Dự luật ‘công bằng môi trường’ thúc đẩy chuyển đổi căn bản trong chính phủ liên bang Mỹ
Trong bài diễn văn liên bang năm 2022, Tổng thống (TT) Joe Biden đã công bố Sáng kiến Justice40, một chương trình nhằm “chuyển đổi” các chương trình liên bang và thúc đẩy “công bằng môi trường.”
Hôm 16/08, TT Biden đã khai triển nghị trình đó bằng cách ký Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) năm 2022 thành luật mà trong số điều khoản, có dành 60 tỷ USD cho “công bằng môi trường.”
Đáng chú ý, tổ chức Quỹ Phòng vệ Môi trường (EDF) đã nêu rõ về quỹ 60 tỷ USD này rằng, “Quốc hội đã làm nên lịch sử với Đạo luật Không khí Sạch (Clean Air Act) bằng cách trao cho những người chịu rủi ro cao nhất do biến đổi khí hậu và các dạng ô nhiễm không khí khác đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển các giải pháp.”
Ngoài ra, EDF nêu rõ rằng nhờ thông qua IRA, các nhà hoạch định chính sách không còn có thể cản đường hoặc cho rằng Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) thiếu thẩm quyền để thực hiện nghị trình của mình.
“Luật mới có một bước tiến trong việc giải quyết những trở ngại này đối với sự tiến bộ, cung cấp cho EPA thẩm quyền mới, các nguồn lực mới và các khoản đầu tư do cộng đồng lãnh đạo để thúc đẩy công bằng về môi trường và khí hậu.”
Thật vậy, trước khi IRA được thông qua, EPA đã thông báo rằng “công bằng môi trường” sẽ là ưu tiên của EPA. Tuy nhiên, hồi tháng Sáu, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết hạn chế kế hoạch của EPA.
Hiện nay, EPA đã có hiệu lực và có sự ủy quyền rõ ràng từ Quốc hội.
Công bằng môi trường
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng “công bằng môi trường” là một trong những ưu tiên lớn nhất của ông, và khi nhậm chức, ông đã thể hiện rằng ông muốn điều đó.
Cụ thể, theo ông Biden, “công bằng môi trường” là bảo đảm các cộng đồng thiểu số và bị thiệt thòi không “chịu gánh nặng của ô nhiễm độc hại” hoặc bị bất bình đẳng do “biến đổi khí hậu” mà thay vào đó được tiếp cận công bằng với “cơ sở hạ tầng” và “các dịch vụ quan trọng.”
Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông Biden đã ban hành một sắc lệnh để giải quyết “công bằng sắc tộc và hỗ trợ cho các cộng đồng thiếu thốn thông qua chính phủ liên bang.”
Điều quan trọng là, sắc lệnh này quy định rằng mọi cơ quan liên bang cần phải công nhận và khắc phục “sự bất bình đẳng trong chính sách của họ” và làm việc để loại bỏ các rào cản đối với “cơ hội bình đẳng.”
Sắc lệnh nêu rõ thêm rằng, “Đất nước của chúng ta cùng một lúc phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng về kinh tế, y tế, và khí hậu, vốn đã làm bộc lộ và khiến tình trạng không công bằng thêm nghiêm trọng, mặc dù một phong trào mang tính lịch sử đòi công lý đã gây chú ý đến những cái giá về nhân mạng không thể chịu đựng được của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.”
TT Biden còn ban hành sắc lệnh E.O. 14008, trong đó tuyên bố rằng “cuộc khủng hoảng khí hậu” là trọng tâm của chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ông Biden nói rằng sắc lệnh đó đã thiết lập “nghị trình về công bằng môi trường tham vọng nhất từng được chính phủ liên bang thực hiện.”
