Eva Vlaardingerbroek: Nông dân Hà Lan phản đối nghị trình cộng sản theo chủ nghĩa toàn cầu
Các cuộc biểu tình của nông dân Hà Lan đã thu hút sự chú ý của thế giới. Theo nhà bình luận chính trị người Hà Lan Eva Vlaardingerbroek, chính sách khí hậu của chính phủ nước này đã kích khởi các cuộc biểu tình trên quy mô lớn, theo sau một nghị trình cộng sản của giới tinh hoa toàn cầu.
“Đó chính xác là chủ nghĩa cộng sản,” cô Vlaardingerbroek nói với đài truyền hình NTD, hãng thông tấn chi nhánh của The Epoch Times hôm 07/07. “Nếu nhà nước vào cuộc và nói rằng ‘Tôi sẽ lấy đi tài sản của quý vị vì cái gọi là lợi ích to lớn hơn.’ Tôi không biết có gì có thể cần thiết cho chủ nghĩa cộng sản hơn là điều đó.”
Chính phủ Hà Lan đã lên kế hoạch trong nhiều năm để cắt giảm đáng kể lượng khí thải nitrogen và amoniac tạo tra trong chăn nuôi để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Liên minh Âu Châu.
Hôm 10/06, chính phủ liên minh của nước này đã công bố một kế hoạch quốc gia và cho từng khu vực cụ thể để hạn chế phát thải khí nhà kính nitrogen. Một số vùng của đất nước sẽ phải cắt giảm 70 hoặc thậm chí 95% lượng khí thải đó.
Sau thông báo này, các cuộc biểu tình đã lên thành cao trào. Ngày càng có nhiều nông dân tham gia vào các cuộc biểu tình, phong tỏa các tuyến đường xa lộ, và các trung tâm phân phối thực phẩm, đồng thời lên kế hoạch biểu tình tại một số phi trường.
‘Quá trình chuyển đổi không thể tránh khỏi’
Cô Vlaardingerbroek nói: “Luật về nitrogen này thực sự là giọt nước tràn ly. Họ đã phải chịu quá nhiều quy định điên rồ khiến họ phải tổ chức lại toàn bộ trang trại của mình hết lần này đến lần khác, và cuối cùng giờ đây, thường là phải đóng cửa hoàn toàn.”
Cô Vlaardingerbroek cho biết đáng buồn là một số nông dân đã tự tử vì những hạn chế này.
Các bộ trưởng Hà Lan gọi đề nghị này là một “quá trình chuyển đổi không thể tránh khỏi” và cảnh báo rằng nông dân có thể phải đối mặt với viễn cảnh đóng cửa doanh nghiệp của họ.
Khi công bố kế hoạch của mình hồi tháng Sáu, chính phủ cho biết trong một tuyên bố, “Thông điệp trung thực … là không phải tất cả nông dân đều có thể tiếp tục công việc kinh doanh của họ.”
Chính phủ cũng không loại trừ khả năng trưng thu đất đai của những nông dân không tuân thủ.
Nghị trình 2030
“Vậy đó chính là chủ nghĩa cộng sản,” cô Vlaardingerbroek nói. “Chủ nghĩa này đang được thực hiện trên quy mô toàn cầu, bởi vì nghị trình của chính phủ Hà Lan chỉ đơn giản là một phần của nghị trình lớn hơn mà thôi.”
Cô Vlaardingerbroek nói thêm: “Họ đang tuân theo một nghị trình được gọi là Nghị trình 2030. Đây là những hạn chế và quy định về khí hậu được áp dụng trên toàn thế giới.”
Tháng 09/2015, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị trình 2030 vì Sự phát triển Bền vững. Nghị trình có 17 mục tiêu, bao gồm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, năng lượng bền vững, công nghiệp hóa bền vững, tiêu dùng và sản xuất bền vững, v.v.
Chính phủ Hà Lan gọi 17 mục tiêu nói trên là “các nguyên tắc chỉ đạo cho chính sách của Hà Lan.”
Ủy ban Âu Châu đã lên kế hoạch cắt giảm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 để đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cô Vlaardingerbroek nói thêm rằng nông dân ở Ý và Ba Lan cũng bắt đầu phản kháng. Lệnh cấm phân bón hóa học ở Sri Lanka đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực. Nước này đã tuyên bố phá sản hôm 07/07.
Hồi tháng Tư năm ngoái, Tổng thống Joe Biden cũng cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50-52% so với mức của năm 2005.
‘Lần tới chúng có thể xảy ra với quý vị’
Trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Tucker Carlson, cô Vlaardingerbroek cũng so sánh chính sách của chính phủ Hà Lan với cuộc “Đại Tái Thiết” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
“Họ muốn chúng tôi ăn sâu bọ. Họ muốn chúng tôi ăn thịt giả mà họ sản xuất. Vì vậy, rất rõ ràng rằng đây không phải là điều mà chỉ người dân Hà Lan phải hứng chịu. Và đó là lý do tại sao chúng tôi cần sự hỗ trợ của mọi người dân từ các quốc gia khác,” cô Vlaardingerbroek nói với NTD, cô đã mang một chiếc khăn tay màu đỏ trong cuộc phỏng vấn để thể hiện sự ủng hộ của mình đối với nông dân. Chiếc khăn tay màu đỏ này đã trở thành biểu tượng cho sự phản kháng của nông dân.
Cô Vlaardingerbroek giãi bày, “Bây giờ chúng tôi là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, và chúng tôi có thể là những người đầu tiên, nhưng điều rất quan trọng mà những người khác nên biết rằng lần tới chúng có thể xảy ra với quý vị đấy.”
The Epoch Times đã liên lạc với chính phủ Hà Lan để xin bình luận.
Anh Harry Lee là một phóng viên của The Epoch Times tại New York. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Nathan Worcester