EU áp thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow do cuộc xâm lược Ukraine
BRUSSELS — Hôm thứ Năm (21/07), Liên minh Âu Châu đã áp thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga do cuộc chiến ở Ukraine sau khi 27 thành viên khối này ủng hộ các biện pháp bao gồm một lệnh cấm nhập cảng vàng, các biện pháp hạn chế hơn nữa đối với ngân hàng lớn nhất của Nga, và kiểm soát xuất cảng chặt chẽ hơn đối với một số hàng hóa công nghệ cao.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu cho biết “những biện pháp trừng phạt kéo dài và ngày càng được tăng cường của EU đối với Điện Kremlin này” gửi đi “một tín hiệu mạnh mẽ tới Moscow: chúng tôi sẽ duy trì áp lực cao chừng nào còn cần thiết.”
EU đã mô tả vòng trừng phạt mới này là những chỉnh lý nhỏ và nhằm điều chỉnh hành động của mình với các cam kết từ các đối tác toàn cầu. Bất kỳ lệnh cấm nào đối với nhập cảng khí đốt của Nga, vốn vẫn là một cứu cánh cho nhiều ngành công nghiệp lớn của EU, đều không được xem xét.
Các quan chức EU đã làm việc cả tuần để thắt chặt gói trừng phạt mở rộng của khối này đối với Nga và tìm cách bổ sung một lệnh cấm xuất cảng vàng, hy vọng các biện pháp này có thể bắt đầu có tác động mang tính quyết định đến cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm thứ Năm, Cao ủy về Chính sách Ngoại giao của EU Josep Borrell đã có thể nói: “Chúng tôi đang cấm một cách hiệu quả hoạt động xuất cảng quan trọng nhất của Nga đứng sau năng lượng — đó là vàng của Nga”.
Hồi tháng trước, Nhóm Bảy Quốc gia công nghiệp hàng đầu này (Group of Seven) đã cam kết về một lệnh cấm vàng, cho rằng Nga đã sử dụng chính vàng của mình để hỗ trợ cho tiền tệ của nước này và vô hiệu hóa tác động của các lệnh trừng phạt mà các quốc gia trên thế giới áp đặt trước đó kể từ cuộc xâm lược Ukraine hôm 24/02.
Liên minh Âu Châu cũng có thêm hành động đối với Sberbank, ngân hàng đã bị loại khỏi dịch vụ nhắn tin ngân hàng quốc tế SWIFT. Ngân hàng này sẽ bị liệt vào danh sách trừng phạt của EU và bị đóng băng tài sản, khiến sau đó họ gần như không thể thực hiện tất cả các giao dịch.
EU cũng thắt chặt các giới hạn đối với các cá nhân bị trừng phạt, thường là các nhà tài phiệt thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Giờ đây, họ phải chính thức công bố nơi họ có tài sản ở EU để số tài sản nắm giữ có thể bị phong tỏa. EU cho biết nếu họ từ chối làm như vậy thì có thể dẫn tới bị cáo buộc hình sự và tịch thu tài sản.
Hôm thứ Hai (18/07), EU quyết định tăng viện trợ quân sự cho Ukraine thêm 500 triệu euro.