Giám đốc bảo tàng nạn nhân chủ nghĩa cộng sản đầu tiên ở Mỹ lý giải vì sao sinh mạng rẻ mạt dưới chế độ này
Theo bà Elizabeth Spalding, giám đốc sáng lập của Bảo tàng Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản ở Hoa Thịnh Đốn, một thực tế khắc nghiệt của chủ nghĩa cộng sản là khi một nhà nước vô thần thống trị mọi khía cạnh của đời sống người dân, sinh mạng của con người trở nên rẻ rúng và có thể tiêu hao được trong mắt của nhà nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với “American Thought Leaders” (“Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Mỹ”) của Epoch TV, bà Spalding cho biết bảo tàng kể trên tưởng niệm hơn 100 triệu người bị chủ nghĩa cộng sản sát hại trong thế kỷ trước cũng như hàng trăm triệu người đã sống dưới chế độ cộng sản.
Bà nói với người dẫn chương trình Jan Jekielek: “Ngày nay, con số đó là hơn 1.5 tỷ người [sống dưới chế độ cộng sản].” “Bởi vì nếu anh tính dân số của CHND Trung Hoa (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), Bắc Hàn, Lào, Việt Nam, và Cuba, anh sẽ có hơn 1.5 tỷ người.”
Một phần của bảo tàng này cho thấy nỗi kinh hoàng của Holodomor, một nạn đói nhân tạo đã tước đi sinh mạng của ước tính khoảng 4 triệu người từ năm 1932 đến năm 1933 ở Ukraine dưới thời Liên Xô, nơi những người thu gom ngũ cốc tịch thu lượng lương thực dự trữ cuối cùng của nông dân để đáp ứng các hạn ngạch thu mua ngũ cốc cao ngất ngưởng của Stalin. “Hàng triệu người lẽ ra không phải chết đã chết, và những người cộng sản — họ cũng không quan tâm đến sinh mạng,” bà Spalding nói.
“Đây là một chân lý khác của chủ nghĩa cộng sản: sinh mạng đối với họ rất rẻ rúng,” bà nói tiếp, lưu ý rằng Stalin biết rằng người dân Ukraine sẽ chết đói, nhưng vẫn ra lệnh tịch thu ngũ cốc. “Thật dị thường khi nghĩ về điều đó, và chúng ta cần mọi người hiểu đó không phải là cách mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào hay bất kỳ quốc gia nào hoặc bất kỳ nhà nước nào nên điều hành mọi việc.”
Khi được hỏi tại sao sinh mạng con người rẻ rúng như thế dưới chế độ cộng sản, bà Spalding nói rằng điều này liên quan đến bản chất vô thần và phản tín ngưỡng của chủ nghĩa cộng sản, mà về mặt căn bản là đặt nhà nước và các nhà lãnh đạo độc tài lên trên mọi thứ khác.
“Không có tự do tôn giáo trong chủ nghĩa cộng sản. Hệ tư tưởng này dựa trên thuyết vô thần,” bà nói. “Nếu anh nói rằng nhà nước là quan trọng hơn hết thảy, thì mọi thứ phải phục vụ hoặc được tạo ra để phục vụ cho nhà nước. Đó là những gì xảy ra dưới chế độ cộng sản, và nhà nước và đảng là như nhau. Vì vậy, nó có nghĩa là tất cả sinh mạng đều rẻ rúng so với điều đó.”
Trong nỗ lực nâng cao nhận thức và giáo dục công chúng Hoa Kỳ về những tội ác trong lịch sử và hiện tại của chủ nghĩa cộng sản, Tổ chức Tưởng niệm Các Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản đã vận động để đặt ngày 07/11 thành “Ngày Tưởng niệm Các Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản”. Cho đến nay, sáng kiến này đã được công nhận chính thức ở Alabama, Texas, Utah, Virginia, và gần đây nhất là ở Florida.
Theo đạo luật do Thống đốc Đảng Cộng Hòa Ron DeSantis ký hồi tháng Năm, các trường công lập trên khắp tiểu bang Florida không chỉ được khuyến khích tổ chức ngày lễ tưởng niệm này mà còn được yêu cầu dạy học sinh trung học về các chủ đề liên quan đến chủ nghĩa cộng sản, kể cả cách người dân phải chịu đựng dưới chế độ Castro của Cuba. Được biết đến là nơi có hàng thế hệ người Cuba chạy trốn khỏi chế độ cộng sản, Florida đã yêu cầu học sinh lớp 12 học về “sự xấu xa của chủ nghĩa cộng sản và hệ tư tưởng toàn trị” trong lớp giáo dục công dân.
“Đó là điều mà tôi khen ngợi với các tiểu bang khác,” bà Spalding nói. “Đó không phải là một hành động mà chúng ta có trên toàn quốc. Đó là một điều quan trọng cần phải làm.”
Một trong những sáng kiến khác của tổ chức này là Tuần Lễ Các Quốc Gia Bị Giam Cầm (Captive Nations Week), diễn ra vào tuần thứ ba của tháng Bảy. Tuần lễ này đã được tổ chức từ năm 1953 để thể hiện tình đoàn kết với những người bị các chế độ cộng sản giam giữ trên khắp thế giới.
“Có lúc, chủ nghĩa cộng sản từng tập trung rất nhiều vào Liên Xô, các quốc gia vệ tinh của nước này, Trung Quốc và các quốc gia khác ở Á Châu. Nhưng bây giờ sáng kiến này không chỉ dạy mọi người về quá khứ cũng như hiện tại,” bà Spalding giải thích, và nói thêm rằng giáo viên có thể chỉ định đây như một hoạt động mùa hè tùy chọn cho các học sinh.
“Chúng tôi chỉ đang cố gắng giới thiệu các hoạt động giáo dục này để mọi người biết đến, và đó là những gì về các hoạt động này,” bà nói. “Từng người từng người một, từng em học sinh một, dạy cho họ để họ hiểu điều gì đã xảy ra, điều gì đang xảy ra, và họ nên quan tâm đến những nạn nhân này.”
Anh Bill Pan là một phóng viên của The Epoch Times.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”