Đừng để thất bại chi phối cuộc sống, 4 kiểu thay đổi giúp bạn tiếp tục tiến lên!
Thay đổi là điều mà tất cả chúng ta đều khao khát, đồng thời cũng sợ hãi. Chúng ta biết rằng những thứ quen thuộc có thể mang lại cảm giác dễ chịu thoải mái, và ngược lại, dù chúng ta cần và muốn thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa thì nó đều tiềm ẩn nguy cơ – [Nói cách khác], bản thân sự thay đổi sẽ mang đến sự khó chịu.
Tuy nhiên, thế giới và cuộc sống của chúng ta luôn đầy rẫy những thay đổi, từ những thay đổi nhỏ mà chúng ta gặp phải hàng ngày khi ra ngoài cho đến những sự kiện và phong trào toàn cầu quy mô lớn. [Bởi vậy], thay đổi là thứ vĩnh viễn bất biến, và dù muốn hay không, chúng ta đều phải thừa nhận rằng sự thay đổi luôn tồn tại, và nó sẽ tồn tại mãi mãi.
Bộ não đôi khi đánh lừa chúng ta rằng sự thay đổi sẽ không xảy ra, và chúng ta thậm chí còn lập tức phủ nhận điều đó. Chúng ta cũng có xu hướng tự nhủ rằng, nếu thương lượng với nó, chúng ta có thể kiểm soát sự thay đổi, và khống chế nó ở một mức độ nhất định bằng cách mặc cả. Đôi khi chúng ta sẽ tức giận, nghĩ rằng sự thay đổi là xấu, là điều nhất định cần phải đấu tranh, [bởi vậy,] chúng ta dùng sự tức giận để biện minh và chống lại sự thay đổi.
Sau đó, chúng ta thương tiếc những ngày tốt đẹp đã qua, đắm mình trong nỗi buồn hoặc u uất. Trong bất kỳ hành trình mất mát và đau buồn nào, tất cả chúng ta đều trải qua vòng lặp của “phủ nhận, mặc cả, tức giận và đau buồn”, nhưng cuối cùng vĩnh viễn đều phải “chấp nhận”. Chỉ khi chấp nhận sự thay đổi, bạn mới có thể tìm ra cách thích nghi với sự thay đổi đó và bước tiếp trong cuộc sống của mình.
4 loại hình thức thay đổi
Thay đổi đột ngột, bất ngờ
Rất nhiều lúc, những thay đổi là đến đột ngột và không báo trước. Vào tháng 3/2020, tất cả chúng ta đều đã cảm thấy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi toàn thế giới bắt đầu tiến hành các biện pháp cách ly bắt buộc để giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, chúng ta buộc phải có những thay đổi đột ngột về phương thức sinh sống của bản thân. Đột nhiên, rất nhiều người thấy mình không thể đi làm được nữa, hoặc phải làm việc từ xa.
Chúng ta còn bị hạn chế đi lại và giao tiếp xã hội, phải ở nhà nhiều nhất có thể, điều mà trước khi đại dịch xảy ra, nhiều người đơn giản là không thể chịu đựng được. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn phải tiếp tục, chúng ta đã thích nghi và học được cách trưởng thành trong những hạn chế này.
Rất nhiều người đã học được các kỹ năng mới trong thời gian này, phát hiện ra khoảng thời gian quý báu để dành cho con cái và gia đình, cũng học được cách sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình một cách sáng tạo. Chúng ta cũng đã phát triển ra các công cụ công nghệ khác nhau để kết nối với những người thân yêu của mình theo cách sáng tạo và độc đáo. Điều này cho chúng ta thấy rằng, tất cả chúng ta đều có khả năng thay đổi, hơn nữa nhiều người trong chúng ta có thể làm nhiều hơn và tốt hơn một khi chúng ta có thể thích ứng.
Trong khoa học có một lý thuyết gọi là “lý thuyết hỗn loạn”, cho rằng vũ trụ luôn có xu hướng mất trật tự, có nghĩa là thế giới mà chúng ta biết sẽ liên tục thay đổi, xuất hiện những thử thách mới. Nếu chúng ta chấp nhận rằng quá trình này là trật tự tự nhiên của vũ trụ thì không cần phải sợ hãi nó, bởi vì đó là quy luật tự nhiên, và là vĩnh hằng bất biến. Mặc dù chúng ta có xu hướng muốn mọi thứ đều trật tự và có thể dự đoán được, nhưng quy luật của vũ trụ rõ ràng là không như thế. Do đó, chúng ta phải phát triển ra các công cụ để tự quản lý và phát triển trong một môi trường luôn thay đổi.
