Các vụ kiện về khí hậu chống lại các đại công ty dầu mỏ của các thành phố lớn được xem xét kỹ lưỡng
Một làn sóng các vụ kiện về biến đổi khí hậu gần đây của chính phủ đối với các công ty dầu khí có thể chứng minh là có tác hại sâu sắc, và thực sự kìm hãm sự phát triển của các công nghệ xanh hơn, mới hơn bằng cách chuyển hướng các nguồn lực có thể thúc đẩy sự đổi mới, theo một bản tóm tắt số ra hôm 16/05 từ Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương (PRI).
“Có nhiều hậu quả bất lợi nghiêm trọng từ các vụ kiện của tiểu bang và địa phương chống lại các công ty năng lượng truyền thống, nhưng không mặt tốt nào của xã hội sẽ ủng hộ các nguyên đơn trong những vụ kiện này,” nhà kinh tế Wayne Winegarden khẳng định trong bản tóm tắt.
Ông lập luận: “Các chính sách về biến đổi khí hậu toàn cầu chỉ nên tập trung vào việc tạo ra các động lực tích cực cho sự đổi mới.”
“Các vụ kiện của tòa án do các thành phố tự quản đệ trình đã làm xấu đi môi trường của thị trường và do đó, cản trở sự phát triển của những công nghệ thế hệ tiếp theo này.”
Trong nửa thập niên qua, các vụ kiện tầm cỡ đã đặt San Francisco, Oakland, Thành phố New York, Baltimore, Boulder, và các thành phố tự quản khác vào thế đọ sức với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng truyền thống này.
Năm 2017, trong đơn kiện đầu tiên của mình nhắm vào năm công ty dầu mỏ, luật sư Dennis Herrera của thành phố San Francisco đã khẳng định rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến lũ lụt, xói mòn bờ biển, và thiệt hại cho thành phố này, đồng thời nói rằng điều này tạo ra trách nhiệm cho các công ty đó vì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà họ đã thải ra trong những thập niên gần đây.
Một thẩm phán California đã bác bỏ vụ kiện đó cũng như vụ kiện Oakland có liên quan vào năm 2018. Ông lập luận rằng ngành tư pháp không phải là nơi để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời tuyên bố rằng “tòa án sẽ không can dự vào việc dành cho các giải pháp của cơ quan lập pháp và hành pháp.”
Trong lệnh bác bỏ các đơn kiện của mình, Thẩm phán William Alsup, một người được ông Clinton bổ nhiệm, cho biết: “Lệnh này chấp nhận khoa học đằng sau sự nóng lên toàn cầu. Và hai bên (trong vụ kiện) cũng vậy. Những nguy cơ nêu ra trong các đơn kiện là rất thực tế. Nhưng những mối nguy hiểm đó là trên toàn thế giới. Nguyên nhân của chúng là trên toàn thế giới. Những lợi ích của nhiên liệu hóa thạch là trên toàn thế giới. Vấn đề này xứng đáng có một giải pháp trên quy mô rộng lớn hơn là giải pháp có thể được cung cấp bởi một thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn trong một vụ án gây phiền toái công cộng.”
“Khái niệm cho rằng họ có thể đánh giá những thiệt hại này và quy chúng cho các công ty dầu mỏ là quá xa vời,” ông Winegarden nói với The Epoch Times hôm 17/05.
Một điểm chính gây tranh cãi là liệu những vụ kiện đó thuộc về tòa án liên bang hay tòa án tiểu bang. Các công ty nhiên liệu hóa thạch ủng hộ tòa liên bang, trong khi các chính phủ thích tòa tiểu bang hơn.
Chỉ vài tuần trước, Tòa Phúc thẩm Khu vực Bốn lại ra phán quyết rằng vụ kiện về thiệt hại do khí hậu của Baltimore chống lại các công ty dầu mỏ nên được xét xử tại hệ thống tòa án của tiểu bang Maryland. Phán quyết trước đó của tòa án này về vụ kiện đã bị Tối cao Pháp viện hủy bỏ vào năm 2021.
