của ông Trump trong Quốc hội khóa 117. Sự tập trung vào vấn đề này đã tăng cường kể từ khi bắt đầu các phiên điều trần của Ủy ban ngày 06/01, trong đó cho thấy những nỗ lực của ông Trump là hành vi phạm tội và phi dân chủ.
Dự luật được Hạ viện thông qua hôm 21/09 do dân biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California) giới thiệu và dân biểu sắp mãn nhiệm Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming) ủng hộ. Cả hai thành viên này đều phục vụ trong Ủy ban ngày 06/01 của Hạ viện.
Ngoài việc xem vai trò của phó tổng thống trong việc chứng nhận bầu cử là theo nghi thức, dự luật sẽ tăng số lượng các nhà lập pháp cần thiết để duy trì một sự phản đối đối với nhóm đại cử tri một tiểu bang gửi lên.
Hiện tại, một cuộc bỏ phiếu về tính hợp lệ của các nhóm đại cử tri có thể được thúc đẩy thực hiện bởi một thành viên Hạ viện và một thành viên Thượng viện, khiến Hạ viện và Thượng viện phải biểu quyết để duy trì hoặc bác bỏ sự phản đối đó. Theo dự luật mới, con số đó sẽ được nâng lên một phần ba Hạ viện và một phần ba Thượng viện trước khi một cuộc bỏ phiếu phản đối có thể được tiến hành.
Bà Cheney nằm trong số những người cho rằng vai trò của phó tổng thống hoàn toàn là theo nghi thức, nói rằng dự luật này sẽ bảo đảm rằng ngày 06/01 “theo như Hiến Pháp đã hình dung, là một ngày theo pháp luật quy định.”
Hơn nữa, bà Cheney nói rằng dự luật cũng sẽ “bảo đảm rằng trong tương lai quá trình bầu cử của chúng ta phản ánh ý chí của người dân.”
“Người dân Mỹ phải quyết định một cuộc bầu cử chứ không phải Quốc hội,” ông Lofgren nói, lặp lại lời bà Cheney.
Trong một bài diễn văn bế mạc của mình về vấn đề này, thành viên Ủy ban ngày 06/01 Jamie Raskin (Dân Chủ-Maryland) đã mô tả dự luật này là điều cần thiết để cập nhật các quy tắc về cử tri đoàn, vốn từ lâu đã được các thành viên Đảng Dân Chủ nhắm mục tiêu, những người thường mô tả hệ thống này là phi dân chủ.
Từ lâu Đảng Dân Chủ đã tổ chức các cuộc kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn cử tri đoàn và chuyển sang cơ sở phiếu bầu phổ thông để bầu tổng thống.
Tuy nhiên, hầu hết các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đều chỉ trích dự luật này.
Thành viên hàng đầu của Ủy ban Hành chính Hạ viện Rodney Davis (Cộng Hòa-Illinois) nói rằng dự luật này “mở cánh cửa cho các hàng loạt các vụ kiện tụng.” Ngoài ra, ông Davis cho rằng dự luật này chà đạp chủ quyền của tiểu bang đối với luật bầu cử.
Ông Davis nói thêm rằng Đảng Dân Chủ “đang ráng hết sức để nói về chủ đề yêu thích của họ, và đó là cựu Tổng thống Donald Trump.”
Trong bài diễn văn khai mạc về dự luật này tại Hạ viện, ông Davis lập luận rằng, bất chấp những nỗ lực trình bày quan điểm trái ngược, Tu chính án thứ 12 từ lâu đã được các thành viên của cả hai đảng sử dụng để bảo đảm tính hợp pháp của các kết quả của một cuộc bầu cử.
Ông Davis đã mô tả cơ chế này giống như một cơ chế bảo toàn việc kiểm soát và cân bằng của ba nhánh liên bang đối với nhau (tam quyền phân lập).
Trái ngược với quan điểm được Đảng Dân Chủ tán thành, ông Davis nói, các nhà lập pháp thách thức kết quả bầu cử khi họ thấy điều gì đó đáng ngờ “không phải là một sự sỉ nhục đối với nền dân chủ — đó là nền dân chủ đang hoạt động.”
Dân biểu Barry Loudermilk (Cộng Hòa-Georgia), người đã phải đối mặt với những cáo buộc từ Ủy ban ngày 06/01 về việc dẫn đầu các nhiệm vụ trinh thám tại Điện Capitol trong những ngày trước ngày 06/01, cũng đã chỉ trích dự luật, nói rằng Quốc hội nên tập trung vào việc giải quyết các vấn đề cấp bách như lạm phát và chi phí năng lượng thay vì vụ việc ngày 06/01.
Ngược lại, Đảng Dân Chủ đã dành phần lớn thời gian để trình bày tại Hạ viện bằng cách liên hệ dự luật với các sự kiện diễn ra vào ngày 06/01/2021 và tương lai của nền dân chủ Mỹ.
Trong một tuyên bố cho thấy sự liên đới này, Dân biểu Steny Hoyer (Cộng Hòa-Maryland) nhấn mạnh rằng dự luật này không phải là một vấn đề đảng phái, mà là “một vấn đề dân chủ.”
Ông Hoyer nói thêm: “Có những điểm mơ hồ trong hệ thống bầu cử của chúng ta và chúng có thể gây nguy hiểm cho nền dân chủ của chúng ta — đó là lý do tại sao dự luật này ra đời.”
Đảng này cũng đã dành rất nhiều thời gian để hoan nghênh bà Cheney vì vai trò của bà trong việc thúc đẩy dự luật.