Trong tâm lý học có thuật ngữ thích hợp hơn để gọi, đó là “tăng trưởng sau chấn thương” (Post-traumatic Growth), cũng chính là sự trưởng thành sau khi trải qua những thử thách nghịch cảnh về tâm lý. Là một nhà tâm lý học, tôi vừa được truyền cảm hứng và vừa ngạc nhiên khi biết rằng mọi người đều có khả năng này. Lý luận về sự tăng trưởng sau chấn thương được đề xuất bởi nhà tâm lý học Richard Tedeschi và Lawrence Calhoun. Lý luận này giả định rằng khi trải qua những khó khăn về tâm lý, mọi người đều có khả năng trưởng thành 5 phương diện sau đây:
- Trân trọng cuộc sống;
- Mối quan hệ với những người khác;
- Những khả năng mới trong cuộc sống;
- Sức mạnh của cá nhân;
- Biến hóa về tinh thần.
“Tăng trưởng sau chấn thương” không giống như “khả năng phục hồi”, nhưng nó có thể khiến quý vị đánh giá lại hệ thống niềm tin của bản thân, từ đó có thể phục hồi nhiều hơn. Tôi nghĩ điều đó nói lên một khả năng bẩm sinh của chúng ta, đó là chúng ta có thể tận dụng tối đa các nguồn lực bên trong khi đối mặt với những thách thức và thất bại.
Thay đổi kế hoạch
Đôi khi thay đổi kế hoạch là một động thái tất yếu. Chúng ta sẽ muốn thay đổi nghề nghiệp, trở lại làm việc, bắt đầu những sở thích mới, trở lại trường học, hoặc rời bỏ một mối quan hệ. Loại thay đổi này thường đi kèm với “sợ phải đưa ra quyết định”. Tất cả chúng ta đều biết mình muốn làm gì, nhưng chúng ta lại trì hoãn việc đưa ra lựa chọn đó. Điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu chúng ta chia nhỏ ra thành một loạt các bước. Ví dụ, trở lại trường học có thể bao gồm các bước sau:
- Tìm hiểu các trường đại học có các khoa trong lĩnh vực bạn muốn học;
- Tính toán về cách trả học phí (tự túc, xin học bổng, trợ cấp hoặc vay mượn);
- Chọn vài trường bạn muốn đăng ký;
- Hoàn thành và nộp các hồ sơ đăng ký nhập học cần thiết;
- Học và hoàn thành tất cả các bài kiểm tra và khóa học cần thiết trước khi vào học;
- Chọn một trong những trường mà bạn đã được tiếp nhận;
- Hoàn thành hồ sơ và kế hoạch tuyển sinh.
Khi chia mục tiêu thành nhiều phần, những gì có vẻ giống như một thay đổi lớn thường trở nên tương đối dễ dàng.
Thay đổi thói quen
Có một kiểu thay đổi khác, là khi bạn muốn dưỡng thành một thói quen mới. Nếu bạn muốn cố gắng phá vỡ một thói quen vốn đã hình thành từ lâu, lúc đầu có thể bạn sẽ cảm thấy hơi choáng ngợp.
Hãy lấy ví dụ về quyết định ăn ít đồ ngọt. Cho tới bây giờ, chắc hẳn bạn đã quen với việc ăn một miếng bánh mỗi ngày vào bữa tối. Nhưng hiện tại, vì lợi ích của sức khỏe, bạn đã quyết định thay thế bánh bằng trái cây. Vì để thành công đạt được mục tiêu, bạn phải kiên trì thực hiện những lựa chọn này mỗi ngày: Đầu tiên, quyết định không mua bánh ngọt hoặc món tráng miệng để không bị cám dỗ phá vỡ ý định. Bạn cũng quyết định mua một ít trái cây và chia nhỏ cho mỗi tuần khi chế biến thức ăn. Ngoài ra, bạn cho phép mình nhớ lại cảm giác vui thích khi ăn bánh, và thừa nhận rằng thưởng thức trái cây như một món tráng miệng cũng cần một chút thời gian để làm quen.
Sau một vài ngày, bạn sẽ nhận thấy rằng cảm giác thèm ăn bánh tráng miệng của bạn đã giảm dần, và cũng bắt đầu chấp nhận trái cây như món tráng miệng. Những gì bạn làm là thay thế dần một thói quen kém lý tưởng bằng một thói quen lành mạnh hơn, đó chính là cách để thực sự thay đổi thói quen.
Thay đổi cách phản ứng cảm xúc
Những thay đổi trong phản ứng cảm xúc thường là những thay đổi khó khăn nhất. Chúng ta có thể nhận ra rằng, chúng ta nên đối mặt với mọi thứ một cách bình tĩnh hơn, ít cảm xúc hơn. Thế nhưng khi sự việc ập đến, chúng ta lại thấy mình không thể bình tĩnh và vẫn như cũ.
