Đức ngăn thương vụ bán nhà máy vi mạch cho công ty Trung Quốc vì lo ngại về an ninh
Hôm 09/11, chính phủ Đức đã chặn thương vụ bán hai nhà máy sản xuất chất bán dẫn trong nước cho các công ty do Trung Quốc sở hữu, với lý do lo ngại về an ninh.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nói với các phóng viên trước văn phòng thủ tướng Đức hôm 09/11, “Chúng tôi đã cấm một nhà đầu tư không thuộc Liên minh tham gia vào các dự án kinh doanh ở Đức.”
Ông Habeck lưu ý rằng quyết định này được đưa ra vì “an ninh trật tự ở Đức phải được bảo vệ và các khu vực sản xuất quan trọng cần được bảo vệ đặc biệt.”
Elmos Semiconductor, công ty sản xuất vi mạch bán dẫn cho ngành công nghiệp xe hơi, đã bị cấm bán nhà máy của mình ở Dortmund, Đức, cho Silex, một công ty con ở Thụy Điển của Công ty Sai Microelectronics (SMEI) của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố hôm 07/11, Elmos cho biết họ đã được Bộ Kinh tế Đức cảnh báo rằng thương vụ bán công ty cho Silex có thể sẽ bị cấm, và lưu ý rằng đây là một “diễn biến gần đây.”
Công ty cho biết họ sẽ xem xét các chi tiết sau khi nhận được quyết định và xác định những bước tiếp theo sẽ thực hiện.
Tháng 12/2021, Silex thông báo rằng họ đã ký một thỏa thuận mua bán với Elmos để mua nhà máy này với giá 85 triệu euro (85.4 triệu USD), trong đó giao dịch này dự kiến kết thúc vào nửa cuối năm 2022, tùy thuộc vào các điều kiện kết thúc bất thành văn và các phê chuẩn theo quy định.
Mối quan tâm về an ninh gia tăng
Quyết định của chính phủ Đức được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối lo ngại về sự phụ thuộc của các nước Âu Châu vào Bắc Kinh và lo ngại rằng việc Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này có thể khiến nước này phải đối mặt với các vấn đề an ninh quốc gia và kinh tế, cũng như trước áp lực chính trị từ chế độ cộng sản Trung Quốc.
Chất bán dẫn là một thành phần thiết yếu trong mọi thứ, từ các thiết bị điện tử như điện thoại di động đến xe điện.
Đầu năm nay, Liên minh Âu Châu đã công bố “Đạo luật Vi mạch” trị giá hàng tỷ euro nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi của Âu Châu trong các ứng dụng và công nghệ bán dẫn cũng như giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Á Châu.
Theo các báo cáo địa phương, ông Habeck cho biết: “Chúng tôi phải xem xét rất kỹ việc tiếp quản công ty nếu như thương vụ này có liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc khi có nguy cơ công nghệ này sẽ chuyển sang người mua từ các nước không thuộc EU.”
Ông cũng lưu ý rằng thương vụ bán công ty thứ hai đã bị chính phủ từ chối, nhưng ông không nêu tên các công ty liên quan, với lý do “bí mật thương mại.”
Tuy nhiên, Bộ trưởng nghiên cứu của Đức, bà Bettina Stark-Watzinger, đã tiết lộ công ty này là ERS Electronic có trụ sở tại Bavaria, theo các báo cáo địa phương. Theo trang web chính thức của mình, ERS Electronic cung cấp công nghệ kiểm tra wafer nhiệt cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện chưa rõ công ty Trung Quốc nào đã quan tâm đến việc mua công ty đó của Đức.
ERS Electronic chưa bình luận công khai về vấn đề này. Các quan chức của công ty đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times vào thời điểm phát hành bài báo này.
Quyết định ngừng bán các nhà máy bán dẫn của Đức được đưa ra trong bối cảnh nước này đang đối mặt với một cuộc suy thoái ngày càng trầm trọng hơn do cuộc xâm lược Ukraine của Nga và cuộc khủng hoảng năng lượng hệ lụy.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times