Nga đạt doanh thu 98 tỷ USD từ xuất cảng nhiên liệu hóa thạch trong 100 ngày đầu chiến tranh Ukraine
Nga đã tích lũy được 93 tỷ euro (98 tỷ USD) từ xuất cảng nhiên liệu hóa thạch trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine, theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) độc lập được công bố hôm thứ Hai (13/06).
Tháng trước (05/2022), các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu đã đồng ý về kế hoạch chặn khoảng 90% lượng dầu nhập cảng từ Nga vào EU vào cuối năm nay. Hoa Kỳ và Anh cũng đã cam kết cắt giảm nhập cảng từ Nga.
Theo báo cáo của CREA có trụ sở tại Phần Lan, EU chiếm 61% xuất cảng nhiên liệu hóa thạch của Nga trong 100 ngày đầu của cuộc chiến (từ 24/02 đến 03/06), trị giá khoảng 57 tỷ euro, tương đương khoảng 60 tỷ USD.
Nhìn chung, các nước nhập cảng hàng đầu là Trung Quốc với 12.6 tỷ euro (13.2 tỷ USD), Đức với 12.1 tỷ euro (12.7 tỷ USD), Ý với 7.8 tỷ euro (8.2 tỷ USD), và Hà Lan với 7.8 tỷ euro (8.4 tỷ USD).
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong số các quốc gia đóng góp nhiều nhất với 6.7 tỷ euro (7 tỷ USD), cùng Ba Lan với 4.4 tỷ euro (4.6 tỷ USD), Pháp với 4.3 tỷ euro (4.5 tỷ USD), và Ấn Độ với 3.4 tỷ euro (3,6 tỷ USD).
Báo cáo lưu ý rằng nhập cảng dầu của Trung Quốc “về căn bản là không đổi” trong khi Đức, nước nhập cảng lớn thứ hai đã “giảm nhập cảng dầu từ Nga một cách khiêm tốn.”
Theo dữ liệu, doanh thu của Nga đạt tổng cộng ước tính 46 tỷ Euro (48.2 tỷ USD) cho dầu thô, 24 tỷ Euro (25.1 tỷ USD) cho đường ống dẫn khí đốt, 13 tỷ Euro (13.6 tỷ USD) cho các sản phẩm dầu, 5.1 tỷ Euro (5.3 tỷ USD) cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 4.8 tỷ Euro (5 tỷ USD) cho than.
Theo CREA, giá xuất cảng trung bình của Nga cao hơn năm ngoái khoảng 60%.
Mặc dù vậy, về tổng thể, xuất cảng dầu và khí đốt của Nga đang giảm do nhiều quốc gia tránh xa nguồn cung của Moscow, với báo cáo lưu ý rằng nhu cầu giảm và giá chiết khấu đối với dầu của Nga khiến nước này mất khoảng 200 triệu euro (209 triệu USD) mỗi ngày trong tháng Năm.
Báo cáo viết: “Khối lượng nhập cảng giảm nhẹ trong tháng Năm, khoảng 15% so với thời điểm trước cuộc xâm lược, do nhiều quốc gia và công ty xa lánh nguồn cung của Nga. Việc giảm nhu cầu và chiết khấu giá dầu của Nga của Nga đã tiêu tốn của nước này khoảng 200 triệu EUR mỗi ngày trong tháng Năm. Tuy nhiên, nhu cầu hóa thạch tăng đã tạo ra một cơn gió lớn: giá xuất cảng trung bình của Nga cao hơn trung bình 60% so với năm ngoái, ngay cả khi chúng được chiết khấu so với giá quốc tế.”
Theo báo cáo, một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), và Pháp, đã tăng mua hàng từ Nga, trong đó Ấn Độ trở thành nhà nhập cảng dầu thô đáng kể của Nga và mua 18% lượng hàng xuất cảng của nước này.
Báo cáo lưu ý: “Một phần đáng kể dầu thô được tái xuất dưới dạng các sản phẩm dầu tinh chế, bao gồm cả sang Hoa Kỳ và Âu Châu, một lỗ hổng quan trọng cần được đóng lại.”
Ở những nơi khác, CREA lưu ý rằng Ba Lan và Hoa Kỳ đã đưa cho Điện Kremlin những đòn đánh mạnh nhất vào doanh thu của họ, trong khi Lithuania, Phần Lan, và Estonia đã đạt được “mức giảm đáng kể hơn 50% về tỷ lệ phần trăm.”
Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ thực tế là Nga đang chi khoảng 840 triệu euro (879 triệu USD) mỗi ngày cho cuộc xâm lược Ukraine, vượt xa con số 98 tỷ USD mà nước này đang thu được từ xuất cảng nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo được công bố trong bối cảnh Ukraine tiếp tục thúc giục phương Tây cấm mọi hoạt động thương mại với Nga trong nỗ lực cắt nguồn tài chính chiến tranh của Tổng thống Vladimir Putin, tuy nhiên, các quan chức EU cho đến nay vẫn chưa đồng ý với một lệnh cấm hoàn toàn.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.