Dự luật mới làm dấy lên lo ngại về sự thông đồng giữa Big Tech và truyền thông chống lại các hãng thông tấn độc lập
Một dự luật của Thượng viện đang khiến một số người lo ngại về khả năng cho phép các Đại công ty Công nghệ (Big Tech) và các hãng thông tấn lớn cấu kết với nhau để chống lại các hãng thông tấn độc lập và nhỏ hơn.
Đạo luật này, mang tên Đạo luật Bảo vệ và Cạnh tranh Báo chí (JCPA), sẽ thay thế một số luật chống độc quyền hiện hành và cho phép các công ty truyền thông hợp tác với nhau để thương lượng với các nền tảng Big Tech, chẳng hạn như Facebook, Google, và Twitter.
Cụ thể, JCPA tuyên bố: “Người sáng tạo nội dung tin tức có thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật chống độc quyền vì đã tham gia vào các cuộc đàm phán với bất kỳ người sáng tạo nội dung tin tức nào khác trong khoảng thời gian 4 năm bắt đầu từ ngày ban hành Đạo luật này để cùng giữ lại nội dung, hoặc thương lượng với, nhà phân phối nội dung trực tuyến về các điều khoản mà nhà phân phối nội dung trực tuyến có thể phân phối nội dung tin tức của người tạo nội dung tin tức.”
Điều này có nghĩa là các hãng thông tấn trực tuyến và báo in, bao gồm một số tên tuổi lớn nhất và lâu đời nhất trong ngành, có thể kết hợp với nhau trong một loại liên minh truyền thông nhằm đòi hỏi sự nhượng bộ từ các công ty công nghệ để liên minh này tiếp tục cho phép nội dung của họ trên nền tảng đó. Theo luật chống độc quyền hiện hành, những liên minh như vậy — trong đó mô tả sự thông đồng của các công ty trong một ngành đã liên kết với nhau để đạt được kết quả tài chính hoặc kết quả chung cho ngành — được xác định là bất hợp pháp.
Những người ủng hộ JCPA đã trình bày nó như một liều thuốc chữa bách bệnh rất cần thiết để giải quyết số lượng các công ty truyền thông địa phương tận tâm đang ngày càng giảm, mà những người ủng hộ nói rằng, họ thường bị bỏ lại phía sau trong chiếc dù của các thuật toán Big Tech và năng lực quảng cáo.
Trong một bản kiến nghị trên Change.org đã thu hút được hơn 23,000 chữ ký, Liên minh Truyền thông Tin tức (News Media Alliance), một nhóm trong số những người ủng hộ dự luật thẳng thắn nhất, đã giải thích lập trường này, thể hiện đó là một quan điểm cứng rắn chống lại tầm ảnh hưởng và quyền lực của Big Tech.
“Ngày nay, nhiều tờ báo địa phương đang phải chật vật để duy trì hoạt động kinh doanh,” bản kiến nghị này viết. “Các nền tảng Big Tech, chẳng hạn như Facebook và Google, kiểm soát cách chúng ta truy cập tin tức trực tuyến đáng tin cậy và cách báo chí được hiển thị, ưu tiên, và kiếm tiền. Họ chiếm được phần lớn số tiền quảng cáo kỹ thuật số nhờ khả năng thu thập dữ liệu người tiêu dùng vượt trội.
“Doanh thu của các tờ báo địa phương đã suy giảm và kết quả là hàng ngàn ký giả đã bị sa thải, ‘các sa mạc tin tức’ đang xuất hiện trên khắp đất nước, và những thông tin sai lệch nguy hiểm đe dọa đến kết cấu nền dân chủ của chúng ta vẫn tiếp tục phát triển.”
‘Thông tin sai lệch’ và ‘Chủ nghĩa cực đoan’
Tuy nhiên, những người phản đối dự luật này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, nói rằng trên thực tế, chính sách này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các hãng thông tấn lớn và lâu đời, nhằm loại trừ các ấn phẩm độc lập, phi chính thống.
Cụ thể, những người phản đối chỉ đến một phần của bản dự thảo cập nhật của JCPA có thể thực sự cho phép các tập đoàn truyền thông đại chúng yêu cầu các nền tảng công nghệ kiểm duyệt hoặc từ chối hoàn toàn việc cho phép các hãng thông tấn mới hơn, ít lâu đời hơn xuất bản trên nền tảng đó.
