Đầu bếp bánh ngọt Ebow Dadzie: Hành trình đến với thành công từ bài học của người bà
Bếp trưởng bánh ngọt tài ba của Hoa Kỳ luôn mang trong mình tình yêu thương, gia đình, và truyền thống ở bất cứ nơi đâu anh đến
Trong gian bếp của một căn hộ nhỏ có hai phòng ngủ ở Brooklyn, cậu bé Ebow Dadzie quan sát bà mình nấu ăn. Đôi lúc, cậu được yêu cầu lấy giúp một loại gia vị hoặc khuấy đều chiếc nồi, và đôi khi cậu được hướng dẫn một công thức nấu ăn hoàn chỉnh. Thường thì, cậu chỉ quan sát khi bà Dorothy Mitchell chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Bất kể Dadzie làm gì, cậu bé cũng luôn luôn học hỏi. Bà Mitchell là một người Trinidad nhập cư, có tính cách thực tế và nghiêm túc như mọi người bà khác, và bà là một người phụ nữ mạnh mẽ (theo lời của anh Dadzie). Bà có khả năng nấu xong món cà ri chỉ trong tích tắc và thoắt sau đó la hét một đứa cháu nghịch ngợm. “Người ta nói về người phụ nữ biết cách nỗ lực, biết làm lụng chăm chỉ, bà tôi chính là người như vậy,” anh Dadzie nói về bà của mình. “Bà muốn chắc chắn rằng bụng của mọi người được no đủ vào cuối đêm. Có một câu mà bạn thường dùng khi bạn nghèo, khi bạn không có gì để ăn, là ‘eat sleep for dinner’ (uống nước thay cơm). Bà bảo đảm cho chúng tôi không phải làm như vậy.”
Anh Dadzie đã có được thành công từ căn bếp nhỏ thơm phức mùi của các món ninh và hầm của người Trinidad cùng ký ức tuổi thơ ấm áp, nơi đặt một chiếc tivi đen trắng từng chiếu chương trình Video Music Box trên chiếc bàn yêu quý bị trầy xước, bên trên là những cuốn sách giáo khoa mở sẵn. Anh Dadzie được tạp chí Dessert Professional bình chọn vào danh sách Mười Đầu Bếp Bánh Ngọt Hàng Đầu Mỹ quốc. Anh đã xây dựng những tòa nhà chọc trời theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Năm 2006, anh đã tạo nên bản sao của tòa nhà Empire State cao 16 foot (gần 4.9m) trong cuộc thi Food Network, và đạt kỷ lục Guinness Thế giới khi đó. Anh cũng mở đường cho các đầu bếp bánh ngọt gốc Phi Châu tham gia cộng đồng cạnh tranh làm bánh lành nghề. Và không chỉ có vậy; anh còn cả một hành trình dài phía trước — tuy nhiên anh vẫn sẽ luôn nhớ về nguồn cội của mình.
Một đầu bếp lớn lên ở Brooklyn
Quá trình trưởng thành của anh Ebow Dadzie là một câu chuyện quen thuộc. Khi còn là một đứa trẻ, anh vừa hiếu học vừa nghịch ngợm, một mặt anh cố gắng chứng tỏ với người cha là lập trình viên máy điện toán rằng anh có năng lực để trở thành một lập trình viên máy điện toán trong tương lai, mặt khác, anh lại gây rắc rối và khiến mẹ anh phiền lòng. Sinh trưởng trong một gia đình nhập cư vào Brooklyn những năm 80 và 90 có thể đưa đến một kết cục hoàn toàn khác, một trong số đó là “Tôi có lẽ đã ở ngoài đường,” anh Dadzie cho hay. “Trưởng thành, đó là một chuẩn mực. Tôi không nói rằng mình luôn là đứa trẻ ngoan, bởi vì tôi không như vậy. Có những quyết định mà bạn đưa ra trong phần lớn cuộc đời mình sẽ định đoạt kết quả tương lai của bạn.”
Tuy nhiên, điều ngăn cản anh Dadzie lao vào những góc khuất tối tăm nhất của thành phố New York chính là người bà gốc Tây Ấn có thân hình cao khoảng 1 mét tám của mình. Bà Mitchell là một phụ nữ có cốt cách cổ điển, người thích bọc nhựa đồ nội thất trong phòng khách xinh xắn để giữ chúng luôn vẹn nguyên như mới “cho những vị khách không bao giờ đến.” Bà không cho phép cháu trai của mình trở thành kẻ chuyên gây rắc rối. Và vì thế, bà giữ anh Dadzie bên cạnh, dạy anh nấu nướng để anh không bao giờ phải phụ thuộc vào người phụ nữ trong bếp của mình. Bà nhắc nhở anh về nguồn cội; anh thường đứng bên cạnh và quan sát bà nghiền mận và nho khô bằng tay trong một thùng chứa (sạch) để làm bánh black cake của người Trinidad. Trong anh, tình yêu với ẩm thực đã dần nảy nở từ đó.