Hành vi được thúc đẩy bởi niềm tin, phản ứng cảm xúc cũng là như thế. Khi chúng ta cố gắng thay đổi cách thể hiện phản ứng cảm xúc, trên thực tế là chúng ta đang thay đổi một hành vi dựa trên niềm tin. Nói chung, khi chúng ta nghĩ rằng tình huống trước mắt là nhắm vào bản thân, phản ứng của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, bởi vì chúng ta muốn trở thành người chiến thắng hoặc có lý trong một cuộc tranh cãi, hoặc đưa ra những giả định sai lầm về hành động của người khác.
Đôi khi những yếu tố này cũng bị phức tạp hóa bởi những niềm tin nhất định. Chúng ta sẽ cảm thấy buộc phải giải quyết tình huống ngay lập tức, để giữ thể diện cho bản thân và trừng phạt những người mà chúng ta tin là sai lầm. Tuy nhiên, điều này thường chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, không mang lại kết quả như chúng ta tìm kiếm.
Nếu bạn muốn thay đổi phản ứng cảm xúc của mình, điều quan trọng là phải làm từ từ. Hãy bắt đầu bằng cách quan sát cơ thể, khi cảm thấy cảm xúc của mình sắp không kiểm soát được nữa, hãy nghỉ ngơi, uống một chút nước, hoặc tạo cơ hội để tạm thời rời khỏi hiện trường và điều chỉnh lại trạng thái của bản thân. Hãy đợi cho đến khi bạn cảm thấy bình tĩnh hơn một chút, đừng nhìn nhận tình hình là nhắm vào cá nhân bạn, mà hãy tập trung vào thực tế. Là loại hành vi nào đã khiến bạn tức giận? Làm thế nào để có thể cải thiện tình trạng này?
Tiếp theo, hãy xác định xem những gì bạn đang theo đuổi có thực tế không. Ví dụ, nếu muốn yêu cầu giám đốc điều hành của một tập đoàn lớn xin lỗi về việc bạn đã làm thêm giờ cả tuần, vậy yêu cầu của bạn rất có thể là không hiện thực. Thay vào đó, hãy cho cấp trên trực tiếp của bạn biết rằng bạn phải rời công sở vào lúc 6 giờ chiều thứ Hai và thứ Tư hàng tuần vì bạn có những việc khác phải làm, điều này có thể sẽ thực tế hơn.
Khi thay đổi phản ứng cảm xúc, then chốt là ở cách giao tiếp. Nói chung, thái độ càng bình tĩnh, thông điệp mà bạn truyền tải sẽ càng rõ ràng.
Ngoài ra, bạn có thể giải thích tình huống theo cách ngắn gọn nhất có thể, chẳng hạn như nói rõ ràng với họ rằng: “Tôi hy vọng nhận được một số trợ giúp cho công việc thiết kế đồ họa của mình, bởi vì khối lượng công việc của tôi đã tăng gấp đôi trong 6 tháng qua. Tôi có một số ý tưởng muốn thảo luận với anh, khi nào anh rảnh trong tuần này?”. Yêu cầu rất đơn giản và dễ hiểu, yêu cầu một cuộc họp, giải thích lý do cuộc họp và thiết lập một khung thời gian. Bạn nói càng rõ ràng và cụ thể, thì khả năng người kia sẽ chấp nhận yêu cầu của bạn càng cao.
Gợi ý
Làm sao để khắc phục việc “sợ thay đổi”:
★ Chấp nhận rằng sự thay đổi là quy luật vĩnh hằng của vũ trụ.
★ Trước sự thay đổi, hãy tập trung vào những thứ bạn thực sự có thể kiểm soát. Ví dụ: Bạn có thể không có quyền kiểm soát việc công ty cắt giảm quy mô và cho nghỉ việc, nhưng bạn có thể rời đi và tìm một công việc khác, thiết lập quan hệ trên mạng, liên lạc với họ, đồng thời cập nhật sơ yếu lý lịch của mình.
★ Trong một thế giới thay đổi liên tục, bạn có thể tạo ra một số “mỏ neo”. Chấp nhận sự thay đổi cũng bao gồm cân bằng nó với những thứ khiến bạn cảm thấy ổn định và thoải mái. Ví dụ, trong công việc và cuộc sống cá nhân, hãy thiết lập một số thói quen của riêng bạn.
★ Biết khi nào cần tìm kiếm sự hỗ trợ, chẳng hạn như khi áp lực quá lớn hoặc quá tải.
★ Biết khi nào cần thiết lập các giới hạn thích hợp, không hứa hẹn quá nhiều, và cần được nghỉ ngơi.
(Bài viết được trích từ “Trong tim của mỗi người đều có một con quái vật nhỏ đáng sợ: 3 bước thực hành để khiến bạn không còn lo lắng và thoát khỏi cuộc sống bị kiểm soát”, Nhà xuất bản Văn hóa Caishi, Đài Loan cung cấp)