Giám đốc Điều hành Shell cảnh báo khả năng dự phòng thấp trên các thị trường dầu mỏ
Ông Ben van Beurden, Giám đốc Điều hành của Shell, gần đây đã cảnh báo về khả năng dự phòng thấp trên các thị trường dầu mỏ và đặt ra những nghi ngờ về việc thay thế khí đốt của Nga bằng LNG ở Âu Châu.
“Tôi tin rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với khá nhiều bất ổn trên các thị trường trong một thời gian tới,” ông van Beurden nói với các phóng viên, theo Reuters. “Công suất dự phòng đang trở nên rất, rất thấp,” ông nói thêm trong khi chỉ ra rằng thị trường dầu khí toàn cầu vẫn trong giai đoạn phục hồi.
Ông cho biết tình hình nguồn cung thắt chặt do xuất cảng sản phẩm tinh chế của Nga bị hạn chế vì các lệnh trừng phạt. Giám đốc Điều hành Shell cũng đổ lỗi cho Trung Quốc vì “cố ý hoặc vì những lý do trong nước” không xuất cảng các sản phẩm dầu mỏ.
Trong số các quốc gia OPEC, chỉ có một số nước như Saudi Arabia và UAE được cho là có công suất dự phòng dư thừa. Aramco, tập đoàn dầu mỏ quốc doanh khổng lồ ở Saudi, đã tuyên bố rằng họ có thể cung cấp lên tới 12 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiều hơn một triệu so với mục tiêu 11 triệu thùng/ngày trong tháng Tám mà OPEC+ đặt ra cho vương quốc này.
Tuy nhiên, trong quá khứ Aramco đã đạt sản lượng 11 triệu thùng/ngày chỉ trong 8 tuần. Liệu Saudi Arabia có thể duy trì mức sản lượng này trong thời gian còn lại của năm 2022, và hơn nữa trong năm tới hay không, là điều không chắc chắn.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-7, nghe nói rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với Tổng thống Joe Biden về những lo ngại của ông liên quan đến khả năng nâng cao sản lượng của UAE và Saudi Arabia. Lãnh đạo UAE Sheik Mohammed bin Zayed al-Nahyan “đã nói với tôi hai điều. Tôi đang ở mức tối đa, [năng lực sản xuất] tối đa. Đây là những gì ông ấy xác nhận,” ông Macron nói, theo Reuters.
“Và sau đó ông ấy nói [người] Saudi có thể tăng thêm 150 [nghìn thùng mỗi ngày]. Có thể nhiều hơn một chút, nhưng họ không có công suất lớn trước thời gian 6 tháng.”
Tình hình nguồn cung khí đốt của Âu Châu
Trong khi nói chuyện với các phóng viên, ông van Beurden cũng tiết lộ những lo ngại của mình về tình hình nguồn cung khí đốt ở Âu Châu. Việc giữ Nord Stream 1 đã dẫn đến việc sụt giảm nguồn cung khí đốt của Nga, do đó các khách hàng Âu Châu đang chuyển sang nhập cảng LNG. Ông Van Beurden cho biết điều này đã gây ra những lo ngại về nguồn cung trước thềm nhu cầu cao điểm của mùa đông.
Giám đốc Điều hành Shell cho rằng không thể thay thế toàn bộ công suất đường ống dẫn khí đốt từ Nga bằng LNG. Theo Reuters, nếu Âu Châu không sẵn sàng thực hiện “các biện pháp quan trọng” như phân phối định lượng và tiết kiệm năng lượng, thì mọi việc có thể trở nên “khó giải quyết,” ông cảnh báo.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nói rằng Âu Châu sẽ phải cắt giảm 30% việc sử dụng khí đốt vào giữa tháng Hai nếu dòng khí đốt từ Nga bị ngừng lại.
Ông Birol cho biết: “Tùy thuộc vào thời điểm của mình, mà việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Âu Châu có thể dẫn đến các mức lấp đầy kho dự trữ thấp hơn mức trung bình trước mùa đông, khiến EU rơi vào tình thế rất dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh hiện tại, tôi sẽ không loại trừ việc cắt hoàn toàn xuất cảng khí đốt sang Âu Châu từ phía Nga”.
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.