“Tòa án tiểu bang là cơ quan tài phán thuận lợi hơn cho các vụ kiện này,” ông Winegarden nói.
“Các bị cáo của công ty nhiên liệu hóa thạch muốn các vụ việc được xét xử tại tòa án liên bang, nơi họ có thể lập luận rằng các vụ kiện này nên nhanh chóng bị bác bỏ với lý do rằng các tuyên bố về khí hậu theo thông luật liên bang đã bị thay thế bởi Đạo luật Không khí Sạch,” ông Korey Silverman-Roati thuộc Trung tâm Sabin về Luật Biến đổi Khí hậu của Đại học Columbia viết trong một bài đăng trên blog năm 2022.
Tiền lệ về Đạo luật Không khí Sạch đó bắt nguồn từ phán quyết 8-0 của Tối cao Pháp viện vào năm 2011, trong vụ “American Electric Power Co., Inc. kiện Connecticut.”
Do Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg soạn thảo, bản ý kiến đa số nói trên lưu ý rằng Đạo luật Không khí Sạch ủy quyền việc ra quyết định về khí thải cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA).
Bài đăng trên blog của trung tâm Sabin tiếp tục cho biết, “Các nguyên đơn của chính phủ địa phương và tiểu bang muốn các vụ việc này được tiếp tục tại tòa án tiểu bang, nơi họ có thể lập luận rằng các tuyên bố về gây phiền toái khí hậu cũng tương tự như các nỗ lực về thông luật trước đây nhằm buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về việc gây hiểu lầm cho công chúng về những tác hại của các sản phẩm của họ, chẳng hạn như những tuyên bố chống lại các công ty thuốc lá.”
Ông Donald Kochan, một nhà kinh tế học tại Đại học George Mason của Virginia, có quan điểm khác về việc so sánh với thuốc lá.
Ông Kochan nói với The Epoch Times: “Thuốc lá không phải là một ngành công nghiệp được quản lý, trong khi than đá, dầu và khí đốt đều bị quản lý chặt chẽ.”
Đáng chú ý, Tối cao Pháp viện đã phán quyết rằng thuốc lá không thuộc thẩm quyền của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).
Cả Quốc hội và EPA đều có thể đưa ra các luật mới cho lĩnh vực về hydrocarbon.
Việc theo dõi tác hại của thuốc lá đối với từng cá nhân cũng dễ dàng hơn nhiều — ví dụ, một ca ung thư phổi ở một người hút thuốc lá lâu năm.
Tuy nhiên, trong cả hai vụ kiện, các động lực giống nhau có thể đứng đằng sau. Ông Kochan đã chỉ ra rằng các vụ án thuốc lá thu về hàng tỷ dollar cho các luật sư bên nguyên.
Các luật sư của bên kia cũng được hưởng lợi. Năm 1997, các luật sư bào chữa cho biết đã tiêu tốn của ngành công nghiệp thuốc lá 600 triệu USD mỗi năm.
Một cơ sở dữ liệu kiện tụng về khí hậu hiển thị gần đầu kết quả tìm kiếm của Google được duy trì thông qua liên doanh giữa trung tâm Sabin của Columbia và công ty luật Arnold & Porter Kaye Scholer LLP. Cơ sở dữ liệu này tập trung một phần vào kiện tụng, bao gồm cả kiện tụng về biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, Arnold & Porter đã vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD.
Trong bản tóm tắt của mình, ông Winegarden lập luận rằng phần lớn gánh nặng tài chính của các vụ kiện khí hậu thành công sẽ do người tiêu dùng gánh chịu.
Ông viết: “Trong khi việc tìm ra các tác động của tất cả các chi phí này là khó khăn, mối liên hệ lịch sử chặt chẽ giữa dầu và giá xăng cung cấp phần nào hiểu biết về chi phí sẽ gây ra cho nền kinh tế rộng lớn hơn.”
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa thường liên kết giá năng lượng tăng đột biến hiện nay với các quyết định chính sách dưới thời chính phủ Tổng thống Biden. Ngược lại, các đồng sự Đảng Dân Chủ của họ thường xuyên đổ lỗi cho việc giá xăng trở nên đắt hơn là nguyên nhân dẫn đến việc các tập đoàn ra giá cao ngất ngưởng.
Một dự luật mới vừa được Hạ viện thông qua mà nếu được ban hành, sẽ cho phép Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) phạt các công ty bị coi là bán xăng với giá “quá cao một cách vô lương tâm.”
Tổng thống Biden có thể trao cho họ quyền hạn đó bằng cách tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về năng lượng.” Ông có thể kéo dài tình trạng khẩn cấp đó vô thời hạn.
Ông Kochan, cũng như ông Winegarden, đã nghi ngờ về cơ sở pháp lý của các vụ kiện chống lại các công ty năng lượng của các thành phố.
Ông nói, “Lập luận cho sự phát triển thông luật là nó phát triển từ từ và từng bước một. Nó không có mục đích để làm một phương tiện cởi mở mà qua đó những thay đổi đáng kể trong việc đánh giá trách nhiệm pháp lý hoặc hình thành trách nhiệm pháp lý có thể bị thay đổi đột ngột và kịch liệt bởi các tòa án.”
Ông John Dernbach, một giáo sư chuyên về luật môi trường tại Trường Luật Đại học Widener Commonwealth, có quan điểm khác.
“Các thành phố tự quản và các nguyên đơn khác trong các vụ kiện này đang tuyên bố rằng hành động của các công ty nhiên liệu hóa thạch gây thiệt hại cho họ. Những vụ kiện này là nhằm bồi thường cho các nguyên đơn những thiệt hại thực tế mà họ đã phải gánh chịu và sẽ tiếp tục gánh chịu. Họ có mọi quyền được xét xử trước tòa về những tuyên bố này,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua thư điện tử với The Epoch Times.
Ông Winegarden lập luận rằng kiện tụng về phiền toái khí hậu nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thực hiện chính sách khí hậu mở rộng ở mọi cấp độ, bao gồm cả ở chính phủ liên bang.
Mặc dù ông không chắc về một loại thuế carbon, nhưng ông Winegarden đã lưu ý rằng một biện pháp như vậy ít nhất có thể nằm trong tầm ngắm của Quốc hội. (Một số học giả đã lập luận rằng EPA cũng có thẩm quyền áp đặt thuế carbon).
“Việc kiện tụng không phù hợp với điều đó,” ông Winegarden cho biết, khi bày tỏ cùng một mối lo ngại với Thẩm phán Alsup về sự vượt quá quyền hạn của cơ quan tư pháp.
Ông Winegarden muốn cắt giảm thuế suất cận biên của các công ty đang nghiên cứu các sáng kiến có thể hạn chế phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc cắt giảm như vậy không nên nghiêng về phía các công nghệ hoặc công ty cụ thể.
Ông nói với The Epoch Times rằng: “Khi chúng ta được thiên vị về mặt chính trị, thì quý vị sẽ thiên về đánh đổi, bởi vì quý vị bắt đầu không nhìn vào chi phí của một số công nghệ hoặc lợi ích của những người khác.”
Một ví dụ về mặt trái của sự thiên vị chính trị đó có thể là khí đốt tự nhiên. Bản tóm tắt của ông Winegarden lưu ý rằng loại nhiên liệu này đã là chủ đề của các vụ kiện tụng về biến đổi khí hậu mặc dù nó đóng vai trò chính trong việc giảm cường độ khí carbon của Hoa Kỳ trong những năm gần đây.
The Epoch Times đã tìm kiếm bình luận từ Thành phố New York, một trong những thành phố tự quản đang kiện các công ty năng lượng về biến đổi khí hậu.
The Epoch Times cũng đã tìm kiếm bình luận từ các học giả pháp lý và luật sư được biết đến là ủng hộ các vụ kiện về khí hậu.
Ngoài ra, The Epoch Times đã liên lạc với The Wilderness Society, một tổ chức bất vụ lợi về môi trường tập trung vào việc bảo tồn các khu đất công mở.
Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected] hoặc theo dõi ông trên Twitter @nnworcester.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: