Đức tin và Tình yêu thương trong thời COVID
Cha tôi đã chống chọi với các triệu chứng của COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trong vòng hai tuần. Đã một tuần trôi qua kể từ khi ông bị nhiễm bệnh. Chúng tôi liên hệ với phòng y tá hằng ngày, thậm chí nhiều lần trong một ngày, để nhận được những tình hình cập nhật mới. Ngày 26/08/2021, chúng tôi đến bệnh viện để gặp các bác sĩ và y tá. Chúng tôi muốn biết khi nào chúng tôi có thể đưa ông về nhà, vì bệnh tình của ông đột nhiên trở nặng trong quá trình điều trị. Trên thực tế, ông đã bắt đầu buông xuôi.
Khi mẹ tôi, anh trai và tôi ngồi đối diện với ba bác sĩ và hai y tá, chúng tôi được thông báo chi tiết rằng bệnh tình của cha tôi đã trở nên trầm trọng hơn những gì chúng tôi hiểu được. Khoảng bốn ngày trước khi chúng tôi đến, ông đang phải chịu đựng một căn bệnh nhiễm trùng thứ phát ảnh hưởng đến phổi, khiến quá trình điều trị buộc phải ngừng lại và [mọi thứ] đảo lộn. Họ không biết rõ điều gì đã gây ra nhiễm trùng.
Cách duy nhất để biết chắc chắn là đặt máy thở và lấy mẫu từ phổi. Nhưng không thể làm như vậy được vì hai lý do: một là, phổi của ông đã quá yếu nên ông sẽ không thể qua khỏi nếu lấy máy thở ra; hai là, chúng tôi từ chối cho phép việc sử dụng máy thở.
Ông không thể về nhà bởi vì phổi bị tắc nghẽn đến mức ông sẽ không thể sống được sau khi về nhà, vì xe cấp cứu sẽ không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho phổi.
Chúng tôi ghi chú lại vô số câu hỏi, nhiều câu do một y tá (cũng là) một người bạn của gia đình [chúng tôi] tư vấn, nhưng giờ đây chúng dường như không còn cần thiết trong hoàn cảnh này. Chúng tôi yêu cầu được xem ảnh chụp X-quang ngực. Chúng tôi muốn biết những gì đang diễn ra để có thể định hướng đúng cho ông — thuốc men, phép trị liệu, thức ăn, truyền vitamin. Bất cứ điều gì có thể thử được, còn nước còn tát.
Sự cô lập và vô vọng
Cha tôi đã bị cách ly trong một căn phòng không cho phép khách đến thăm, đồng thời cũng không được phép ra khỏi giường. Ông hoàn toàn bị cô lập. Chúng tôi cần gặp ông và ông [cũng] cần gặp chúng tôi. Cha mẹ tôi cần ở bên nhau dù chỉ một chút thời gian. Do cha tôi đang ở trong tình trạng nguy hiểm như vậy, nên các bác sĩ đồng ý cho chúng tôi vào gặp ông ấy, miễn là chúng tôi hiểu được những rủi ro, và mặc đồ bảo hộ thích hợp.
Những rủi ro thì không đáng kể. Anh trai và mẹ tôi bị nhiễm COVID cùng lúc với cha tôi. Họ đã khỏi. Các bác sĩ nói cha tôi cũng đã khỏi. Tôi hiểu rủi ro [đối với mình], nhưng tôi cũng hiểu rằng đây có thể là lần cuối cùng tôi gặp cha. Lượng lớn đồ bảo hộ — bao tóc, găng tay, tạp dề, khẩu trang, tấm che mặt — [cũng] không ngăn cản bất kỳ ai trong chúng tôi [vào thăm cha].
Trước khi bước ra khỏi phòng cùng các bác sĩ và y tá, mẹ tôi đã tuyên bố rõ về đức tin và tình yêu. Bà tin tưởng rằng dù có vấn đề gì đi nữa, Chúa định đoạt tất cả. Bà, cũng như các bác sĩ, đã xem rõ ràng những tấm ảnh chụp X-quang. [Hai lá] phổi có màu trắng trong khi (bình thường) chúng cần phải là màu đen. Bà nghe họ báo cáo về bệnh án của cha. Đó là một hoàn cảnh gần như vô vọng. Phản ứng của bà không phải là bác bỏ bản báo cáo y khoa này (bởi chúng tôi có biết gì về thế giới y khoa?), mà là một tuyên bố (nhưng chúng tôi biết nhiều về đức tin). Đó là một sự phản kháng, không phải chống lại đội ngũ y tế, mà là chống lại cái chết.
