Góc nuôi dạy con: Giấc ngủ ngon được ví như một liều thuốc bổ
Có thể chúng ta quên mất rằng Mẹ Thiên nhiên cũng có nhiều “liệu pháp chữa trị” giống như các bác sĩ, đôi khi có thể còn có nhiều phương pháp hơn bác sỹ nữa. Một trong các phương pháp đó là giấc ngủ. Giấc ngủ được coi như một liều thuốc.
Một nghiên cứu về nhi khoa đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc ngủ không ngon giấc với một loạt các vấn đề sẽ xảy ra trong thời thơ ấu.
Frederick J. Zimmerman – giảng viên trường Đại học Washington cho biết: “Gần như những mối quan tâm của các bậc ba mẹ và các bác sĩ nhi khoa đều tập trung đến việc liệu tình trạng của con trẻ có thể trở nên trầm trọng hơn do ngủ không đủ giấc không, như từ béo phì đến tăng động hoặc hiếu động thái quá.”
Có rất nhiều điều cần cân nhắc khi chúng ta nói về giấc ngủ như: hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), chứng hoảng sợ và mộng du – những vấn đề này chúng ta sẽ bàn vào một dịp khác – hôm nay chúng ta sẽ tập trung vào giờ đi ngủ, giấc ngủ và các vấn đề cản trở đến giấc ngủ.
Mọi người thường nghĩ là do tác dụng phụ của việc uống các loại thuốc, tập thể dục vào ban đêm hoặc lười vận động làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, tuy nhiên, nguyên nhân chính lại là do điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử và tivi. Điều đó có thể giải thích được cách mà Rip van Winkle có thể ngủ ngon trong 20 năm: cả anh, gia đình và hàng xóm của anh đều không có internet, radio, tivi, máy tính hay điện thoại.
Nghiên cứu cho chúng ta biết rằng những thứ này và các thiết bị điện tử khác đều ảnh hưởng đến giấc ngủ theo cách tiêu cực. Ánh sáng xanh do màn hình điện tử phát ra sẽ kích thích các hormone đánh thức và làm con người mất ngủ.
Chúng ta thường bỏ qua vai trò quan trọng của giấc ngủ đối với sự tăng trưởng và phát triển tinh thần, thể chất, khả năng học tập và cảm giác dễ chịu khi có giấc ngủ ngon. Có một điều rất quan trọng là việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng đầu tiên của não, đó là khả năng lập kế hoạch, tổ chức các hoạt động và khả năng chú ý.
Ngủ quá ít sẽ làm xáo trộn việc học hành. Đối với các thanh thiếu niên, việc ngủ thêm 25 phút có thể cải thiện được chất lượng học tập và điều này có thể đo lường được.
Thời gian ngủ không đủ thực sự làm xáo trộn việc học và hành vi của trẻ, đến nỗi nhiều bậc cha mẹ, giáo viên và cả bác sĩ cũng bị nhầm lẫn chứng thiếu ngủ với bệnh rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) nên lại sẽ kê đơn điều trị cho trẻ bằng các loại thuốc có chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Việc điều trị này không phù hợp với cách điều trị của tôi! Theo phương thức của tôi, nếu ngủ không đủ giấc thì nên được điều trị bằng cách ngủ nhiều hơn, chứ không phải bằng các chất kích thích vì những chất này thực sự lại làm mất ngủ, gián đoạn giấc ngủ và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Ritalin, Adderall, Concerta, Relexxii, Vyvanse và Strattera là các chất kích thích hệ thần kinh trung ương và được sử dụng để điều trị chứng ngủ rũ, cũng như rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADD và ADHD).
Những loại thuốc này đều có hoạt chất methamphetamine, thường được gọi tắt là “meth,” là một chất kích thích mạnh gây ra nhiều ca tử vong ở những người sử dụng bất hợp pháp. Tất cả các loại amphetamine đều có tác dụng phụ, từ đau bụng, chán ăn đến nhịp tim không đều, nghiêm trọng hơn là co giật và tử vong.
Qelbree là một loại thuốc tương đối mới để chữa bệnh rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD). Các tác dụng phụ phổ biến nhất của nó là thái độ thờ ơ và buồn ngủ. Ngoài ra còn có các tác dụng phụ khác như tăng nhịp tim và huyết áp, thậm chí đáng lo ngại hơn là những bệnh nhân rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) sử dụng loại thuốc này còn có nguy cơ tăng ý tưởng và hành vi tự sát nữa. Tuy nhiên, theo Cơ quan Giám sát Công nghiệp Sức khỏe Tâm thần, thì một ngày có khoảng hơn 6 triệu trẻ em Hoa kỳ sử dụng một hoặc nhiều chất kích hoạt tâm lý.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên các bậc cha mẹ nên tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này. Tôi sẽ chỉ kê đơn có loại thuốc này nếu như gia đình đang điều trị loại thuốc này rồi, đã sắp xếp được cho trẻ chơi ngoài trời ít nhất là 1 tiếng một ngày và giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị trong nhà ở mức 2 tiếng hoặc ít hơn 2 tiếng mỗi ngày và trong trường hợp các triệu chứng vẫn đang nặng. Ngay cả trong trường hợp này thì tôi vẫn cứ phải thận trọng khi kê đơn.
