Giới trẻ Bắc Hàn có nguy cơ bị trừng phạt nghiêm khắc nếu xem truyền thông ngoại quốc
Giới trẻ Bắc Hàn đang âm thầm bất chấp các luật kiểm duyệt bằng cách tiêu thụ âm nhạc và các sản phẩm truyền thông ngoại quốc khác, mang đến hy vọng thay đổi cho đất nước này, một trong những quốc gia bí ẩn và hà khắc nhất thế giới.
Hôm 20/04, các phái viên của chính phủ Nam Hàn đã chia sẻ đánh giá đó trong một diễn đàn về nhân quyền ở Bắc Hàn được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn, nhấn mạnh cả bức tranh ảm đạm về cuộc sống ở quốc gia đó lẫn yêu cầu phương Tây trợ giúp những người trẻ tuổi muốn tạo ra thay đổi.
Theo ông Cho Hyun-dong, đại sứ Nam Hàn tại Hoa Kỳ, hồi tháng Ba, Bộ Thống nhất Nam Hàn đã công bố “Báo cáo về Tình hình Nhân quyền Bắc Hàn năm 2023,” ghi lại tình hình ở Bắc Hàn dựa trên lời kể của nhân chứng về hơn 500 người đào thoát.
“Báo cáo này nêu rõ rằng chế độ CHDCND Bắc Hàn đang tước đoạt các quyền dân sự và chính trị thông qua tra tấn và đối xử vô nhân đạo, bắt giữ tùy tiện, và coi thường quyền riêng tư và tự do đi lại,” ông Cho nói, đồng thời sử dụng từ viết tắt cho tên chính thức của Bắc Hàn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Ông nói: “Họ đang tước đoạt các quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa bằng cách tước đi quyền được chăm sóc sức khỏe phù hợp, quyền tiếp cận thực phẩm, và giáo dục của người dân, thay vì bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.”
Các luật kiểm duyệt
Theo ông Park Jin, Bộ trưởng Ngoại giao của Nam Hàn, người đã trình bày qua video tại diễn đàn này, nhà cầm quyền Bắc Hàn cũng đang thắt chặt kiểm soát ý thức hệ đối với người dân của mình thông qua một loạt luật kiểm duyệt.
Ông Park cho hay, “Trong những năm gần đây, [Bắc Hàn] đã thông qua một loạt luật như Đạo luật Bài trừ Tư tưởng và Văn hóa Phản động (Reactionary Ideology and Culture Rejection Act) và Đạo luật Bảo vệ Ngôn ngữ Văn hóa Bình Nhưỡng (Pyongyang Cultural Language Protection Act). Những đạo luật này nghiêm cấm tiếp xúc với các thông tin phổ biến bên ngoài.”
Theo bà Lee Shin-wha, đại sứ lưu động của Nam Hàn về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền của Bắc Hàn, các hình phạt đối với việc vi phạm những luật đó rất khắc nghiệt.
Bà Lee nói: “Chế độ này ngăn chặn luồng thông tin thông qua các luật nghiêm ngặt và hình phạt khắc nghiệt, bao gồm cả tử hình, chỉ vì xem và phân phối cái gọi là nội dung bất hợp pháp.” Những nội dung như vậy bao gồm phim ảnh và các bài hát của Nam Hàn, cũng như việc sử dụng cách nói của người Nam Hàn.
Tuy nhiên, theo bà Lee, các luật này đang trở nên kém hiệu quả hơn nhiều trong việc kiểm soát thế hệ trẻ, những người đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc bảo vệ văn hóa.
Bà nói: “Mặc dù họ đã và đang bị đàn áp và kiểm soát, nhưng họ không giống như cha mẹ của họ.”
“Phản ứng của họ đối với việc kiểm duyệt là, ‘Mình chỉ cần cẩn thận hơn thôi,’” bà Lee nói. Giới trẻ Bắc Hàn chỉ đơn giản là tiếp tục xem các hãng truyền thông ngoại quốc nhưng che giấu việc đó với bằng hữu để tránh bị lộ.
“Sự kiểm soát chặt chẽ do các luật này áp đặt là bằng chứng rõ ràng cho thấy văn hóa tư bản đã bén rễ sâu bên trong xã hội Bắc Hàn. Nó cho thấy khu vực này coi luồng thông tin là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất,” bà Lee cho biết.
Những tác nhân mang lại sự thay đổi
Trong khi đó, các điều kiện sinh sống bên trong đất nước này đang ngày càng xấu đi, các chuyên gia cho biết. Điều này một phần là do ảnh hưởng của COVID-19, nhưng đại dịch cũng đã được sử dụng làm đòn bẩy khiến đất nước này càng cô lập hơn nữa.
Theo số liệu của chính phủ Hoa Kỳ, nạn đói lan rộng, cùng việc Bắc Hàn thiếu hụt ước tính khoảng 850,000 tấn lương thực, có nghĩa là nước này phải nhập cảng từ 15% đến 25% nguồn cung cấp lương thực mỗi năm.
Bà Lee nói với khán giả diễn đàn rằng công dân không có quyền tự do rời khỏi Bắc Hàn, và những người được phép làm việc ở các quốc gia khác phải nộp tới 90% thu nhập của họ cho chính quyền này.
Bất chấp những khó khăn, bà Lee hy vọng rằng thế hệ tiếp theo có thể mang lại sự thay đổi cho đất nước của họ. Bà khẳng định rằng người dân phương Tây không chỉ xem người dân Bắc Hàn là những nạn nhân.
Bà Lee nói: “Những người trẻ tuổi này có khả năng sử dụng tiếng nói của mình, và những người này có thể có một tương lai được thiết kế khác đi.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times