“Đây là căn bếp. Đây là nơi cuộc sống của tôi diễn ra,” anh Dadzie hồi tưởng. Bầu không khí mà anh Dadzie hít thở tràn ngập những loại gia vị tốt nhất của vùng Caribbe: hành tây, tỏi, ớt paprika, thì là. Và anh có được tất cả là nhờ vào căn bếp nhỏ xíu không có mặt bếp làm bằng thép không gỉ vừa tầm mắt, những dụng cụ chắc chắn sử dụng được nhưng không tối tân — và nhờ có bà Mitchell, người bà đã qua đời cách đây nhiều năm, người từng tồn tại trong tâm trí của cậu bé Dadzie ngày nào như một trụ cột của sự kỷ luật, giờ đây đã tỏa sáng như ngọn hải đăng soi đường cho lòng quyết tâm của anh.
Một cách tự nhiên, anh Dadzie đã sống cuộc đời mình theo cả hai phẩm chất trên và hơn thế nữa. Sau nỗ lực (không thành công) để trở thành một vận động viên điền kinh ở trường tiểu học, đầu bếp này đã học được một triết lý quan trọng từ vị huấn luyện viên cao niên của mình rằng: Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ luôn luôn được nhớ đến nhiều hơn một người phục tùng tài năng. “Cống hiến, quyết tâm, khát vọng, và kỷ luật” là những triết lý mà vị huấn luyện viên của anh đã dạy cho anh. “Đối với bất cứ điều gì mà em muốn làm trong cuộc đời mình, nếu em áp dụng bốn điều này, em sẽ thành công.”
Công thức cho sự thành công
Người đầu bếp này đã trải qua vài lần thử nghiệm và sai lầm để tìm được hướng đi cho mình. Anh đã thử và thất bại trong công việc lập trình máy điện toán. Trong những năm học đại học, anh đã cố gắng làm việc cho các nhà hàng nhỏ nhưng mất đi hứng thú. Anh trôi nổi trong ngành ẩm thực, tìm kiếm nơi phù hợp, và cuối cùng anh làm việc dưới sự chỉ dẫn của một đầu bếp bánh ngọt cao cấp của khách sạn Grand Hyatt. Anh Dadzie đã làm việc bên cạnh người đầu bếp ấy trong cuộc thi Paris Gourmet, sau khi vị này nhìn ra tài năng của anh Dadzie — mặc dù “Tôi không giỏi” chút nào vào thời điểm đó, anh Dadzie cười vang — và sự việc thua cuộc của người cố vấn đó cuối cùng đã khơi dậy niềm đam mê trong anh Dadzie và giúp anh có được một trong những chiến thắng cho riêng mình.
Khi anh Dadzie nhìn quanh cuộc thi này, anh thấy rất nhiều đầu bếp bánh ngọt lành nghề, cụ thể là những đầu bếp đến từ Paris — nhưng không có nhiều người giống như anh. “Cuộc thi này kiểu như việc tạo tiếng vang cho các đầu bếp bánh ngọt thực sự muốn thành công trong tương lai … Vì thế, tôi muốn phá vỡ một số ranh giới và thật sự muốn truyền tải cho thế giới rằng chúng tôi cũng có thể làm được điều này.” Và anh đã đạt được giải ba.
Vào năm sau đó, năm 2007, chủ đề của cuộc thi là những cánh rừng mưa nhiệt đới. Dĩ nhiên, có nhiều cuốn sách, trang web, những nguồn tài liệu trực tuyến vô tận về rừng mưa nhiệt đới để nghiên cứu — nhưng họ không làm vậy. Anh Dadzie đã bay tới Ghana, Tây Phi, để đắm mình trong cảm hứng từ những rừng mưa ở bờ biển Trung Tây Phi. Quá trình chuẩn bị là vô cùng gian nan: Anh Dadzie luyện tập và chuẩn bị mỗi ngày suốt nhiều tháng liền, thậm chí còn lựa chọn và sau đó bị một huấn luyện viên bánh ngọt loại ra vì không nhìn thấy tiềm năng ở anh Dadzie, và cũng không muốn mạo hiểm với một chuỗi chiến thắng.
Nhưng anh Dadzie đã chiến thắng. Anh được Paris Gourmet vinh danh là Đầu bếp Bánh ngọt của Năm. Anh nói rằng sau khi anh thắng cuộc, anh đã nhìn thấy nhiều người da màu tham gia cuộc thi hơn, và anh mô tả một “cảm giác tốt đẹp khi bạn chứng kiến điều đó, vì bạn biết rằng mình đã đặt ra một tiêu chuẩn nhất định. Bạn muốn mọi người biết những gì có thể đạt được nhờ làm việc chăm chỉ.”
