Vitamin B3 có thể bảo vệ bạn khỏi ung thư da
Theo bạn, loại vitamin nào có thể bảo vệ da? Vitamin C? Hay vitamin E? Nhiều người không biết rằng có một loại vitamin có giá thành thấp nhưng lại rất hiệu quả trong việc bảo vệ da khỏi tia cực tím và ngăn ngừa ung thư da. Đó chính là vitamin B3.
Một vài năm trước, một nhóm các nhà khoa học người Úc đã tiến hành một thử nghiệm mù đôi ngẫu nhiên có đối chứng với gần 400 bệnh nhân ung thư da, sau nhận định rằng loại vitamin này có tác dụng bảo vệ da. Nghiên cứu đã thu hút sự chú ý rộng rãi sau khi được công bố trên Tạp chí Y học New England vào năm 2015.
“Cách thức bảo vệ an toàn và không tốn kém này chỉ có chi phí khoảng 10 dollar Úc (khoảng 6.5 dollar Mỹ) mỗi tháng và luôn có sẵn ở các hiệu thuốc,” bà Diona Damian, trưởng dự án nghiên cứu tại Úc và là Giáo sư Da liễu, Đại học Sydney, Úc cho biết.
Ông Peter Paul Yu, Bác sĩ y khoa, chủ tịch Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) bổ sung thêm: “Đây chính là một cơ hội mới để ngăn ngừa bệnh ung thư da.” Ông cũng nhận xét rằng nghiên cứu đã tìm ra một phương pháp đơn giản có thể ngăn ngừa sự tái phát của dạng ung thư da phổ biến nhất.
Ung thư không tế bào hắc tố Non-melanoma là loại ung thư da phổ biến nhất
Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất, bao gồm ung thư tế bào hắc tố và không tế bào hắc tố.
Ung thư không tế bào hắc tố là loại phổ biến hơn. Ở người da trắng, tỷ lệ bị ung thư không tế bào hắc tố cao gấp 18 đến 20 lần so với tế bào hắc tố.
Ung thư không tế bào hắc tố chủ yếu gây ra do sự tiếp xúc với bức xạ tia UV, với các loại phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy (basal cell carcinoma – BCC) và ung thư biểu mô tế bào vảy (squamous cell carcinoma – SCC).
Những loại ung thư này có tỷ lệ tử vong khá thấp. Ung thư biểu mô tế bào đáy hiếm khi di căn nhưng thường tăng sinh cục bộ và ảnh hưởng đến diện mạo của người bệnh. Mặt khác, ung thư biểu mô tế bào vảy, đặc biệt là loại u biệt hóa kém ở đầu và cổ, có thể di căn.
Ngược lại, ung thư tế bào hắc tố là loại ung thư nguy hiểm có thể gây tử vong. Ung thư tế bào hắc tố khi bắt đầu di căn có thể nhanh chóng đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Mặc dù ung thư tế bào hắc tố chỉ chiếm 4% trong số các ca ung thư da, nhưng nó lại gây ra 75% số ca tử vong.
Bức xạ tia cực tím là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư da
Bức xạ tia cực tím được coi là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư da. Việc dùng kem chống nắng có thể làm giảm tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy. Khi được dùng lâu dài, kem chống nắng cũng có thể hạn chế tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư tế bào hắc tố. Tuy nhiên, việc tuân thủ dùng kem chống nắng thường là chưa đủ để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, ngay cả với những người có nguy cơ cao.
Bức xạ là một yếu tố sinh ung thư. Không chỉ khởi phát khối u bằng cách tạo ra đột biến trong các gen ức chế khối u, tia bức xạ còn đẩy nhanh sự phát triển khối u. Bức xạ tia cực tím có thể phá hủy DNA, gây đột biến gen, ức chế miễn dịch, tăng căng thẳng oxy hóa và phản ứng viêm, từ đó dẫn đến lão hóa và ung thư da.
Có hai loại bức xạ tia cực tím chủ yếu trong ánh sáng mặt trời: UVA và UVB. Khi tia UV tiếp xúc với cơ thể, phần lớn năng lượng được hấp thụ bởi DNA của tế bào sừng ở da. Tia UVB chủ yếu ảnh hưởng đến lớp trên cùng của da; có thể gây ra ban đỏ hoặc cháy nắng và trực tiếp làm hỏng DNA. Trong khi đó, tia UVA có thể xâm nhập sâu hơn và gây tổn thương cho các lớp sâu ở da, từ đó ảnh hưởng đến DNA một cách gián tiếp. Tia UVA có thể phá hủy DNA bằng cách hình thành các gốc tự do và làm tổn hại màng tế bào.
Bức xạ tia cực tím có thể ức chế chức năng của dấu ấn khối u và ảnh hưởng đến việc sản xuất các cytokine điều hòa miễn dịch, do đó làm giảm chức năng miễn dịch cục bộ ở da và ức chế miễn dịch.
Vitamin B3 giúp bảo vệ da chống lại bức xạ tia cực tím
Vitamin B3 là loại vitamin tan trong nước rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa năng lượng của tế bào. Vitamin B3 giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa đường thành adenosine triphosphate (ATP), một chất được coi là đồng tiền năng lượng.
Vitamin B3 có thể đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím và bệnh ung thư.
Cụ thể, quá trình sửa chữa DNA tiêu tốn rất nhiều năng lượng, trong khi vitamin B3 có thể đẩy nhanh quá trình sửa chữa bằng cách giúp tế bào tạo ra năng lượng, từ đó làm giảm đột biến các loại gen ung thư và ức chế khối u. Vitamin B3 có thể điều chỉnh việc sản xuất các yếu tố gây viêm, do đó ức chế phản ứng viêm. Bên cạnh đó, vitamin B3 làm giảm đáng kể tác dụng ức chế miễn dịch của bức xạ tia cực tím và bình thường hóa phản ứng miễn dịch của da. Vitamin B3 cũng giúp tế bào tái tạo năng lượng bị mất do ảnh hưởng từ bức xạ tia cực tím.