Khi chúng tôi đi dọc theo hành lang, mỗi căn phòng chúng tôi đi qua đều tạo cảm giác rằng nó giống như một nhà xác hơn là một bệnh viện. Nó dường như chỉ là một nơi giam giữ những người (chuẩn bị) đi sang thế giới bên kia. Mọi bệnh nhân đều được thở máy, mặt vô cảm. Miệng của họ giữ cố định một khối nhựa dẻo cũ kĩ. Cơ thể họ hơi vặn vẹo để có thể nhường chỗ cho ống nhựa, hoặc có lẽ vì đó là vị trí cuối cùng mà cơ thể họ còn giữ được tỉnh táo. Sau đó, tôi đã nói với mẹ rằng lối vào tầng [này] nên mượn từ “Hỏa ngục” của Dante với một tấm biển có nội dung: “Hỡi những người vào đây, hãy từ bỏ tất cả hy vọng.”
Cầu nguyện và hy vọng
Khi chúng tôi đến phòng của cha, tôi là người đầu tiên nhìn thấy ông qua cửa kính. Trong ánh mắt cha có cái nhìn giống như của ông nội tôi khi ông đang hấp hối. [Đó là] một cái nhìn trống rỗng [và] xa xăm vào hư không. Sau đó ông và tôi đã giao tiếp bằng mắt và có điều gì đó bắt đầu thay đổi. Khi nhìn thấy cả ba chúng tôi, ông vẫy tay chào. Khi chúng tôi mặc đồ bảo hộ vào, tôi quay lại nhìn và ông đã (giơ hai ngón tay) ra dấu chữ V một cách hài hước và vẫy tay ra hiệu cho tôi vào. Khi mẹ tôi đi tới trước mặt chúng tôi, bàn tay ông gợn sóng lên xuống khẽ vẫy chào bà.
Chúng tôi bước đi mà lòng nặng trĩu với gánh nặng của những tin tức mới gần đây và nhìn thấy ông trong tình trạng như vậy. Chúng tôi chào ông, nói rằng chúng tôi yêu ông, và thật vui khi được gặp ông. Nhưng chúng tôi biết điều chúng tôi cần làm hơn bất cứ điều gì: chính là cầu nguyện.
Chúng tôi bắt đầu tập trung cầu nguyện mạnh mẽ, nói về việc chữa lành và sự sống, và yêu cầu cái chết rời khỏi căn phòng. Chúng tôi nhắn tin cho bạn bè và gia đình. Chúng tôi đã gọi cho các mục sư. Chúng tôi để lại lời nhắn trong các nhóm cầu nguyện trên Facebook. Thế giới — ít nhất là thế giới của chúng tôi — đã chạm đến thiên đường với hết lời thỉnh cầu này đến lời thỉnh cầu khác. Sau đó, anh trai tôi đã nhắn tin cho anh họ tôi và tôi, rằng nếu cha sắp qua đời, điều đó không phải là do thiếu đức tin và lời cầu nguyện.
Mấy ngày trước, tôi đã mua cho cha một tấm thiệp chúc sức khoẻ. Lúc tôi thả nó vào hòm thư, tôi nhận ra rằng mình chưa dán tem. Khi chúng tôi đứng quanh phòng bệnh, nói chuyện với cha và trả lời các cuộc gọi và tin nhắn, tôi nhận thấy có một xấp thiệp ở góc phòng.
Tôi xem qua các tấm thiệp, và may thay, tấm thiệp của tôi cũng đã được gửi tới cha. Tôi đọc những tấm thiệp từ bạn bè và gia đình, rồi đặt chúng dọc theo kệ trước giường của ông.
Chúng tôi ở lại [đó] trong nhiều giờ. Vào thời điểm chúng tôi rời đi, cử chỉ của ông đã thay đổi. Ánh mắt đờ đẫn của cha đã biến mất. Và cảm giác nặng nề về cái chết đã tan biến.
Một trong các bác sĩ nói với mẹ tôi rằng việc đến bệnh viện và giải toả những lo lắng của chúng tôi có ý nghĩa rất lớn. Nhất là khi chúng tôi đã thành tâm như thế nào với niềm tin rằng Chúa sẽ kéo ông vượt qua điều này, và nếu Chúa quyết định rằng cha phải về với Ngài, thì điều ước lớn lao của ông và chúng tôi là cha sẽ ra đi tại nhà với gia đình xung quanh, chứ không phải cô đơn trong một phòng bệnh nào đó, nơi mà cách duy nhất để biết ông đã rời khỏi thế giới này là nghe thấy tiếng bíp kéo dài từ một đường phẳng (của máy đo nhịp tim). Vị bác sĩ nói rằng rất nhiều người trong tầng nơi bà làm việc đã ra đi mà không có ai đến thăm hỏi. Chúng tôi có lẽ không phải là [trường hợp] khác thường, nhưng cũng là hiếm gặp.