Và anh Dadzie tiếp tục chiến thắng trong nhiều năm sau đó nữa. Anh gia nhập khách sạn Marriott Marquis, giám sát một đội gồm 15 đầu bếp bánh ngọt và để tinh thần sáng tạo của mình thăng hoa. Trong nhiều dịp, anh đã thiết kế những chiếc váy chocolate cho Salon du Chocolat New York. Anh đã nhận được công việc giảng dạy tại trường Đại Học City Tech và Đại Học Monroe ở thành phố New York, đào tạo thế hệ những đầu bếp lừng danh tiếp theo — hay chính xác hơn là, những người mới bắt đầu nấu ăn, vì vài sinh viên của anh không biết cách đun nước trong những ngày đầu tiên. Anh Dadzie cũng nấu ăn cho chương trình Meals on Wheels để giao thức ăn đến những người cao niên trong suốt thời kỳ đại dịch. Căn bếp của anh giờ đây là một không gian tuyệt đẹp với mặt bếp làm bằng thép không gỉ, nơi anh có thể sử dụng một hoặc mười bếp đồng thời cho một món ăn — sau thời thơ ấu với những bữa tối chỉ có một chiếc nồi. Anh hiện đang điều hành doanh nghiệp Team Dadzie Chocolate and Confection, có trụ sở tại tiểu bang New Jersey, qua đó cung cấp bánh cưới, chocolate, bánh ngọt, và dịch vụ tiệc.
‘Nếu bạn có một tài năng, hãy chia sẻ điều đó với thế giới’
Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng anh Dadzie học được rằng chỉ vì bạn đang ở đỉnh cao, không có nghĩa là những nguy hiểm đã biến mất; chúng chỉ thay đổi từ một trận tuyết lở sang một cơn sấm sét mà thôi. Anh đã học được điều này cách đây 15 năm, khi nhà hàng Tây Ấn Độ/Caribe của anh ở Brooklyn, nhà hàng Folukie, khai trương và không lâu sau đó phải đóng cửa. Anh học lại điều đó một lần nữa khi anh bị cho nghỉ việc tạm thời và cuối cùng bị khách sạn Marriott sa thải trong thời kỳ đại dịch.
Và anh cũng học được điều đó khi bà anh qua đời.
“Dorothy Mitchell, bà của tôi,” anh nói. “Tôi đã mua một chiếc máy ảnh hiệu Nikon, và tôi nói, ‘Bà ơi, để cháu chụp thật nhanh một bức ảnh nhỏ cho bà nhé.’ Bà không trang điểm gì cả, bà chỉ ở trong vẻ đẹp tự nhiên vốn có của mình, bạn biết đấy? Bà chỉ trao cho tôi ánh nhìn từ phía mà bà vẫn thường làm.” Đó là một trong những bức ảnh cuối cùng tôi chụp cho bà. “Bà là một phụ nữ đơn thuần. Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi đã có chiếc ghế này, đó là chiếc duy nhất bà ngồi vì bà nói đây là chiếc ghế duy nhất mà bà ngồi vừa và là chiếc ghế thoải mái nhất, nhưng đó là một chiếc ghế bằng nhựa cứng. Chúng tôi đặt chiếc ghế ngay trước nhà phòng khi bà muốn ngồi thư thả trong sân. Tôi vẫn còn giữ chiếc ghế ấy cho đến bây giờ. Bà đã qua đời cách đây vài năm, vào một ngày sau Lễ Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh vẫn còn là điều khó khăn đối với tôi.
Sau cùng, anh Dadzie tự hào về nơi mình từng sống và những thành tựu mà anh đạt được. Những bài học từ người bà Dorothy Mitchell từng khiến anh than vãn — cách thái gà và cách nấu bông cải xanh đều là những điều cơ bản; những bài học khác ít được nói đến hơn — đã được đền đáp trong tương lai khi anh cần phải trở thành một người đa tài: nấu những bữa ăn cho nhiều người khốn khó trong thời kỳ đại dịch, mở một nhà hàng, lập một công ty. “Việc đón nhận những bài học thời đó và áp dụng chúng, mọi thứ như những bánh xe xoay tròn vậy. Mọi thứ lại trở về cái gốc ban đầu, và tôi cảm thấy thật khiêm tốn và thật biết ơn những bài học cuộc sống mà mình được dạy từ cách đây rất lâu.”
Lời khuyên của anh Dadzie là gì? Nếu bạn có tài năng, hãy chia sẻ điều đó với thế giới — nhưng đừng bao giờ sợ hãi để học hỏi một kỹ năng mới. Và khi anh thực hiện điều này, anh nhớ về bà mình. “Tôi nghĩ rằng tôi đã khiến bà tự hào.”
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times