Kể từ khi ban hành sắc lệnh này, chính phủ TT Biden đã làm việc để “đưa các nguyên tắc, chính sách, và phương pháp tiếp cận công bằng vào khắp Chính phủ Liên bang,” và như một phần của sự thúc đẩy của họ, đã thiết lập một số sáng kiến mới.
Các sáng kiến đó bao gồm: Hội đồng Liên ngành về Công bằng Môi trường của Tòa Bạch Ốc — một cơ quan liên chính phủ có nhiệm vụ thúc đẩy công bằng môi trường, Hội đồng Cố vấn Công bằng Môi trường của Tòa Bạch Ốc — một ủy ban cố vấn có nhiệm vụ tìm cách tăng cường những nỗ lực của Chính phủ Liên bang về công bằng môi trường, và Sáng kiến Justice40 — đã thiết lập mục tiêu 40% trong số một số phúc lợi liên bang nhất định dành cho “các cộng đồng bị thiệt thòi vốn bị đẩy vào rìa xã hội, bị thiếu thốn và quá tải do tình trạng ô nhiễm.”
Ngoài ra, TT Biden đã ủy thác phát triển một “công cụ sàng lọc công bằng kinh tế” và một “thẻ điểm công bằng môi trường,” được thiết kế để giúp thúc đẩy công bằng trong toàn chính phủ liên bang.
Cuối cùng, chính phủ TT Biden giao nhiệm vụ cho EPA phát triển một kế hoạch chiến lược để giải quyết “biến đổi khí hậu và một mục tiêu chưa từng có để thúc đẩy công bằng môi trường và quyền công dân.”
Như đã trình bày ở trên, chính phủ TT Biden đã tích cực theo đuổi các mục tiêu khí hậu công bằng môi trường bằng cách thiết lập nhiều sáng kiến và chính sách.
Tuy nhiên, phán quyết hồi tháng Sáu của Tối cao Pháp viên trong án lệ West Virginia kiện Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã xác định rằng Quốc hội phải đưa ra chỉ thị rõ ràng nếu muốn một cơ quan liên bang, như EPA, có quyền “chuyển đổi.”
IRA đã làm chính xác điều đó.
Thật vậy, mặc dù dự luật được gọi là “Đạo luật Giảm Lạm Phát”, các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện thừa nhận rằng đó là “khoản đầu tư vào khí hậu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cho đến nay.”
Hơn nữa, các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện tuyên bố rằng trong quá trình xây dựng dự luật này, họ đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo công bằng môi trường trên toàn quốc, và kết quả là hơn 60 tỷ USD được dành cho các ưu tiên về công bằng môi trường.
Cụ thể, IRA dành cho “công bằng môi trường,” 11 tỷ USD dành cho “việc dọn dẹp,” 3 tỷ USD dành cho Các Khoản tài trợ dành cho Khối Công bằng Môi trường và Khí hậu, 3 tỷ USD dành cho việc tiếp cận khu vực lân cận và tài trợ vốn cổ phần, 3 tỷ USD để lắp đặt thiết bị và kỹ nghệ không phát thải tại các cảng, 1 tỷ USD để làm sạch các loại xe cộ hạng nặng, 236 triệu USD để theo dõi các vấn đề chất lượng không khí liên tục, và 1.5 tỷ USD để trồng cây.
Ngoài ra, đạo luật này còn bao gồm các khoản phân bổ cho Quỹ Giảm thiểu Khí Nhà kính của EPA. Quỹ này sẽ giúp các cộng đồng bị thiệt thòi giảm phát thải khí nhà kính và các dạng ô nhiễm khác.
Ví dụ, 7 tỷ USD dành cho kỹ nghệ như quang năng và 8 tỷ USD dành cho “đầu tư mở rộng.”
Đặc biệt, Quỹ Giảm thiểu Khí Nhà kính sẽ thuộc Đạo luật Không khí Sạch và là cách mà Quốc hội trao quyền cho EPA để thực hiện cải tổ công bằng môi trường, phù hợp với nghị trình của ông Biden.