Trong một thử nghiệm mù đôi ngẫu nhiên có đối chứng, các nhà nghiên cứu người Úc đã tiến hành nghiên cứu 386 bệnh nhân bị ít nhất hai bệnh ung thư da không tế bào hắc tố trong vòng 5 năm. Đó là những người có nguy cơ bị ung thư da rất cao. Họ được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm. Một nhóm dùng 500 mg vitamin B3 bổ sung hai lần một ngày, trong khi nhóm còn lại dùng thuốc giả dược.
Kết quả cho thấy sau 12 tháng, so với nhóm đối chứng (giả dược), tỷ lệ mắc ung thư da không tế bào hắc tố ở nhóm dùng vitamin B3 đã giảm 23% và tỷ lệ mắc bệnh dày sừng quang hóa (một loại tổn thương tiền ung thư) đã giảm 13%.
Vitamin B3 có thể ức chế tế bào hắc tố
Thông qua các thí nghiệm trên động vật và trong ống nghiệm, các nhà khoa học sau đó đã phát hiện vitamin B3 không chỉ nhắm vào bệnh ung thư không tế bào hắc tố phổ biến mà còn giúp ngăn ngừa và ức chế ung thư tế bào hắc tố.
Tác dụng ức chế của vitamin B3 với ung thư tế bào hắc tố tương tự như với ung thư không tế bào hắc tố. Vitamin B3 có thể khôi phục mức năng lượng trong tế bào, từ đó trợ giúp cho việc sửa chữa tế bào hắc tố. Nhiều thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên động vật cũng xác nhận rằng vitamin B3 có thể ức chế đáng kể sự tăng sinh, di căn và xâm lấn của tế bào hắc tố.
Các nhà khoa học nhận thấy bức xạ tia cực tím gây ra tổn thương DNA oxy hóa ở tế bào hắc tố cao hơn so với tế bào sừng. Tác dụng sửa chữa của vitamin B3 với tế bào hắc tố do tiếp xúc với bức xạ cực tím cũng tương tự như tác dụng với tế bào sừng. Vitamin B3 cũng có thể làm giảm mức độ tổn thương DNA trong các tế bào hắc tố không tiếp xúc với bức xạ UV.
Liều lượng và các chế phẩm Vitamin B3 được khuyên dùng
1. Niacinamide an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với niacin
Cần lưu ý rằng niacinamide và niacin là hai dạng khác nhau của vitamin B3, nhưng niacin có nhiều tác dụng phụ hơn, bao gồm đỏ bừng da, buồn nôn và nôn, hạ huyết áp, đau đầu và ngứa. Mặt khác, niacinamide được cơ thể dung nạp tốt hơn và không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Do đó, niacinamide được dùng rộng rãi như một chất bổ sung vitamin B3 trong lâm sàng và trong các sản phẩm y tế.
Niacinamide an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với niacin. Niacinamide đã được dùng trên lâm sàng ở liều dược lý (lên đến 3g mỗi ngày) trong nhiều năm. Nhiễm độc gan do niacinamide rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở liều cực cao (hơn 3 gam mỗi ngày).
Nồng độ 50 μmol/L là mức sinh lý của niacinamide trong mô người. Các nghiên cứu trên người cho thấy nồng độ niacinamide trong máu trung bình tăng 30% sau một giờ uống 500mg niacinamide ở điều kiện nhịn ăn và trở lại mức cơ bản sau 90 phút. Điều đó cho thấy niacinamide được các mô hấp thụ nhanh chóng và dễ dàng được chuyển hóa và bài tiết.
2. Nguồn bổ sung và lượng niacinamide được khuyến cáo hàng ngày
Niacinamide có thể được bổ sung từ nguồn ngoại sinh hoặc được tổng hợp trong cơ thể.
Bạn có thể bổ sung đầy đủ niacinamide thông qua cách ăn uống đa dạng như ăn thịt, cá, trứng, các loại đậu, gạo lứt, quả hạch, hạt và nấm. Niacinamide cũng là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa tryptophan, do đó cơ thể có thể tự tổng hợp 50% lượng cần thiết.
Tuy nhiên, một số yếu tố trong cuộc sống, chẳng hạn như uống rượu, tiêu chảy kinh niên, viêm ruột, hấp thụ carbohydrate tinh chế và đường tinh luyện, có thể khiến bạn bị thiếu vitamin B3.
Cũng cần lưu ý rằng bạn có thể bị thiếu vitamin B3 nếu tiêu thụ quá nhiều bắp. Điều này là do vitamin B3 trong bắp có thể gắn với carbohydrate, khiến cơ thể bị khó hấp thụ. Bệnh pellagra là một bệnh phức tạp do thiếu hụt tryptophan và vitamin B3. Người dân ở các nước đang phát triển dùng ngô là nguồn lương thực chính dễ có nguy cơ bị pellagra.
Hội đồng y tế và y khoa quốc gia (National Health and Medical Research Council – NHMRC) của Úc đã đặt ra giới hạn trên cho lượng bổ sung niacinamide trung bình của một người trưởng thành là mức 900 mg mỗi ngày. Những người có nguy cơ cao bị ung thư da có thể bổ sung niacinamide để bảo vệ da, giảm tác hại của tia UV và cải thiện khả năng tự phục hồi của da. Hơn nữa, loại thực phẩm bổ sung sức khỏe này thường có sẵn và không tốn kém.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times