Giáo sư người Mỹ gốc Hoa nhận tội khai man về các bằng sáng chế tại Trung Quốc
Hôm 21/01, một cựu giáo sư tại Đại học Arkansas đã nhận tội khai man với FBI về các bằng sáng chế cho phát minh của ông ở Trung Quốc.
Ông Simon Saw-Teong Ang (Hồng Tư Trung), 64 tuổi, ở Fayetteville, có 24 bằng sáng chế được nộp tại Trung Quốc dưới tên của ông hoặc tên khai sinh Trung Quốc của ông, liệt kê ông là một trong những người đồng sáng chế, theo tài liệu của tòa án (pdf).
Bất chấp yêu cầu của trường đại học là phải tiết lộ tất cả các phát minh và bằng sáng chế, cựu giáo sư sinh ra ở Malaysia này, vốn là một công dân Mỹ, đã không tiết lộ chúng ra. Khi bị FBI hỏi liệu tên của ông có được liệt kê là người phát minh ra nhiều bằng sáng chế ở Trung Quốc hay không, thì ông lại phủ nhận mình là người phát minh.
“Đúng vậy, tôi không phải là nhà phát minh. Tôi thậm chí còn không biết đó là gì,” ông nói với đặc vụ FBI Jonathan Willett.
Theo chính sách của Đại học Arkansas, trường sẽ sở hữu tất cả các phát minh được tạo ra bởi những người tuân theo chính sách này.
Ngoài ra, ông Ang cũng không tiết lộ với trường đại học này – trong các biểu mẫu tiết lộ xung đột lợi ích – rằng ông đã nhận được nhiều giải thưởng tài năng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bộ Tư pháp (DOJ) lưu ý.
Ông Ang đã nhận tội với một tội danh duy nhất trong một bản cáo trạng thay thế, cáo buộc ông đã đưa ra một lời khai sai lầm và bịa đặt nghiêm trọng trước một đặc vụ FBI, bộ thông báo.
Bản án của ông dự kiến sẽ có trong khoảng bốn tháng. Ông phải đối mặt với mức án tối đa là năm năm tù. Tuy nhiên, thỏa thuận nhận tội này cũng nêu rõ rằng nếu tòa án tìm cách tuyên phạt ông Ang dưới một năm và một ngày tù liên bang, thì ông sẽ có quyền rút khỏi thỏa thuận nhận tội này.
Ngoài ra, ông Ang đã từng bị bắt vào tháng 05/2020 với cáo buộc gian lận điện tử có liên quan đến mối liên hệ của ông với chế độ Trung Quốc. Cựu giáo sư Ang, người đã gia nhập Đại học Arkansas năm 1998, là giám đốc Trung tâm Điện tử Mật độ Cao của trường đại học này vào thời điểm bị bắt. Ông đã bị đình chỉ không lương ngay sau khi bị bắt và bị sa thải chưa đầy hai tháng sau đó.
DOJ cho biết vào thời điểm ông bị bắt giữ rằng ông Ang đã che giấu về việc ông ta đã “nhận tiền và các lợi ích từ Trung Quốc và có liên kết chặt chẽ với nhiều công ty khác nhau có trụ sở tại Trung Quốc trong thời gian ông ta nhận tài trợ từ nhiều cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ,” bao gồm cả NASA.
Tháng 07/2021, ông đã bị đại bồi thẩm đoàn liên bang truy tố và không nhận tội. Ông phải đối mặt với tổng cộng 55 tội danh gian lận điện tử và hai tội danh gian lận hộ chiếu. Một phiên tòa xét xử bồi thẩm đoàn về những cáo buộc này dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 07/02/2022.
Trường hợp của ông Ang được liệt kê theo “Sáng kiến Trung Quốc,” được DOJ bắt đầu thực hiện dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump hồi tháng 11/2018. Sáng kiến này nhằm truy tố các trường hợp gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại chống lại Hoa Kỳ do ĐCSTQ hậu thuẫn.
Bộ cho biết, “Khoảng 80% tổng số vụ truy tố gián điệp kinh tế do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đưa ra đều cáo buộc hành vi có lợi cho nhà nước Trung Quốc, và có ít nhất một số mối liên hệ với Trung Quốc trong khoảng 60% tổng số vụ đánh cắp bí mật thương mại.”
Cô Mimi Nguyen Ly là một biên tập viên phụ trách phân công công việc và là phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có chuyên môn về thị lực. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: