Giá đồng — một thước đo kinh tế chính cho thấy Mỹ có thể đang tiến tới suy thoái
Giá đồng tính theo tuần tiếp tục giảm, cho thấy một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Kim loại là một thành phần chính trong các động cơ và thiết bị điện tử, và một số nhà kinh tế đã sử dụng nó như một phong vũ biểu để xác định xem nền kinh tế có mạnh hay không. Nhưng trên Sở Giao dịch Kim loại London (LME), đồng giảm xuống còn 6,953 USD/tấn. Giá đã giảm 27.4% từ đầu năm đến nay.
Lần giảm hôm thứ Sáu là lần đầu tiên hợp đồng giảm xuống dưới 7,000 USD/tấn kể từ tháng 11/2020. Trên cơ sở hàng tuần, giá đã giảm hơn 10%. Giá phục hồi nhẹ 1% lên 7,165 USD vào cuối ngày thứ Sáu.
Theo thước đo của Nasdaq, giá đồng đã giảm từ khoảng 4.02 USD/pound hôm 17/06 và hiện giao dịch ở mức khoảng 3.23 USD/pound tính đến ngày 15/07.
Các nhà kinh tế nói rằng đồng đã rơi vào thị trường giá xuống trước mỗi cuộc suy thoái trong số bốn cuộc suy thoái vừa qua.
Ông David Rosenberg, người sáng lập và chủ tịch của Rosenberg Research & Associates, đã viết vào thứ Sáu (15/07): “Đồng dưới 4 USD/pound, giảm hơn 24% so với mức cao (thị trường giá xuống) và xuống mức thấp nhất trong 16 tháng cho tôi biết rằng rủi ro ‘suy thoái’ đã vượt qua rủi ro ‘lạm phát.’”
Theo Wall Street Journal, ông Darwei Kung, đứng đầu bộ phận hàng hóa và nhà quản lý danh mục đầu tư của Tập đoàn DWS, cho biết: “Chúng tôi không dự tính triển vọng tốt lên đối với các kim loại căn bản — kể cả đồng — cho đến khi chúng tôi thấy sự thay đổi trong nhu cầu của Trung Quốc.” Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ đồng của thế giới.
Rio Tinto hôm 15/07 cảnh báo rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đang suy giảm do xung đột Nga-Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của ngân hàng trung ương và các hạn chế COVID-19 dai dẳng ở một số khu vực. Vào thứ Sáu, dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại trong quý thứ hai.
“Giá hàng hóa của chúng tôi giảm trong quý do lo ngại suy thoái gia tăng và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút,” Rio Tinto cho biết. “Sự gián đoạn thương mại, chủ nghĩa bảo hộ lương thực và sự tập trung toàn cầu vào việc bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng tiếp tục gây áp lực lên các chuỗi cung ứng, vốn sẽ cần được nới lỏng đáng kể trước khi áp lực lạm phát giảm xuống.”
Việc giá giảm diễn ra trong bối cảnh lo ngại leo thang rằng lạm phát cao nhất trong vòng hàng thập niên có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất nhiều hơn nữa. Trong tháng Sáu, các nhà hoạch định chính sách đã phê chuẩn việc tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần đầu tiên trong nhiều thập niên và các báo cáo đã chỉ ra rằng nhiều đợt tăng lãi suất sẽ được tiến hành trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, mà trong tháng Sáu đã ở mức 9.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái (2021).
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller cho biết ông sẵn sàng xem xét một đợt tăng 75 điểm cơ bản khác trong cuộc họp của các quan chức Fed vào cuối tháng Bảy.
Ông Waller cho biết hồi tuần trước (11-17/07) tại một sự kiện ở Idaho: “Tôi ủng hộ tăng thêm 75 điểm cơ bản nữa” trong cuộc họp tiếp theo.
“Tuy nhiên, kịch bản cơ sở của tôi cho tháng Bảy phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới,” ông nói thêm. “Chúng ta có các đợt công bố dữ liệu quan trọng về doanh số bán lẻ và nhà ở trước cuộc họp tháng Bảy. Nếu dữ liệu đó về mặt định lượng mạnh hơn dự kiến, điều đó sẽ khiến tôi nghiêng về một mức tăng lớn hơn tại cuộc họp tháng Bảy nếu dữ liệu cho thấy nhu cầu không giảm đủ nhanh để làm giảm lạm phát.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.