Giá lúa mì giảm xuống mức trước chiến tranh sau thông báo về thỏa thuận Nga-Ukraine
Hôm thứ Sáu (22/07), giá lúa mì toàn cầu đã giảm 6% sau khi thỏa thuận giữa Ukraine và Nga được công bố, đưa giá mặt hàng ngũ cốc chủ yếu này xuống mức chưa từng thấy kể từ trước khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022.
Các đại diện của Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau tại Istanbul hôm thứ Sáu để ký một thỏa thuận bỏ việc cấm xuất cảng ngũ cốc từ các cảng trên Biển Đen (thỏa thuận cũng đã được ký bởi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres). Việc công bố thỏa thuận trước đó hôm thứ Sáu đã khiến giá ngũ cốc giảm, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Khi chiến tranh bùng nổ, nhiều người lo ngại rằng xung đột có thể kìm hãm hoạt động xuất cảng lúa mì thiết yếu với những hậu quả tai hại cho các khu vực phụ thuộc.
Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất cảng ngũ cốc lớn. Năm 2020, Nga trở thành nhà xuất cảng lúa mì hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất cảng lúa mì trị giá 10.1 tỷ USD hàng năm, trong đó Ukraine nhỏ hơn nhiều đứng ở vị trí thứ năm đáng nể về xuất cảng lúa mì với 4.61 tỷ USD mỗi năm (Ukraine cũng đứng trong top 5 trong số nhà xuất cảng ngô và lúa mạch).
Với sự gián đoạn tuyến cung cấp và thắt chặt vận chuyển sau cuộc xâm lược, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến có thể thắt chặt nguồn cung ngũ cốc toàn cầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với Trung Đông và Bắc Phi, vốn phụ thuộc quá lớn vào xuất cảng ngũ cốc từ hai quốc gia tham chiến ở Đông Âu này.
Khủng hoảng dường như đã được ngăn chặn
Trong hai tuần sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, giá lúa mì kỳ hạn đã tăng 70% lên mức cao kỷ lục 12.94 USD/giạ, gây ra lo ngại về tình trạng khan hiếm lương thực trên toàn thế giới.
Giờ đây, cuộc khủng hoảng dường như đã được ngăn chặn, vì giá lúa mì tương lai đã trở lại mức bình thường trước chiến tranh. Tại Hội đồng Thương mại Chicago (CBOT), giá lúa mì kỳ hạn giảm xuống mức thấp 7.54 USD/giạ, mức thấp nhất kể từ ngày 04/02. Giá lúa mì thấp báo hiệu tốt cho người tiêu dùng đã phải đối mặt với lạm phát toàn cầu gần như phổ biến, mang lại một số cứu trợ cho các mặt hàng chủ lực như bánh mì và các sản phẩm ngũ cốc khác.
Sự thành công của một thỏa thuận như vậy có thể gợi ý một sự chuyển đổi về bản chất của cuộc chiến Nga-Ukraine, vì cả hai phe đều nhận ra rằng bản chất hiện tại của cuộc xung đột là không bền vững và chuyển sang một cách tiếp cận lâu dài hơn đối với cuộc xung đột.
Nhà tư vấn địa chính trị Matthew Easton cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times: “Giống như các cuộc xung đột ở Georgia và Moldova, cuộc chiến ở Ukraine đang trở thành một cuộc xung đột bị đóng băng, có thể kéo dài hàng thập niên. Thỏa thuận bỏ cấm xuất cảng lúa mì có thể cho thấy cả hai bên đều nhận ra rằng họ không thể duy trì căng thẳng ở mức độ hiện tại một cách vô thời hạn.”
Ý nghĩa của thỏa thuận
Thỏa thuận này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các khu vực phụ thuộc vào xuất cảng ngũ cốc từ Đông Âu làm lương thực chính, cụ thể là Trung Đông và Bắc Phi.
Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang ở giữa cuộc khủng hoảng lạm phát vượt xa Hoa Kỳ, là một trong những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi tác động của cuộc chiến đối với xuất cảng ngũ cốc. Do đó, chẳng mấy ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán giữa hai phe, và nước cộng hòa Anatolia đã lập công vì đã làm trung gian thành công cho thỏa thuận mới được ký kết tại Istanbul hôm thứ Sáu.
Ông Easton nói: “Thỏa thuận này đến đúng lúc để ngăn chặn nạn đói lan rộng ở Trung Đông và Bắc Phi. Điều này có thể không ngăn những người di cư gọi nạn đói là lý do để tìm kiếm trạng thái tị nạn, mặc dù an ninh lương thực có thể sẽ được cung cấp bằng cách xuất cảng thặng dư ngũ cốc của Nga và Ukraine.”
Thỏa thuận giữa Nga và Ukraine để thông thương xuất cảng lúa mì có thể khiến người dân Trung Đông và Bắc Phi thở phào nhẹ nhõm, nhưng đối với công dân của các quốc gia Slavic đối nghịch này, đó có thể là một điềm báo hỗn hợp.
Chắc chắn, nền kinh tế của cả hai quốc gia sẽ được hưởng lợi từ việc xuất cảng thặng dư ngũ cốc ra thị trường toàn cầu, và các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga có thể ngụ ý một kiểu trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể chỉ ra rằng xung đột này có thể kéo dài lâu hơn nữa với hình thức giảm bớt đáng kể, không mang lại giải pháp rõ ràng trong tương lai gần.
Anh Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times.