Dự luật yêu cầu các phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ kiểm tra nói dối ứng viên gốc Trung, Nga không có thẻ xanh
Hôm 29/07, hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã giới thiệu dự luật yêu cầu các Phòng thí nghiệm quốc gia của Bộ Năng lượng (DOE) thực hiện các bài kiểm tra nói dối cấp tình báo cho tất cả những người nộp đơn từ các quốc gia trong danh sách “Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” của Bộ Ngoại giao không có thẻ xanh.
Đề xướng lập pháp chưa có tiêu đề, S.4634, được đồng ủng hộ bởi hai thượng nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming) và Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas). Luật này sẽ yêu cầu DOE thực hiện các bài kiểm tra nói dối cho tất cả các ứng viên đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga, và Iran, mà không có thẻ xanh và đang tìm việc làm tại một trong 17 phòng thí nghiệm quốc gia của Hoa Kỳ.
17 phòng thí nghiệm này phát triển từ cơ sở ban đầu ở Oak Ridge, Tennessee, là một phần rất nổi tiếng trong chương trình nghiên cứu và phát triển của Manhattan Project từng dẫn đến việc Hoa Kỳ sử dụng bom nguyên tử để kết thúc Đệ nhị Thế chiến vào năm 1945.
Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge (ORNL) đã không tham gia vào nghiên cứu vũ khí hạt nhân kể từ năm 1945, nhưng hiện nay cơ sở này là phòng thí nghiệm lớn nhất trong số 17 Phòng thí nghiệm Quốc gia của DOE, cũng bao gồm các tổ chức nổi tiếng như Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore và Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos.
Hiện có hơn 72,000 cá nhân làm việc cho các Phòng thí nghiệm Quốc gia khác nhau ở các vị trí toàn thời gian và bán thời gian. Một phát ngôn viên của DOE đã không phúc đáp yêu cầu bình luận về đề xướng của hai ông Barrasso-Marshall từ The Epoch Times.
Theo DOE, các Phòng thí nghiệm Quốc gia, “giải quyết những thách thức khoa học quan trọng của thời đại chúng ta — từ chống biến đổi khí hậu đến khám phá nguồn gốc của vũ trụ chúng ta — và sở hữu các công cụ và cơ sở vật chất độc đáo, nhiều trong số đó không có ở nơi nào khác trên thế giới. Các phòng thí nghiệm này giải quyết những thách thức về nghiên cứu và phát triển ở quy mô lớn, phức tạp bằng một phương pháp tiếp cận đa ngành đặt trọng tâm vào việc chuyển dịch khoa học cơ bản sang đổi mới.”
Ngoài các nguồn lực và lĩnh vực nghiên cứu được các nhà khoa học nói chung quan tâm, một số trong các Phòng thí nghiệm Quốc gia còn tiến hành các nghiên cứu mật, vốn là điều khiến các cơ sở này trở thành mục tiêu hấp dẫn để xâm nhập, đặc biệt là từ Trung Quốc, thông qua Chương trình Ngàn Nhân Tài (TTP) và các nỗ lực khác. Trung Quốc đã nhắm mục tiêu một cách có hệ thống vào các nguồn lực của chính phủ, giới học thuật, và doanh nghiệp Hoa Kỳ trong nhiều thập niên nhằm đánh cắp công nghệ, thông tin nhạy cảm, và dữ liệu.
Một báo cáo năm 2019 của Tiểu ban Điều tra Thường trực của Ủy ban Thượng viện về An ninh Nội địa và các Vấn đề Chính phủ đã nêu bật điểm yếu của các Phòng thí nghiệm Quốc gia trước ảnh hưởng của ngoại quốc với một cá nhân chỉ được mô tả là “Cá nhân N.”
“Trong khi làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia, Cá nhân N đã mời hàng chục công dân Trung Quốc khác, làm việc trong nhiều dự án do Bộ Năng lượng tài trợ, và đến thăm nhiều phòng thí nghiệm của Bộ Năng lượng,” báo cáo viết. “Cá nhân này đã thuê ít nhất bốn công dân Trung Quốc và những người tham gia TTP, trong khi ít nhất tám người khác được biết đến là được bổ nhiệm không lương và được các tổ chức khác của Trung Quốc chi trả.”
