Gửi gắm tinh thần tích cực vào mỗi món ăn
Cuộc gặp gỡ với đầu bếp người Mỹ gốc Nhật thành công tại xứ sở cờ hoa
Với lòng gan dạ và nhạy bén, cô chủ nhà hàng Okuda đã kết hợp thành công món ăn Nhật với triết lý: ‘Hãy cho tôi biết bạn ăn gì, tôi sẽ trả lời bạn là ai’.
Dù kinh doanh một ngành nổi tiếng với rủi ro thất bại cao và tỷ suất lợi nhuận thấp như nhà hàng, cô Mie Okuda vẫn hai lần trụ vững trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Vào cuối những năm 1990, trong thời kỳ “Thập niên mất mát” của Nhật Bản, cô đã bắt đầu mở một nhà hàng tại quận Ginza của Tokyo, là một trong những thành phố có nhiều nhà hàng nhất trên thế giới. Nhiều năm sau ở Hoa Kỳ, cô Okuda tiếp tục khai trương một nhà hàng ở New York, ngay lúc cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lần mở nhà hàng thứ 2 diễn ra vài tháng sau khi Okuda nhập cư vào Hoa Kỳ vào năm 2007, trong khi lần đầu là một sự thay đổi nghề nghiệp mang tính quyết định sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế. Thật khó tin nhưng cả 2 lần cô đều chiếm trọn cảm tình của thực khách. Bản thân cô Okuda cũng không chắc mình làm được như thế nào. Cô đùa, “Tôi không biết nên nói đó là thời điểm tốt hay thời điểm xấu.” Nhà hàng ở Tokyo của cô ấy làm ăn rất tốt, với phần lớn khách hàng quen thuộc chủ yếu là các chính trị gia và thường xuyên được quảng bá trên truyền hình. Vì thế, chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, một ngân hàng nội địa đã cho cô vay không cần xét duyệt lịch sử tín dụng để mở rộng nhà hàng ra toàn bộ tầng lầu. Còn nhà hàng Momokawa ở New York của cô đã trở nên nổi tiếng trong vòng hai năm sau khi khai trương và đã được trao tặng danh hiệu Michelin Guide Bib Gourmand, có nghĩa là đây là một cơ sở có đồ ăn ngon và giá cả phù hợp. Nhà hàng vẫn đang phát triển thịnh vượng bất chấp một đại dịch đã khiến nhiều nơi khác trong thành phố phải đóng cửa.
Tinh thần kinh doanh của cô là minh chứng cho sự gan dạ của cô: Lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Hokkaido, Nhật Bản, cô học về nấu ăn và lòng hiếu khách khi xem bố mẹ điều hành một nhà hàng kiểu izakaya (quán rượu Nhật Bản). Tuy nhiên, khi mở nhà hàng ở Tokyo, cô không có bất kỳ kiến thức chuyên môn nào về ẩm thực. Cô đã theo đuổi sự nghiệp thiết kế và đương đầu với sự phân biệt đối xử khi cố gắng tìm việc làm với tư cách là một bà mẹ đơn thân nuôi một cậu con trai hai chủng tộc. Cuối cùng, Okuda đã tìm được một công việc tại một công ty nhỏ, nhưng sau một vài năm, cô nhận ra rằng mình phải theo đuổi bằng kiến trúc để có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, sau đó cô Okuda lại quyết định mở một nhà hàng, dành hết số tiền tiết kiệm cả đời vào quán ăn ở Tokyo.
Thế nhưng, trong thâm tâm cô biết rằng mình sẽ không ở lại Nhật Bản vì con trai của cô, mang nửa dòng máu Argentina, thường bị bắt nạt ở trường. Cô quyết định lập một kế hoạch di cư đến New York. Trong một thành phố tràn ngập những người thuộc mọi nền văn hóa và lai lịch khác nhau, cô nghĩ con trai mình sẽ không còn cảm thấy bị xa lánh như vậy nữa. Cô nói: “Tôi muốn cho con trai mình thấy, đó là điều bình thường.” Tại Hoa Kỳ, cô đã tự mình vạch ra con đường đi đến thành công.
Thành công đó bắt nguồn từ sự chăm chút trong việc chế biến các món ăn đảm bảo sức khỏe và được làm bằng nguyên liệu sạch. Cô ấy cung cấp nước tương, đậu nành và ngô không biến đổi gen bất cứ khi nào có thể; kiên quyết sử dụng muối biển và đường không tinh chế trong nhà hàng mình; mua các sản phẩm thịt không có kháng sinh; và cô hướng dẫn nhân viên của mình rửa rau một cách cụ thể để loại bỏ thuốc trừ sâu. Từ năm 2011 đến năm 2016, cô Okuda vừa nghiên cứu khoa học dinh dưỡng tại một trường đại học trực tuyến vừa quản lý nhà hàng. Thật khó khăn, nhưng Okuda cho biết cô muốn học cách áp dụng các nguyên tắc y học toàn diện Đông phương vào việc nấu nướng với các nguyên liệu được tìm thấy ở Mỹ.
Từ khi còn là một đứa trẻ vị thành niên, cô bé Okuda đã quan tâm đến dinh dưỡng; khi chăm sóc người mẹ thường xuyên đau ốm của mình trong bệnh viện, cô đã muốn tìm hiểu nhiều hơn về cách thứ nấu những bữa ăn lành mạnh. Cô giải thích: “Những gì bạn ăn sẽ trở thành tế bào và mô của bạn. Thức ăn tạo ra cơ thể của bạn. Khi bạn đang thưởng thức thực phẩm mình đang ăn, những thông điệp tích cực sẽ đi vào cơ thể bạn.” Cuối cùng, Okuda muốn theo học lấy bằng thạc sĩ để có thể nghiên cứu thêm về mối quan hệ giữa thực phẩm và sức khỏe. Có những nghiên cứu chỉ ra rằng ăn thức ăn ngon sẽ tạo ra các hormone “cảm thấy dễ chịu”; cô muốn tìm hiểu xa hơn về việc liệu những hormone đó có thể tăng cường hệ thống miễn dịch hay không.
Cô Okuda cho biết cách tiếp cận nấu ăn của mình là sẽ chỉ phục vụ những món mà cô sẽ cho con mình ăn. Hay nói cách khác, “Chỉ làm những điều tốt nhất cho khách hàng. Đó là phương châm kinh doanh của chúng tôi.” Bản thân biển hiệu của nhà hàng đã thể hiện mong muốn mang đến những lời chúc sức khỏe dồi dào: “mo” có nghĩa là 100. Cô Okuda giải thích rằng “momo” có nghĩa là 100 nhân với 100 – một con số tốt lành để cầu chúc sự trường thọ cho mọi thực khách.
Nguyên liệu làm món bít tết giòn tan kiểu Nhật
(Dùng cho 4 khẩu phần ăn)
- 2 pound (1kg) bò bít tết cắt thành những khối vuông 1cm
- 5–6 củ khoai tây cỡ vừa
- 2–3 củ hành tây cỡ vừa
- 3 muỗng canh bơ
- 2 ounce (55ml) rượu vang đỏ
- 3 muỗng canh sốt nâu demi-glace (tự làm hoặc mua ở cửa hàng). (Demi-glace là một loại nước sốt màu nâu đậm đà trong ẩm thực Pháp được dùng riêng hoặc làm nền cho các loại nước sốt khác)
- 3 muỗng canh phô mai mozzarella
- Muối và tiêu
- 1 quả trứng
- 2 muỗng canh nước lạnh
- 2 muỗng canh vụn bánh mì panko
Áp chảo thịt bò cắt miếng vuông với bơ trên lửa lớn. Nấu đến khi thịt tái vừa. Vớt thịt bò ra để riêng. Thêm hành tây băm nhỏ vào chảo và xào cho đến khi có màu nâu. Cho thịt bò trở lại chảo; thêm rượu vang đỏ và sốt nâu demi-glace.
Hấp khoai tây trong 40 phút bằng xửng hấp. Sau đó, nghiền khoai tây trong khi còn nóng. Thêm thịt bò với nước sốt và pho mát vào khoai tây. Nặn hỗn hợp thành những viên tròn.
Trong một cái tô riêng, đập nhẹ một quả trứng và thêm nước. Trước tiên, áo những viên tròn qua một lớp vụn bánh mì, rồi nhúng qua phần trứng đã đánh tan. Sau đó, phủ thêm một lớp vụn bánh mì và trứng. Chiên ngập dầu ở nhiệt độ 325 độ F (163 độ C) trong 5 đến 6 phút.
Cuối cùng, dọn ra và thưởng thức, bạn nhé!
Bài viết này lần đầu được xuất bản trên tạp chí American Essence.
Tác giả Annie Wu gia nhập đội ngũ nhân viên toàn thời gian của Epoch Times vào tháng 7 năm 2014. Năm đó, cô đã giành được giải nhất của Hiệp hội Báo chí New York cho việc đưa tin tức thời sự hay nhất. Cô tốt nghiệp Đại học Barnard và Khoa Báo chí Sau đại học Đại học Columbia.