Giá nhiên liệu tăng cao, biểu tình nổ ra khắp Bangladesh
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Bangladesh sau khi chính phủ tăng giá nhiên liệu lên mức kỷ lục 51.2%. Hàng ngàn người đã tập trung tại các trạm xăng trước khi mức tăng này có hiệu lực.
Hôm 06/08, giá xăng tăng lên 130 takas (1.36 USD)/lít, trong khi xăng 95 tăng 51.7% lên 135 takas (1.42 USD), dầu diesel và dầu hỏa tăng 42.5%.
Trước đó, hôm 05/08, hàng ngàn người đi xe máy đã ùa đến các trạm đổ xăng khiến một số trạm xăng phải tạm ngừng bán hàng trước khi giá tăng, trong khi những người biểu tình đề nghị chính phủ rút lại quyết định tăng giá, The Dhaka Tribune đưa tin.
Một số hội sinh viên, trong đó có Liên minh Sinh viên Cấp tiến, đã phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu chưa từng có này. Hôm 07/08, truyền thông địa phương công bố những bức ảnh cảnh sát đụng độ với người biểu tình.
Ông Belayet Hossain, chủ tịch Tổ chức Các chủ sở hữu Vận tải Thành phố Chittagong, cho biết tổ chức này sẽ tạm dừng dịch vụ xe buýt ở Chittagong để phản đối việc tăng giá nhiên liệu khiến các nhà khai thác vận tải phải tăng giá vé xe buýt.
Việc tăng giá nhiên liệu được áp đặt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát cao của Bangladesh, ở mức trên 6% trong chín tháng liên tiếp và đạt 7.7% vào tháng Bảy, gây áp lực lên các gia đình có thu nhập thấp hơn.
Ông Nasrul Hamid, Bộ trưởng Điện lực, Năng lượng, và Tài nguyên Khoáng sản, cho biết việc tăng giá nhiên liệu là cần thiết khi giá cả trên thế giới tăng lên được thúc đẩy bởi chiến tranh Nga-Ukraine, vốn đang diễn ra từ tháng Hai.
“Mức giá mới dường như sẽ không thể chấp nhận được đối với tất cả mọi người. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Người dân phải kiên nhẫn,” ông Hamid nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng giá nhiên liệu sẽ được điều chỉnh khi giá toàn cầu giảm.
Khó khăn về năng lượng
Bangladesh đang trải qua nhiều đợt mất điện trong những tuần gần đây do thiếu nhiên liệu. Hiện tại, chính phủ đang cân nhắc đợt nghỉ kéo dài cho các nhà sản xuất hàng may mặc để giảm tiêu thụ điện.
Theo Hindustan Times, ông Hamid cho biết chiến lược này được đề xướng để giúp Bangladesh tiết kiệm tới 550 megawatt điện mỗi ngày khi việc cắt điện kéo dài hơn mức thông thường từ một giờ đến ba giờ ở một số khu vực.
Chính phủ nước này đã thực hiện một số biện pháp trong bối cảnh dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt, kể cả hạn chế nhập cảng hàng hóa xa xỉ và nhiên liệu, đồng thời đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng dầu diesel trong bối cảnh tình trạng mất điện luân phiên.
Tính đến ngày 03/08, dự trữ ngoại hối của quốc gia này ở mức 39.7 tỷ USD, chỉ đủ để chi trả cho khoảng năm tháng nhập cảng và giảm từ mức 45.9 tỷ USD trong năm 2021.
Hồi tháng Bảy, Bangladesh đã tìm kiếm một khoản vay 4.5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tham gia cùng với các quốc gia láng giềng Nam Á như Pakistan và Sri Lanka nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ để đối phó với áp lực gia tăng đối với nền kinh tế của họ.
IMF cho biết các điều kiện bên ngoài đối với Bangladesh đã xấu đi đáng kể do tác động kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraine.
Trong những năm gần dây, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Bangladesh thông qua chương trình “Một Vành đai, Một Con đường”, sau này được đổi tên thành Sáng kiến Vành đai và Con đường, mà Bắc Kinh sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới trong nỗ lực thiết lập ảnh hưởng địa chính trị.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Bangladesh và Trung Quốc đã ký một số thỏa thuận theo sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 21.5 tỷ USD, trong đó có một dự án nâng cấp và mở rộng hệ thống điện.
Cũng theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, năm 2018, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia đầu tư hàng đầu ở Bangladesh, với tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.