Hạ viện Hoa Kỳ muốn các công ty cho người tiêu dùng biết về máy ảnh, micro trong các thiết bị
Hôm 27/02, Hạ viện đã bỏ phiếu áp đảo để yêu cầu các nhà sản xuất cho người tiêu dùng biết liệu một thiết bị kết nối Internet có đi kèm với máy ảnh hoặc micro hay không, trong đó việc thực thi được giao cho Ủy ban Thương mại Liên bang.
Yêu cầu đó không áp dụng cho một số thiết bị, chẳng hạn như “một chiếc điện thoại (kể cả một chiếc điện thoại di động), một máy điện toán xách tay, máy điện toán bảng, hoặc bất kỳ thiết bị nào mà một người tiêu dùng mong đợi một cách hợp lý là có micro hoặc máy ảnh.”
Một kiến nghị nhằm đình chỉ những quy tắc này và qua Dự luật H.R. 538 đã được thông qua tại Hạ viện với 406 phiếu thuận và 12 phiếu phản đối: 201 thành viên Đảng Dân Chủ và 205 thành viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu thuận, trong khi đó 12 thành viên Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống. 15 dân biểu đã không bỏ phiếu.
Những người phản đối kiến nghị này bao gồm một số nhà lập pháp theo phái bảo tồn truyền thống và thiên tả nổi tiếng.
Các Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky), Dan Bishop (Cộng Hòa-North Carolina), Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona), và Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) đều bỏ phiếu chống.
The Epoch Times đã liên lạc với những nhà lập pháp đó để tìm hiểu lý do tại sao họ phản đối kiến nghị này.
Dân biểu Gus Bilirakis (Cộng Hòa-Florida), một người ủng hộ Dự luật H.R. 538, cho biết: “Đây là một dự luật tương đối đơn giản.”
“Các thiết bị kết nối Internet đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của chúng ta, và điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng họ đang mua cái gì.”
Dân biểu Frank Pallone (Dân Chủ-New Jersey), một dân biểu khác ủng hộ cho dự luật này, đã nói với các đồng sự của mình về tốc độ nhanh chóng và quy mô lớn của cuộc cách mạng Internet vạn vật (Internet of Things, IoT) trong các sản phẩm tiêu dùng.
Ông Pallone cho biết: “Ngày nay, một ngôi nhà bình thường ở Mỹ có 11 thiết bị Internet vạt vật, tức là IoT.”
Tuy nhiên, những con số mà ông Pallone nêu ra dường như đã lỗi thời.
Một cuộc khảo sát mới đây của Deloitte cho thấy số lượng các vật dụng được kết nối Internet thậm chí còn cao hơn, với 22 thiết bị thông minh cho mỗi căn nhà vào năm 2022.
“Chúng ta phải bảo đảm rằng cuộc cách mạng IoT không đánh đổi quyền tư ẩn của người tiêu dùng,” ông Pallone nói. Ông tiếp tục mô tả các báo cáo rằng các thiết bị được kết nối IoT đang ghi chép dữ liệu người dùng mà họ không hề hay biết.
Mối nguy hiểm từ các thiết bị thông minh vượt ra ngoài mối đe dọa từ những kẻ lừa đảo tầm thường và các tập đoàn khao khát dữ liệu.
Một báo cáo năm 2022 của giáo sư Christopher Balding gợi ý rằng Trung Quốc có thể bí mật ghi lại cảnh người Mỹ sử dụng những chiếc máy pha cà phê do nước này sản xuất.
Báo cáo này nêu rõ, “Mặc dù chúng ta không thể nói rằng công ty này đang thu thập dữ liệu về người dùng không phải là người Trung Quốc, nhưng tất cả bằng chứng cho thấy chiếc máy của họ có thể và đúng là thu thập dữ liệu về người dùng bên ngoài Hoa lục và lưu trữ dữ liệu tại Trung Quốc.”
Trong khi đó, IoT hiện đang giúp Úc biến đổi một cảng than, Newcastle, thành một “thành phố thông minh.”
Liên minh Âu Châu cũng đã nhận ra những mối lo ngại về bảo mật ngày càng tăng đối với các thiết bị thông minh. Hồi tháng 09/2022, khối này cũng đã công bố các quy tắc an ninh mạng mới.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times