Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật yêu cầu các công ty đại chúng công khai về việc sử dụng các thiết bị Huawei, ZTE
Hôm 19/04, Hạ viện đã thông qua một dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao giải quyết vấn đề sử dụng các thiết bị và dịch vụ viễn thông khả nghi bằng cách đề nghị các công ty đại chúng công khai về việc liệu họ có sử dụng các dịch vụ hoặc thiết bị như vậy hay không.
Kết quả bỏ phiếu cuối cùng là 410 phiếu thuận-8 phiếu chống. Có bốn thành viên Đảng Cộng Hòa và bốn thành viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu phản đối dự luật này.
Dự luật này có nghĩa là các công ty đại chúng sẽ phải thực hiện một bản công bố thường niên nếu họ sử dụng các thiết bị hoặc dịch vụ từ hai công ty Trung Quốc bị cấm ở Hoa Kỳ — ZTE và Huawei.
Sau khi Ủy ban Ngoại giao Hạ viện thông qua dự luật này vào năm 2022, Dân biểu Susan Wild (Dân Chủ-Pennsylvania) đã nói trong một tuyên bố rằng, “Tin tức đã cho chúng ta thấy Huawei và ZTE hoạt động như thế nào với tư cách là các phương tiện để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ, tiến hành giám sát hàng loạt trên diện rộng, và phổ biến công nghệ đó cho các chế độ độc tài khác.”
Bà nói thêm, “Trước mối đe dọa này, chúng ta cần nỗ lực gấp bội để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của mình, giúp các đồng minh của chúng ta thực hiện các biện pháp sống còn vì an ninh của chính họ, cũng như kiên quyết bảo vệ các quyền căn bản.”
Dự luật này sẽ yêu cầu ngoại trưởng nộp một báo cáo “về mức độ phổ biến của các thiết bị hoặc dịch vụ viễn thông không đáng tin cậy trong mạng của các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ” cho các ủy ban Quốc hội cụ thể trong vòng 180 ngày sau khi dự luật được ban hành và phải làm báo cáo thường niên trong hai năm tiếp theo.
Các ủy ban đó là Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, Ủy ban Năng lượng và Thương mại, Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, cùng Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải.
Dự luật này cũng sẽ yêu cầu ngoại trưởng nộp báo cáo cho Ủy ban Ngoại giao Hạ viện và Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, trong đó “có chứa một bản đánh giá về việc sử dụng các thiết bị hoặc dịch vụ viễn thông bị cấm tại các đại sứ quán Hoa Kỳ cũng như việc sử dụng của các nhân viên trong đại sứ quán Hoa Kỳ.”
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), dự luật này sẽ cho phép Bộ Ngoại giao và Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) “cung cấp trợ giúp ngoại giao và kỹ thuật cho các quốc gia đang nỗ lực bảo đảm cơ sở hạ tầng viễn thông của họ.”
Dự luật nói trên có được Thượng viện thông qua lần này hay không vẫn còn là câu hỏi mở. Công chúng vẫn chưa biết liệu Tổng thống Joe Biden sẽ ký hay phủ quyết dự luật này nếu nó được chuyển đến bàn của ông.
Dự luật này lưu ý rằng “Tổng Kiểm soát viên Hoa Kỳ đã báo cáo rằng 23% trên tổng số các nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Bộ Ngoại giao có ít nhất một nhà cung cấp được cho là có trụ sở tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc Liên bang Nga.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times