Đức tin và tình yêu thương
Anh trai và tôi yêu cha nhiều hơn những gì chúng tôi có thể thể hiện. Cha mẹ tôi đã kết hôn được 45 năm vào ngày 17/09. Họ đã cùng nhau nếm trải và vượt qua những khoảng thời gian khó khăn nhất. Cha tôi có rất nhiều bạn bè và một gia đình có bảy anh chị em, cùng với các cháu gái, cháu trai, anh em họ, gia đình nội ngoại và hai đứa cháu rất yêu quý ông. Cha là một người đàn ông rất vui tính với thái độ kiên nhẫn và tốt bụng nhất. Đó là món quà Thượng đế ban cho ông, ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất của mình, như những tuần vừa qua, ông vẫn chưa bao giờ mất đi khiếu hài hước hay sự lịch thiệp của mình.
Sự kết hợp giữa đức tin và tình yêu thương trong suốt thời gian COVID này đã giúp gia đình tôi mạnh mẽ [về tinh thần]. Tình yêu là điều đã đưa chúng tôi đến bệnh viện đó để giải đáp những băn khoăn của mình, và là điều dẫn chúng tôi đi dọc hành lang bệnh viện để vào phòng của ông. Đức tin là điều đã khiến chúng tôi và rất nhiều người khác quỳ gối cầu nguyện.
Khi tôi viết điều này, cha tôi đang được chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) sang một phòng bình thường. Giờ ông đã ở trong bệnh viện được ba tuần. Một luật mới của Texas hiện nay cho phép bệnh nhân có ít nhất một người đến thăm, vì vậy mẹ tôi có thể ở bên ông mỗi ngày. Tôi không biết kết quả sẽ ra sao. Tôi không biết liệu Chúa có gọi ông về bên Ngài hay không. Tôi cầu nguyện và tin rằng ông sẽ ở lại đây trên trái đất này. Nhưng tôi không thể biết được. Ai biết được đường đời của người ta là bao lâu?
Vào đêm hôm đó, ngày 26/08, mẹ tôi đã dẫn Kinh Thánh Job 14:5: “Nếu ngày của loài người đã định rồi, Nếu số tháng người ở nơi Chúa, Và Chúa đã định giới hạn cho người, mà không qua khỏi được.”
Kết quả (của lời cầu nguyện) không phải là đức tin. Sự kiên định vào đức tin là chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời lắng nghe những lời cầu nguyện của mình, chứ không phải là Ngài đáp lại từng lời cầu nguyện đó. [Chúng ta] cảm thấy mãn nguyện khi biết rằng Ngài luôn lắng nghe và quan tâm.
Đại dịch này đã huỷ diệt hàng triệu, có lẽ hàng tỷ người. Nhiều người đã phải chịu đựng [trong khổ đau] mà không có hai điểm tựa tinh thần này: đức tin và tình yêu thương. Nếu có lúc nào đó bạn ngẫm nghĩ về cuộc sống và tự hỏi xem đức tin của mình nằm ở đâu và có ai thương yêu mình, thì bây giờ là chính là lúc. Nếu bạn có thời gian để xây dựng hoặc tái lập mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời, thì hãy làm chính lúc này đây. Nếu có lúc nào đó bạn hàn gắn những nhịp cầu [quan hệ] với bạn bè và gia đình, thì hiện tại là thời điểm [thích hợp].
Cuộc sống thật trống rỗng nếu không có đức tin, và cũng vô cùng cô đơn nếu không có tình yêu thương. Giống như không thể đoán trước được tương lai của cha mình, tôi cũng không thể đoán trước được kết quả của đại dịch này. [Tuy nhiên,] điều tôi có thể dự đoán được một cách chắc chắn là sự sống, và thậm chí cả cái chết, đều [có thể] được kiểm soát, và thậm chí [với một tâm trạng] vui vẻ [hạnh phúc], khi có đức tin vào Chúa và tình yêu thương của bạn bè và gia đình.
Dustin Bass là người đồng tổ chức podcast The Sons of History và là người sáng lập của kênh YouTube Thinking It Through. Anh ấy cũng là một nhà văn.
Hân Hữu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: