Dư thừa sắt dẫn đến tổn thương các nội tạng trong cơ thể
Sắt là một khoáng chất thiết yếu đối với sức khỏe của bạn, nhưng theo một nghiên cứu gần đây, dư thừa sắt có thể làm hỏng chức năng của ty thể tế bào và thậm chí gây hại cho tim của bạn.
Sắt cần thiết cho sự sống do vai trò vận chuyển oxy đến các mô cơ thể. Sắt tham gia cấu tạo nên nhân hem của hemoglobin, một protein trong các tế bào hồng cầu có khả năng liên kết thuận nghịch với oxy và cung cấp oxy cho các mô của bạn. Nếu không được cung cấp oxy thích hợp, các tế bào của bạn sẽ nhanh chóng dừng hoạt động.
Sắt cũng là thành phần quan trọng của các protein và enzyme khác nhau, có vai trò trong quá trình sản xuất năng lượng, chức năng miễn dịch, chuyển hóa và chức năng nội tiết. Vì những lý do này, hàm lượng sắt thấp (thiếu máu thiếu sắt) có thể gây ra các vấn đề sức khỏe đáng kể.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người không nhận ra là tình trạng dư thừa sắt thực sự phổ biến hơn thiếu sắt và thậm chí còn có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn. Bởi vì khả năng bài tiết sắt của cơ thể là có giới hạn, nên sắt có thể dễ dàng tích tụ trong các cơ quan như gan, tim và tụy. Điều này rất nguy hiểm vì sắt là một chất oxy hóa mạnh có thể phá hủy các mô cơ quan và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Xơ gan
- Ung thư, bao gồm ung thư ruột, gan và phổi: Ferritin (protein dự trữ sắt) tăng cao có liên quan đến nguy cơ tử vong do ung thư cao gấp 2,9 lần và những người hiến máu đã được chứng minh là có ít khả năng mắc một số bệnh ung thư hơn những người không hiến máu
- Viêm gan C: Một bài báo năm 2007 đã cho thấy ngay cả “sự gia tăng nhẹ hoặc trung bình của các kho dự trữ sắt dường như có liên quan đáng kể về mặt lâm sàng” đến viêm gan C và các tình trạng sức khỏe khác
- Viêm khớp trong bệnh Gout
- Rối loạn nhịp tim
- Bệnh tim mạch
- Bệnh tiểu đường type 2 và hội chứng chuyển hóa: Ferritin tăng cao có liên quan đến rối loạn chuyển hóa glucose, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gấp 5 lần ở nam giới và gấp 4 lần ở nữ giới, mức độ tương quan tương tự như bệnh béo phì.
- Ferritin cao cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, một tình trạng liên quan đến huyết áp cao, bệnh gan và bệnh tim
- Bệnh Alzheimer
Dư thừa sắt làm giảm chức năng ty thể
Sắt gây ra tác hại đáng kể chủ yếu bằng cách xúc tác phản ứng ở màng trong ty thể. Khi sắt phản ứng với hydrogen peroxide sẽ tạo ra các gốc tự do hydroxyl.
Đây là một trong những gốc tự do gây hại nhất, làm rối loạn chức năng ty thể nghiêm trọng, và do đó là trung tâm của hầu hết các bệnh thoái hóa mãn tính. Với tính oxy hóa mạnh, các gốc tự do hydroxyl cũng sẽ phá hủy màng tế bào, tế bào gốc, protein và ADN của bạn.
Ngoài tất cả những điều trên, nghiên cứu cho thấy thừa sắt cũng kích hoạt quá trình apoptosis và ferroptosis trong các sợi cơ tim và tế bào cơ tim. Apoptosis là quá trình chết tế bào theo chương trình khi các tế bào bị bệnh hoặc lão hóa, và như tên gọi của nó, ferroptosis đề cập đến sự chết của tế bào phụ thuộc và được điều chỉnh bởi sắt.
Tế bào cơ tim tạo ra và kiểm soát các cơn co thắt nhịp nhàng trong buồng tim, từ đó cho phép tim duy trì nhịp đập ổn định. Tóm lại, điều này cho chúng ta biết rằng lượng sắt dư thừa có khả năng làm suy giảm chức năng tim bằng cách gây ra các bất thường về ty thể và làm chết các tế bào cơ tim của bạn.
Dư thừa sắt liên quan đến bệnh Alzheimer
Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến tim, tình trạng thừa sắt cũng là mối quan tâm đặc biệt trong bệnh Alzheimer – căn bệnh có tỷ lệ mắc bệnh tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây.
Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2018, sự tích tụ nguyên tố sắt làm tăng căng thẳng oxy hóa và gây ra một loại “hiệu ứng gỉ” trong não bộ tồn tại phổ biến ở hầu hết bệnh nhân Alzheimer. Theo ghi nhận của các tác giả:
“Khi xảy ra các dấu hiệu bệnh lý của [bệnh Alzheimer], có sự tích tụ sắt ở bên trong và xung quanh các mảng amyloid-beta và các đám rối sợi thần kinh, chủ yếu dưới dạng ferrihydrit bên trong ferritin, hemosiderin và magnetit”.
“Sự hiện diện của sắt cùng với amyloid-beta đã được đề xuất như một căn nguyên gây độc hại chính [trong bệnh Alzheimer]. Thật vậy, trong ống nghiệm, amyloid-beta đã được chứng minh là có thể chuyển Fe3+ thành Fe2+. Đây là một chất xúc tác cho phản ứng Fenton tạo ra các gốc tự do độc hại dẫn đến stress oxy hóa”.
Nghiên cứu khác cho thấy nồng độ sắt trong dịch não tủy (ở não bộ và tủy sống) tăng cao có tương quan chặt chẽ với sự xuất hiện của đột biến gen APOE-e4, một yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer. Nồng độ sắt tăng cao trong não thực sự có thể là cơ chế khiến APOE-e4 trở thành yếu tố nguy cơ di truyền chính của căn bệnh này.
Trọng tâm chính của phương pháp điều trị thông thường cho đến nay là loại bỏ các protein amyloid. Mặc dù cách tiếp cận này có vẻ hợp lý, nhưng những thành công đạt được vẫn còn hạn chế. Các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng loại bỏ lượng sắt dư thừa có thể là một cách hiệu quả hơn để giảm thiệt hại và làm chậm hoặc ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer.
Quá trình rối loạn điều hòa sắt xảy ra phổ biến một cách đáng ngạc nhiên
Việc hấp thụ quá nhiều sắt có thể dễ dàng xảy ra, vì sắt thường được thêm vào hầu hết các loại vitamin tổng hợp. Nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn cũng được bổ sung sắt. Hai phần ngũ cốc ăn sáng được bổ sung sắt có thể cung cấp tới 44 mg sắt trong một số trường hợp, đáp ứng gần mức giới hạn dung nạp trên đối với người lớn (45mg) một cách nguy hiểm, và cao hơn mức khuyến nghị hàng ngày, chỉ 8 mg cho nam giới và 18 mg cho phụ nữ tiền mãn kinh (tức là phụ nữ vẫn còn kinh nguyệt hàng tháng).
Thật không may, nhiều bác sĩ không hiểu hoặc không đánh giá cao tầm quan trọng của việc kiểm tra tình trạng thừa sắt. Một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến tình trạng thừa sắt là mắc bệnh huyết sắc tố. Đây là một trong những bệnh di truyền phổ biến nhất ở Hoa Kỳ làm suy giảm khả năng điều hòa sắt của cơ thể, khiến bạn hấp thụ lượng sắt cao hơn bình thường.
Đột biến gen C282Y được cho là nguyên nhân gây ra phần lớn các trường hợp bệnh huyết sắc tố. Cần đột biến đồng hợp tử (một từ mẹ bạn và một từ cha bạn) để gây ra bệnh (và thậm chí sau đó, chỉ một số người thực sự sẽ bị bệnh).
Theo một nghiên cứu, có hơn 30% người Hoa Kỳ tồn tại đột biến đồng hợp tử và ước tính khoảng 40% đến 70% những người này sẽ phát triển triệu chứng lâm sàng của tình trạng thừa sắt.
Nếu bạn chỉ có một bản sao gen đột biến, bạn sẽ không bị bệnh nhưng bạn vẫn sẽ hấp thụ nhiều sắt hơn một chút so với phần còn lại của dân số. Do đó, bạn vẫn có nguy cơ cao hơn bị quá tải và các biến chứng liên quan.
Các yếu tố phổ biến làm tăng nguy cơ dư thừa sắt
Hầu như tất cả đàn ông trưởng thành và phụ nữ sau mãn kinh cũng có nguy cơ bị thừa sắt vì họ không bị mất máu thường xuyên. Mất máu là con đường chính để thải sắt, vì cơ thể không có cơ chế bài tiết sắt tích cực. Những yếu tố tiềm năng khác góp phần làm tăng lượng sắt bao gồm:
- Nấu trong nồi hoặc chảo sắt: Nấu thức ăn có tính acid trong những loại nồi hoặc chảo này sẽ làm tăng khả năng hấp thụ sắt.
- Ăn các thực phẩm chế biến sẵn như ngũ cốc và bánh mì trắng có bổ sung sắt: Sắt được sử dụng trong các sản phẩm này là sắt vô cơ, không khác nhiều so với gỉ sắt và nguy hiểm hơn nhiều so với sắt trong thịt.
- Uống nước giếng khoan chứa nhiều sắt: Trong trường hợp này, điều quan trọng nhất là cần có một số loại thiết bị kết tủa sắt và/hoặc bộ lọc nước thẩm thấu ngược.
- Sử dụng vitamin tổng hợp và khoáng chất: Các loại thực phẩm chức năng này thường được bổ sung sắt.
- Thường xuyên uống rượu: Việc này sẽ làm tăng hấp thụ sắt trong chế độ ăn uống của bạn.
Cách kiểm tra và giải quyết vấn đề dư thừa sắt
Bạn có thể dễ dàng kiểm tra nồng độ sắt bằng một xét nghiệm máu đơn giản được gọi là xét nghiệm ferritin huyết thanh. Tôi tin rằng đây là một trong những xét nghiệm quan trọng nhất mà mọi người nên thực hiện thường xuyên như một phần của tầm soát sức khỏe chủ động và phòng ngừa bệnh tật. Xét nghiệm này đo nồng độ của ferritin, một loại protein mang sắt được tìm thấy bên trong các tế bào, có chức năng lưu trữ sắt. Nếu mức ferritin của bạn thấp, điều đó có nghĩa là lượng sắt của bạn cũng thấp.
Giới hạn cho phép của ferritin huyết thanh nằm trong khoảng từ 20 – 80 ng/ml. Dưới 20 ng/ml là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang thiếu sắt và trên 80 ng/ml cho thấy bạn đang thừa sắt. Khoảng lý tưởng là từ 40 – 60 ng/ml.
Xin lưu ý rằng nhiều trang web sức khỏe sẽ cho bạn biết rằng mức “bình thường” có thể cao hơn nhiều, nhưng mức trên 300 ng/ml là đặc biệt độc hại và sẽ gây ra thiệt hại sức khỏe nghiêm trọng. Nếu bạn bị bệnh huyết sắc tố hoặc nếu xét nghiệm ferritin huyết thanh cho thấy nồng độ sắt tăng cao, hiến máu hai hoặc ba lần một năm là cách khắc phục rẻ tiền, an toàn, hiệu quả nhất. Nếu bạn bị quá tải sắt nghiêm trọng, bạn có thể cần phải hiến máu thường xuyên hơn.
Nếu vì một lý do nào đó, trung tâm hiến máu không thể nhận máu của bạn, bạn có thể xin điều trị bằng phương pháp lấy máu tĩnh mạch, về cơ bản là để rút máu ra khỏi cơ thể. Đồng thời, bạn cũng nên tránh tiêu thụ sắt dư thừa dưới dạng thực phẩm bổ sung, trong nước uống (nước giếng), từ đồ nấu nướng bằng sắt hoặc thực phẩm chế biến sẵn.
Bạn cũng có thể hạn chế hấp thụ sắt bằng cách không ăn thực phẩm giàu sắt kết hợp với thực phẩm hoặc đồ uống giàu vitamin C, vì vitamin C làm tăng hấp thu sắt. Nếu cần, bạn cũng có thể bổ sung curcumin. Curcumin hoạt động như một chất thải sắt mạnh và có thể là một chất bổ sung hữu ích nếu hàm lượng sắt của bạn tăng cao.
Xét nghiệm GGT cũng có thể dùng để phát hiện tình trạng dư thừa sắt
Ngoài xét nghiệm ferritin huyết thanh, xét nghiệm gamma-glutamyl transpeptidase (GGT) cũng có thể được sử dụng như một phương pháp sàng lọc giúp phát hiện tình trạng dư thừa sắt và là một chỉ số giá trị cho biết nguy cơ đột tử do tim, kháng insulin, mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa và bệnh thận mãn tính.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng GGT có liên quan mật thiết với sắt. Nồng độ GGT thấp có xu hướng chống lại [những tác hại gây ra do] hàm lượng ferritin cao, vì vậy nếu mức GGT của bạn thấp, bạn sẽ vẫn được bảo vệ ngay cả khi mức ferritin của bạn cao hơn lý tưởng một chút.
Khi cả ferritin huyết thanh và GGT đều cao, bạn sẽ có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính và tử vong sớm tăng lên đáng kể, bởi vì khi đó có sự kết hợp của sắt tự do (có độc tính cao) và sắt dự trữ để duy trì độc tính. Điều đó nói lên rằng, ngay cả khi mức ferritin của bạn thấp, thì việc có mức GGT tăng cao vẫn là nguyên nhân đáng lo ngại và cần được giải quyết.
Vì vậy, bạn nên làm xét nghiệm GGT ngoài xét nghiệm ferritin huyết thanh để loại trừ khả năng nhiễm độc sắt. Mức lý tưởng của GGT là dưới 16 U/L đối với nam và dưới 9 U/L đối với nữ. Nếu trên 25 U/L đối với nam và 18 U/L đối với nữ, nguy cơ mắc bệnh mãn tính của bạn tăng lên đáng kể.
Để giảm nồng độ GGT, bạn sẽ cần bổ sung glutathione, một chất chống oxy hóa mạnh được sản xuất trong cơ thể, vì nồng độ GGT tỷ lệ nghịch với nồng độ glutathione. Khi mức GGT của bạn tăng lên, hàm lượng glutathione sẽ giảm xuống. Trên thực tế, đây là một phần của lý do giải thích cho việc GGT tăng cao gây hại cho sức khỏe của bạn như thế nào. Bằng cách nâng cao mức glutathione, bạn sẽ giảm được nồng độ GGT trong cơ thể.
Acid amin cysteine có trong đạm whey, thịt gia cầm và trứng, đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất glutathione. Thịt đỏ và rượu, không chứa cysteine, sẽ có xu hướng làm tăng mức GGT, vì vậy bạn cần tránh cả hai loại thực phẩm này.
Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nồng độ GGT. Nếu đúng như vậy, vui lòng trao đổi với bác sĩ của bạn để xác định xem bạn có thể ngừng thuốc hay chuyển sang loại khác. Giải độc tổng thể là một phần quan trọng khác nếu nồng độ GGT của bạn cao, vì gan có vai trò loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Thực tế là nồng độ GGT tăng cao là do gan của bạn đang bị căng thẳng.
Kiểm tra Ferritin hàng năm là một bước sàng lọc sức khỏe quan trọng
Nếu bạn là người trưởng thành, tôi thực sự khuyên bạn nên đi xét nghiệm ferritin huyết thanh hàng năm để đảm bảo mức ferritin không quá cao cũng như không quá thấp. Tôi tin rằng tình trạng thừa sắt có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của bạn như thiếu hụt vitamin D, và việc kiểm tra tình trạng sắt của bạn quan trọng hơn nhiều so với lượng cholesterol của bạn.
Mặc dù một bảng đầy đủ các xét nghiệm để đánh giá nồng độ sắt huyết thanh, khả năng gắn sắt và ferritin có thể hữu ích, bạn thực sự chỉ cần xét nghiệm ferritin huyết thanh, cùng với xét nghiệm GGT. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn các xét nghiệm này.
Một lần nữa nhắc lại rằng, nếu kết quả ferritin của bạn cao, cách dễ nhất để giảm là hiến máu hai hoặc ba lần một năm. Luật pháp Hoa Kỳ cho phép tất cả các ngân hàng máu thực hiện thủ thuật lấy máu tĩnh mạch đối với bệnh huyết sắc tố hoặc ứ sắt. Tất cả những gì bạn cần là chỉ định của bác sĩ.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times