“Cuộc điều tra cho thấy sự hợp tác không cân xứng với các tổ chức Trung Quốc và cá nhân này đã cố gắng thực hiện các thỏa thuận chia sẻ chính thức giữa phòng thí nghiệm này và một tổ chức Trung Quốc. Ngoài ra, cuộc điều tra cho thấy việc giám sát công việc của nhóm này rất phức tạp do rào cản ngôn ngữ, sự thuyên chuyển nhân sự, và bản chất tách biệt của nhóm. Một cuộc đánh giá sau đó đã xác định có ít nhất sáu dự án được chỉ định là nhạy cảm.”
Bộ Ngoại giao cũng đưa các quốc gia Miến Điện, Eritrea, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Pakistan, Ả Rập Xê Út, Tajikistan, và Turkmenistan vào danh sách Cần quan tâm Đặc biệt.
“Các nghiên cứu và công nghệ đột phá tại các Phòng thí nghiệm Quốc gia của Hoa Kỳ phải được bảo vệ. Có quá nhiều trường hợp các tài liệu nhạy cảm cao này đã bị xâm phạm. Chúng đã được sử dụng để gây hại cho Hoa Kỳ, các đồng minh của chúng ta, hoặc lợi ích của chúng ta. Điều này có thể gây ra những hậu quả to lớn cho cả an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh kinh tế của chúng ta,” ông Barrasso nói trong một tuyên bố chung với ông Marshall.
“Chương trình kiểm tra nói dối sẽ dùng để răn đe những công dân ngoại quốc có ý đồ xấu. Chương trình này cũng sẽ cung cấp một công cụ để bảo vệ các nghiên cứu quan trọng và xác định các mối đe dọa an ninh.”
Ông Barrasso là thành viên Đảng Cộng Hòa hàng đầu của Ủy ban Thượng viện về Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên. Ông Marshall cũng là thành viên của ủy ban do Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) chủ trì này.
“Nghiên cứu đang được thực hiện tại các Phòng thí nghiệm Quốc gia của chúng ta được tài trợ bởi những người đóng thuế Mỹ, và người dân Mỹ mới là những người gặt hái thành quả. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng thành tựu của Hoa Kỳ liên tục bị các địch thủ của chúng ta, đặc biệt là Trung Quốc, đánh cắp và buôn lậu ra ngoại quốc. Điều này tuyệt đối không thể chấp nhận được,” ông Marshall nói trong cùng một tuyên bố.
“Chúng ta hiện có hàng ngàn công dân ngoại quốc gốc Trung và Nga đang làm việc trong Bộ Năng lượng, và mặc dù tôi không nghi ngờ gì rằng hầu hết đều trung thành đóng góp vào sự tiến bộ của Hoa Kỳ, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể để bảo vệ những tiến bộ công nghệ của chúng ta.”
“Tôi tự hào được cùng thành viên hàng đầu Barrasso giới thiệu dự luật này, vốn sẽ thiết lập các quy trình kiểm tra nói dối tương tự như các quy trình được cộng đồng tình báo sử dụng để tách những người muốn làm việc vì lợi ích của Hoa Kỳ khỏi những người có thể có hai lòng.”
Theo DOE, những thành tựu đáng chú ý của các phòng thí nghiệm bao gồm việc tham gia với Viện Y tế Quốc gia (NIH) và các phòng thí nghiệm khác trong Dự án Bộ gene người lần lập bản đồ DNA đầu tiên.
“Các nhà nghiên cứu tại các Phòng thí nghiệm Quốc gia đã giúp phát triển lĩnh vực y học hạt nhân, sản xuất đồng vị phóng xạ để chẩn đoán và điều trị bệnh, thiết kế công nghệ hình ảnh để phát hiện ung thư và phát triển nhu liệu nhắm mục tiêu vào các khối u trong khi giữ lại các mô khỏe mạnh,” trang web của DOE viết.
“Các tác phẩm của nhà toán học cổ đại Archimedes — được các thầy tu thời Trung cổ viết lại và bị thất lạc hàng thiên niên kỷ — đã được hiển thị cho người hiện đại nhờ tầm nhìn tia X và công nghệ nguồn sáng tại các Phòng thí nghiệm Quốc gia. Những nghiên cứu này cũng đã tiết lộ bí mật về những bức tranh kiệt tác, những chiếc bình cổ Hy Lạp, và những hiện vật văn hóa vô giá khác.”
Ông Mark Tapscott là Thông tín viên Quốc hội cho The Epoch Times.