Theo văn bản của dự luật này, các cuộc đàm phán giữa các tập đoàn truyền thông với các nền tảng công nghệ phải vượt ra ngoài các thỏa hiệp đơn thuần về tiền tệ.
Trên thực tế, các nhà phê bình lo ngại rằng điều này có thể cho phép các hãng thông tấn đại chúng yêu cầu các hãng thông tấn nhỏ hơn phát hành cái gọi là thông tin sai lệch hoặc tin tức giả mạo — điều mà nhiều người ở cánh hữu coi như một thuật ngữ đa nghĩa gián tiếp nhằm mục đích lên án và vô hiệu hóa việc kiếm tiền các hãng thông tấn thuộc phái bảo tồn truyền thống — bị cấm xuất bản nội dung trên các nền tảng công nghệ.
Về mặt kỹ thuật, dự luật trên bảo đảm rằng điều này sẽ không xảy ra.
Theo những điều khoản của dự luật, liên minh các hãng thông tấn kết hợp với nhau để thương lượng chung không thể loại bỏ các hãng thông tấn ra khỏi liên minh này với lý do “[liên quan] đến quy mô của một nhà cung cấp báo chí kỹ thuật số đủ điều kiện hoặc quan điểm được thể hiện bởi nội dung của nó.” Nói cách khác, liên minh này không thể loại trừ các thành viên ra khỏi bàn đàm phán vì họ bị coi là quá nhỏ hoặc vì niềm tin được bộc lộ của họ nằm ngoài xu hướng chính trị.
Nhưng các nhà phê bình nói rằng các lý do được phép loại trừ một hãng thông tấn — bao gồm “mức độ đáng tin cậy” của hãng thông tấn đó, “chủ nghĩa cực đoan,” “thông tin sai lệch,” “phát ngôn thù địch,” “âm mưu,” “chuyên môn,” “tính thẩm quyền,” và những thứ khác — có thể cho phép các tập đoàn truyền thông cấm các hãng thông tấn mới hơn hoặc phi chính thống khỏi các cuộc đàm phán, dựa trên bản chất tương đối chủ quan của các tiêu chí đó.
Phê bình từ Đảng Cộng Hòa
Trong số những người chỉ trích đạo luật này là Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), người đã khuyến khích Đảng Cộng Hòa phản đối biện pháp này và gọi nó là “sự đối lập của chủ nghĩa bảo tồn truyền thống.”
Ông McCarthy nói với Breitbart News: “Những nỗ lực của các đại công ty truyền thông và Đảng Dân Chủ trong Quốc hội nhằm thông đồng và độc quyền hóa các mô hình kinh tế gây ra một mối đe dọa to lớn đối với tự do ngôn luận và tự do báo chí.”
“Chưa bao giờ cơ hội lại rộng mở đối với các hãng thông tấn khởi nghiệp như hiện nay. Người Mỹ hiện có nhiều lựa chọn hơn để có thông tin và đưa ra quyết định cho cộng đồng và các nhà lãnh đạo được bầu chọn của họ. Điều đó làm cho nền Dân chủ mạnh mẽ hơn và tạo ra một lớp doanh nhân hoàn toàn mới cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm. Như chúng ta đã chứng kiến trong các ngành công nghiệp khác, những kẻ phá bĩnh khiến các hãng thông tấn đại chúng cảm thấy khó chịu và những hãng thông tấn đại chúng đó thường sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để nắm giữ thị phần và quyền lực của họ.
“Đây là sự đối lập của chủ nghĩa bảo tồn truyền thống, và những người thuộc phái bảo tồn truyền thống trong Hạ viện sẽ đấu tranh cho một thị trường cởi mở và tự do — đặc biệt là một thị trường thúc đẩy tự do ngôn luận và tự do báo chí.”
Đạo luật này, đã được đưa ra lần đầu tiên bởi Đảng Dân Chủ ở cả hai viện vào mùa xuân năm 2021, được ấn định cho việc thực hiện những thay đổi cuối cùng của dự luật này tại Tiểu ban Tư pháp Thượng viện về Chính sách Cạnh tranh, Chống độc quyền, và Các quyền của Người tiêu dùng hôm 07/09.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times