Giám đốc điều hành Blackstone: Nợ mất kiểm soát của chính phủ là lý do giải thích cho việc Fitch hạ bậc xếp hạng của Hoa Kỳ
Hôm thứ Sáu (04/07), Giám đốc điều hành của Blackstone, ông Steve Schwarzman, cho biết quyết định hạ bậc xếp hạng tín dụng dài hạn đối với Hoa Kỳ của Fitch Ratings là đáng tiếc nhưng hợp lý, phần lớn là do chi tiêu mất kiểm soát của chính phủ liên tục làm tăng thêm gánh nặng nợ liên bang.
Với tư cách là người đứng đầu một công ty hiện đang quản lý khoảng 1 ngàn tỷ USD, ông Schwarzman nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề hôm 04/08 rằng, việc Fitch hạ bậc xếp hạng nợ của Mỹ có thể gây bất ngờ, nhưng không phải là vô căn cứ.
“Thật không may, những con số giải thích cho điều đó,” ông Schwarzman nói. “Chúng ta đã bùng nổ nợ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chúng ta dường như không có nhiều kỷ luật.”
Ông Schwarzman nói thêm rằng đất nước hiện đang có “những khoản thâm hụt lớn” mà không có dấu hiệu của kỷ luật tài khóa và “vì vậy dựa trên những con số, quý vị có thể hiểu tại sao họ lại làm như vậy.”
Nhận xét của ông được đưa ra vài ngày sau khi Fitch Ratings hạ bậc Xếp hạng Vỡ nợ của Nhà phát hành Nợ dài hạn bằng Ngoại tệ đối với Hoa Kỳ từ AAA xuống AA+. Việc hạ bậc xếp hạng có nghĩa là công khố phiếu Hoa Kỳ hiện là khoản đầu tư rủi ro hơn so với trước đây, làm tăng chi phí vay nợ của chính phủ.
Một trong những hậu quả tức thời của việc cắt giảm xếp hạng của Fitch là hàng tỷ USD trái phiếu đô thị cũng bị hạ bậc.
Với việc mất mức xếp hạng tối đa dành cho nợ quốc gia, Hoa Kỳ đã tụt lại phía sau Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Singapore, Luxembourg, và Úc.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã gọi việc hạ bậc xếp hạng là “hoàn toàn không có cơ sở” trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết họ không đồng ý “một cách mạnh mẽ” với quyết định của Fitch.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử xếp hạng AAA của Hoa Kỳ bị hạ bậc.
Giữa một cuộc chiến ngân sách giữa Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội và chính quyền cựu Tổng thống Obama năm 2011, Standard & Poor’s đã hạ xếp hạng tín dụng của Hoa Kỳ.
‘Suy giảm quản trị’
Để giải thích cho quyết định hạ bậc xếp hạng này, Fitch cho biết các tiêu chuẩn quản trị ở Hoa Kỳ đã suy giảm liên tục trong hai thập niên qua, gồm cả các vấn đề về chi tiêu và trả nợ của chính phủ.
Fitch cho biết trong quyết định của mình rằng họ đã hạ bậc xếp hạng nợ của Hoa Kỳ vì “dự kiến suy thoái tài khóa trong ba năm tới, gánh nặng nợ chung của chính phủ lớn và ngày càng tăng, và sự xói mòn của quản trị” trong 20 năm qua.
Fitch cho biết: “Tình trạng bế tắc chính trị liên tục về giới hạn nợ và các nghị quyết vào phút chót đã làm xói mòn niềm tin vào quản lý tài khóa.”
“Ngoài ra, chính phủ thiếu một khuôn khổ tài chính trung hạn, không giống như hầu hết các chính phủ khác, và có một quy trình lập ngân sách phức tạp,” tổ chức xếp hạng này cho biết thêm.
Hồi tháng Năm, Fitch đã đặt xếp hạng của Hoa Kỳ vào tình trạng theo dõi tiêu cực, với lý do bế tắc về mức trần nợ ở Điện Capitol do tranh chấp đảng phái gay gắt về mức chi tiêu.
Bế tắc tới phút chót về việc tăng mức trần nợ đã kết thúc vào đầu tháng Sáu khi Quốc hội thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa năm 2023, mà tổ chức bất vụ lợi Ủy ban về Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm ước tính sẽ mang lại khoản tiết kiệm trực tiếp khoảng 250 tỷ USD.
Mặc dù nhiều người ở Beltway và Wall Street đã thở phào nhẹ nhõm khi biện pháp này được thông qua — nâng mức trần nợ và để chính phủ tiếp tục vay nợ — nguồn tài trợ hiện tại của chính phủ sẽ sớm gặp phải một rào cản khác.
Tháng 12/2022, Quốc hội đã ban hành dự luật tài trợ đa mục đích cho năm tài khóa 2023, vốn sẽ kết thúc vào ngày 30/09, ngày mà khoản tài trợ hiện tại của chính phủ được ấn định sẽ hết hạn.
Với việc các cuộc đàm phán về dự luật tài trợ tiếp theo của chính phủ cho năm tài khóa 2024 dự kiến sẽ sớm được tiến hành, mức chi tiêu một lần nữa sẵn sàng trở thành một vấn đề nóng hổi, giống như cách mọi việc đã diễn ra xung quanh cuộc tranh luận về mức trần nợ.
Khi hạn chót ngày 30/09 sắp đến gần, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) đã nói đến các cuộc đàm phán sắp tới về một dự luật tài trợ mới của chính phủ với một chút lo lắng.
Ông nói trong một tuyên bố, “Hơn bao giờ hết, đã đến lúc các lãnh đạo được bầu của cả hai đảng phải làm việc cùng nhau để gửi một thông điệp rõ ràng tới thế giới rằng chúng ta sẽ thực hiện các bước tài khóa và ngân sách cần thiết để khôi phục xếp hạng nợ và giữ cho nền kinh tế Hoa Kỳ vững mạnh cho thế hệ này và thế hệ tiếp theo.”
‘Cảnh báo rõ ràng’
Ông Manchin gọi việc Fitch hạ bậc xếp hạng là một “cảnh báo rõ ràng” không được bỏ qua, đồng thời kêu gọi các đồng sự của ông trong Quốc hội hành động ngay để giải quyết vấn đề nợ quốc gia cũng như tài trợ đầy đủ cho chính phủ.
Ông Manchin nói: “Mọi người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu chính trị của Hoa Thịnh Đốn cản trở các giải pháp dài hạn để giải quyết những thách thức này.”
Ngược lại, quyết định hạ bậc xếp hạng của Hoa Kỳ của Fitch đã vấp phải một loạt chỉ trích từ phía chính phủ Tổng thống Biden, với việc Tòa Bạch Ốc đổ lỗi cho “chủ nghĩa cực đoan” của Đảng Cộng Hòa.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết: “Thật bất chấp thực tế khi hạ bậc xếp hạng của Hoa Kỳ vào thời điểm mà Tổng thống Biden đã mang lại sự phục hồi mạnh mẽ nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới.”
Bà nói thêm: “Và rõ ràng là chủ nghĩa cực đoan của các quan chức Đảng Cộng Hòa — từ việc cổ vũ vỡ nợ, đến phá hoại nền quản trị và nền dân chủ, đến việc tìm cách mở rộng các ưu đãi thuế cho những người giàu và các tập đoàn gây tăng thâm hụt ngân sách — là mối đe dọa liên tục đối với nền kinh tế của chúng ta.”
Bà Yellen hôm thứ Tư (02/08) đã chỉ trích việc Fitch hạ bậc tín nhiệm, nói rằng bà thấy quyết định này khó hiểu trước “sức mạnh” của nền kinh tế Hoa Kỳ, vốn là một bức tranh hỗn hợp khi các dấu hiệu cảnh báo suy thoái đang nhấp nháy đỏ.
Bà Yellen nói trong bài diễn văn tại một cơ sở của Sở Thuế vụ (IRS) ở McLean, Virginia: “Quyết định của Fitch là khó hiểu trước sức mạnh kinh tế mà chúng ta đang chứng kiến ở Hoa Kỳ.”
“Tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của Fitch và tôi tin rằng điều đó hoàn toàn không có cơ sở.”
Theo bà Yellen, “đánh giá thiếu sót” của cơ quan xếp hạng tín dụng này là dựa trên dữ liệu đã cũ và không tính đến những thay đổi trong quản trị cũng như các chỉ số khác kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong tình trạng hỗn loạn và đang trên đường trở nên hỗn loạn hơn.
Dữ liệu theo dõi suy thoái kinh tế mới nhất từ The Conference Board — một tập hợp các chỉ số kinh tế hướng tới tương lai được gọi là Chỉ số Kinh tế Chủ đạo (Leading Economic Index, LEI) — đã giảm một lần nữa vào tháng Sáu, kéo dài đà giảm tháng thứ 15 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007–2009.
Bà Justyna Zabinska-La Monica, quản lý cao cấp của The Conference Board, cho biết trong một tuyên bố rằng “Dữ liệu của tháng Sáu cho thấy hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới,” đồng thời dự báo rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái vào một thời điểm nào đó trong quý 3 năm nay.
Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times