Gazprom của Nga tuyên bố sẽ cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên nếu Âu Châu áp giá trần
Giám đốc điều hành của đại tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cảnh báo sẽ cắt nguồn cung năng lượng nếu Âu Châu áp giá trần đối với xuất cảng khí đốt tự nhiên của Nga.
Theo Reuters, Giám đốc điều hành Gazprom, ông Alexei Miller, cho biết trên kênh truyền hình Nga hôm Chủ Nhật (16/10): “Một quyết định một chiều như vậy tất nhiên sẽ vi phạm các hợp đồng hiện có, dẫn đến việc ngừng cung cấp.”
Bình luận của ông Miller được đưa ra khi Nhóm 7 (G-7) và Liên minh Âu Châu đang cố gắng áp giá trần lên dầu của Nga như một phần của gói trừng phạt thứ tám đối với Điện Kremlin vì họ xâm lược Ukraine.
Họ hy vọng rằng hành động này sẽ hạn chế thu nhập của Điện Kremlin và ngăn Kremlin tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định thông qua nguồn cung không bị gián đoạn.
Nga đã kiếm được 158 tỷ Euros (154 tỷ USD) doanh thu từ xuất cảng nhiên liệu hóa thạch trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến này, từ ngày 24/02 đến ngày 24/08, theo một báo cáo (pdf) từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch vốn theo dõi xuất cảng của Nga. Theo báo cáo trên, EU là bên mua lớn nhất, nhập cảng 54% trong số này, trị giá khoảng 85 tỷ Euros (82 tỷ USD).
Vòng trừng phạt mới nhất từ EU đã được Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen công bố hồi đầu tháng này sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine và những lời đe dọa của ông liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các quan chức EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về giới hạn giá
Theo các lệnh trừng phạt đó, một mức giá trần đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 05/12, và một mức giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sẽ bắt đầu từ ngày 05/02/2023.
Theo một tuyên bố từ Ủy ban Âu Châu, một khi việc áp giá trần được áp dụng, điều đó sẽ cho phép các nhà khai thác Âu Châu thực hiện và hỗ trợ vận chuyển dầu của Nga đến các quốc gia khác, với điều kiện giá năng lượng đó vẫn dưới một “giới hạn” ấn định trước.
“Do đó, việc này cũng sẽ giúp giải quyết lạm phát và giữ cho chi phí năng lượng ổn định vào thời điểm mà giá cả tăng cao – đặc biệt là giá nhiên liệu tăng – là một mối bận tâm lớn đối với tất cả người dân Âu Châu,” tuyên bố cho biết thêm.
Tuy nhiên, các quan chức EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về giá trần và một số quốc gia như Đức, thị trường khí đốt lớn nhất Âu Châu, đã bày tỏ lo ngại về hành động mà họ tin rằng có thể dẫn đến việc cắt hoàn toàn nguồn cung từ Moscow.
Tháng trước, ông Putin đã đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng nếu giá trần được áp dụng.
“Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu việc đó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi,” ông Putin nói tại một diễn đàn kinh tế ở Vladivostok hồi tháng Chín. “Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm – chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì,” ông nói thêm.
Kế hoạch giá trần đối với dầu xuất cảng của Nga có thể tiết kiệm được 160 tỷ USD hàng năm cho 50 thị trường mới nổi lớn nhất, theo ước tính của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ được Financial Times đưa tin.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times