“Tổng thống Abraham Lincoln sẽ ủng hộ bà Liz Cheney nếu ông ấy có mặt tại Hạ viện ngày hôm nay,” ông Hoyer, người xem bà Cheney “như bất kỳ thành viên Đảng Cộng Hòa nào khác” trong Hạ viện, nói.
Vấn đề về Tu chính án thứ 12 vẫn còn tranh chấp
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông John Eastman, luật sư của ông Trump, người ủng hộ nhiều nhất cho kế hoạch Tu chính án thứ 12, đã không đồng ý về tính hợp pháp của nỗ lực này.
Ông Eastman cho rằng việc thảo luận về vai trò của Tu chính án thứ 12 ngoài bối cảnh tình hình trên thực tế vào thời điểm đó là sai lầm.
Ông lưu ý rằng Hiến Pháp trao cho các tiểu bang quyền đưa ra luật bầu cử của riêng mình và xác định cách thức mà các tiểu bang sẽ lựa chọn các nhóm đại cử tri của mình. Ở mọi tiểu bang của Hoa Kỳ vào thời điểm này, phiếu phổ thông là phương pháp để chọn nhóm đại cử tri đó.
Nhưng ông Eastman cũng chỉ ra một số thay đổi vào phút cuối của các tổng thư ký tiểu bang, các sắc lệnh từ các thống đốc, và các thư ký quận đã thay đổi hoặc cường điệu các quy định pháp luật được cơ quan lập pháp phê chuẩn, bắt buộc theo luật định như thời hạn và xác nhận chữ ký.
“Không có gì phải bàn cãi rằng những quy định bầu cử đó đã bị vi phạm,” ông Eastman phản đối. “Điều đó có nghĩa là cuộc bầu cử này đã không được tiến hành theo hiến pháp. Thật khó nói được tác động của việc đó lớn như thế nào.”
Ông nói thêm, “Tính bất hợp pháp của việc này khá là đặc biệt.”
Do các tòa án không muốn xem xét các vấn đề pháp lý liên quan và việc các thống đốc không muốn gọi các cơ quan lập pháp vào các phiên họp đặc biệt để giải quyết những mối lo ngại này, ông Eastman cho rằng việc sử dụng Tu chính án thứ 12 và vai trò của phó tổng thống là phương sách cuối cùng — mặc dù là một phương án hợp pháp.
Cuối cùng, ông Eastman chuyển sang vấn đề Tu chính án thứ 12.
“Có vẻ hơi kỳ lạ nếu [những Nhà soạn thảo] lãng phí cả một tu chính án chỉ vì một việc mang tính nghi thức,” ông Eastman lập luận, bác bỏ tuyên bố rằng vai trò của phó chủ tịch chỉ mang tính chất nghi thức. “Đó không phải là cách mà những Nhà soạn thảo Hiến Pháp thường làm.”
Ông Eastman lập luận thêm rằng quá trình bầu cử phần lớn nhằm mục đích bảo đảm Quốc hội không có tiếng nói cuối cùng trong việc lựa chọn tổng thống, vì một hệ thống như vậy sẽ “phá hủy sự phân chia quyền lực.”
Hệ thống Hiến Pháp hiện hành
Theo hệ thống Hiến Pháp hiện hành, Quốc hội chỉ có thể chọn tổng thống trong trường hợp có ba ứng cử viên trở lên có tỷ số hòa mà không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu bầu. Ngay cả trong trường hợp này, việc bỏ phiếu do Hạ viện tiến hành theo tiểu bang chứ không phải theo đa số đơn thuần, hạn chế khả năng của các tiểu bang hoặc phe phái lớn hơn trong Quốc hội xác định tổng thống chỉ bằng các con số.
Quốc hội chỉ có thể giữ vai trò này trong một số ít trường hợp, tất cả đều diễn ra vào thế kỷ 19. Kể từ sự trỗi dậy của hệ thống hai đảng, những đa số tương đối như vậy khó có thể xảy ra một cách phổ biến đối với một ứng cử viên thứ ba trong thế giới hiện đại.
Về thực tế này, ông Eastman lập luận rằng các nhà soạn thảo Tu chính án 12 đã cố ý viết nó để bảo đảm rằng các tiểu bang, tòa án và phó tổng thống, chứ không phải Quốc hội, có tiếng nói cuối cùng trong việc xác định phải làm gì đối với một cuộc bầu cử đang tranh chấp.
“Nếu có tranh chấp, thì ai đó phải giải quyết tranh chấp,” ông Eastman nói, viện dẫn công việc của các học giả pháp lý khác, những người đã nói rằng trọng tài trong một sự kiện như vậy được dự định là phó tổng thống. Điều này bảo đảm rằng “một thành viên của nhánh hành pháp [chọn] tổng thống” thay vì khiến nhánh hành pháp phải “phục tùng Quốc hội.”
Vấn đề cốt lõi – phạm vi tiếp cận của phó tổng thống theo Tu chính án thứ 12 – sẽ được giải quyết thông qua dự luật Hạ viện nói trên bằng cách tuyên bố vai trò đó có tính chất nghi thức. Tuy nhiên, theo hình thức hiện hành của luật, thì mức độ mở rộng phạm vi của vai trò này vẫn còn là vấn đề tranh cãi.
Có khả năng được thông qua
Với việc được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển đến Thượng viện để xem xét.
Mặc dù dự luật có thể sẽ có một số thay đổi ở thượng viện, nhưng đã có đủ số thành viên Đảng Cộng Hòa ký vào đạo luật tương tự để vượt qua ngưỡng 60 phiếu bầu ngăn thủ tục tranh luận không giới hạn, khiến dự luật này có thể được thông qua.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times