Giấc ngủ là rất cần thiết! Tất cả chúng ta đều cần ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi và để não bộ có thời gian thực hiện công việc của chúng. Cũng rất may là bộ não của chúng ta hoạt động cả khi chúng ta đang ngủ và cả khi thức. Trong khi ngủ, bộ não của chúng ta thực hiện các công việc cần thiết cho hầu hết các hoạt động trí óc và thể chất. Bộ não củng cố, sắp xếp và lưu giữ các ký ức, lưu trữ những gì chúng ta đã học được, điều chỉnh sự phát triển nhận thức và kiểm soát sức khỏe tâm thần, chức năng miễn dịch, dự trữ mỡ cũng như sự phát triển và tự chữa lành của cơ thể. Tất cả những điều đó và có thể còn có các hoạt động khác nữa sẽ xảy ra trong khi chúng ta ngủ.
Làm thế nào để chúng ta có thể thuyết phục con cái và bản thân mình ngủ nhiều hơn? Điều này không phải dễ dàng, nhưng hoàn toàn vẫn có thể làm được.
Đầu tiên, hãy bắt đầu với nhiều bài tập thể dục trong ngày. Trẻ em hay người lớn cũng nên có ít nhất 45 phút tập thể dục với cường độ ba lần mỗi tuần. Tập thể dục hàng ngày chắc chắn tốt hơn và tập thể dục ở ngoài trời là tốt nhất.
Thứ hai, hãy kết thúc mỗi ngày bằng các hoạt động tĩnh, chẳng hạn như đọc sách, trò chuyện với mọi người trong gia đình và bạn bè hoặc đánh cờ. Tránh xa tivi, máy tính và tất cả các màn hình điện tử trong một tiếng trước khi đi ngủ. Mọi người nên nhớ rằng: ánh sáng màn hình điện tử sẽ kích thích trung tâm đánh thức và trì hoãn việc bắt đầu giấc ngủ. Và tất nhiên, một giấc ngủ ngắn cho trẻ em hoặc người lớn sau 4 giờ chiều cũng là một điều rất tốt.
Thứ ba, phòng ngủ chỉ dành cho ngủ và thay quần áo. Phòng ngủ không phải là nơi để giải trí với bạn bè, làm bài tập về nhà, xem tivi, chơi trò chơi điện tử, nhắn tin, sử dụng điện thoại di động hoặc nói chuyện ầm ĩ với anh em, bạn bè hoặc bố. Những hoạt động này rất quan trọng, nhưng nên diễn ra xa phòng ngủ. Tất cả các thiết bị điện tử, bao gồm cả tivi, phải ở các khu vực chung của gia đình, càng xa phòng ngủ càng tốt.
Thứ tư, một điều quan trọng không kém là lập thời gian biểu cho việc đi ngủ và thức dậy đều đặn. Nên cho trẻ em có đồng hồ báo thức riêng, dạy con có trách nhiệm đặt thời gian đánh thức và thức dậy đúng giờ mà không cần sự trợ giúp của ba mẹ. Việc này cần làm ngay từ khi trẻ bắt đầu đi học. Học sinh mẫu giáo và học sinh lớp một rất hào hứng đến trường cho nên đây chính là thời điểm lý tưởng để dạy chúng về trách nhiệm đó.
Đừng đợi cho đến khi các con học đến cấp ba mới làm điều này, nếu không, chắc chắn bạn sẽ biến thành cái chuông báo thức cho con trẻ đến tận khi chúng học xong đại học. Tôi đã quá quen với tình trạng này rồi.
Bạn hãy cố gắng thực hiện những thay đổi này và sẽ thấy sự khác biệt lớn trong cuộc sống của con bạn và của bạn! Đừng ngạc nhiên khi biết rằng bạn có những đứa con thông minh tuyệt vời, được nghỉ ngơi tốt, ngoan ngoãn, sẵn sàng học hỏi. Và vì ngủ ngon là một thói quen suốt đời, nên việc ngủ nhiều hơn sẽ có tác động trực tiếp, đáng kể và có lợi về lâu dài đối với sức khỏe và nền kinh tế của quốc gia.
Trong hơn 40 năm chăm sóc trẻ em với tư cách là một bác sĩ nhi khoa, một người cha và một người ông, tôi biết rằng phương thức chữa trị này rất hiệu quả. Hãy thử nó và bạn sẽ thích nó – con bạn và những người còn lại trong gia đình bạn cũng sẽ như vậy.
Hãy tận hưởng niềm hạnh phúc với gia đình của bạn và cầu Chúa tiếp tục ban phước lành cho bạn và những người bạn yêu thương.
Tiến sĩ Parnell Donahue là một bác sĩ nhi khoa, cựu chiến binh, tác giả của 4 quyển sách, blog ParentingWithDrPar.com, và là người dẫn chương trình “Parenting Matters” (Cẩm nang nuôi dạy con) của đài WBOU. Ông và vợ mình, bà Mary, có bốn người con trưởng thành, tất cả đều có học vị Tiến sĩ, hai trong số đó cũng là bác sĩ. Quý vị có thể liên lạc với ông qua trang Parenting-Matters.com.