Các biện pháp trừng phạt, chính sách khí hậu, ESG, và sự phụ thuộc về năng lượng
Nỗ lực mới nhất của Tổng thống Biden để áp đặt hàng rào với nền kinh tế Nga và gây áp lực lên chế độ của Tổng thống Vladimir Putin được đưa ra dưới hình thức sắc lệnh hành pháp 14066, chặn nhập cảng toàn bộ dầu thô của Nga, dầu mỏ, nhiên liệu dầu mỏ, các dẫn xuất từ dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng, than, và các sản phẩm từ than. Vào năm 2021, Hoa Kỳ đã mua khoảng 670,000 thùng xăng dầu mỗi ngày từ Liên bang Nga, chiếm 8% tổng lượng xăng dầu nhập cảng của chúng ta.
Giải pháp ngắn hạn của Tòa Bạch Ốc đối với sự thiếu hụt sắp xảy ra và giá khí đốt cao nhất trong lịch sử nước Mỹ có hai hướng. Đầu tiên, ông Biden có kế hoạch xuất kho 30 triệu thùng từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Hoa Kỳ. Tiêu thụ xăng dầu của Mỹ đạt khoảng 20 triệu thùng/ngày vào năm 2021; việc xuất kho như vậy – trong điều kiện hoàn hảo – sẽ duy trì được nhu cầu tiêu thụ này trong tổng cộng có 1.5 ngày.
Để bù đắp phần còn lại, ông Biden đã bắt đầu đàm phán với Venezuela, Iran, và Saudi Arabia. Iran và Venezuela hiện đang chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Hoa Kỳ, những lệnh trừng phạt này sẽ được dỡ bỏ một phần để tạo điều kiện cho một thỏa thuận năng lượng tiềm năng.
Bỏ qua hồ sơ ấn tượng của các chính quyền này về tài trợ khủng bố, hành quyết nhà báo, và các hành động tàn bạo về nhân quyền, thỏa thuận này sẽ trực tiếp làm mạnh các quốc gia vốn rõ ràng là đối thủ hoàn toàn đối với các lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ. Hơn nữa, Venezuela và Iran là đồng minh lâu năm của Moscow, và đã củng cố rất nhiều mối quan hệ của họ với Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây.
Có gì ngăn được Venezuela và Iran mua dầu của Nga sau khi các lệnh trừng phạt của họ được dỡ bỏ, và sau đó bán dầu ấy cho Hoa Kỳ với giá cao hơn? Chẳng gì bằng được việc xoay ra được lợi nhuận bằng chi phí phải trả của Hoa Kỳ, mà số tiền này từ đó có thể được sử dụng để tài trợ cho Hezbollah.
Tất cả các bên, trừ Hoa Kỳ đều thắng từ thỏa thuận đó – bao gồm cả Nga; Moscow chỉ đơn giản là có thể chuyển xuất cảng dầu của mình cho các đồng minh. Như ông Jim Carafano của Quỹ Di sản gần đây đã viết, “Nếu quý vị đang kinh doanh với những người bạn của Nga, thì quý vị đang giúp đỡ những người Nga. Đơn giản vậy đó.”
Cũng như sự thay đổi này từ ông Putin sang lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei hoặc Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cho thấy là phản tác dụng, việc kinh doanh với các chính quyền này cũng không có khả năng giảm đáng kể được chi phí về năng lượng trong nước của chúng ta. Các thiệt hại này đã diễn ra rồi.
Khi ông Biden nhậm chức, giá khí đốt ở mức xấp xỉ 2.48 USD. Vào ngày đầu tiên làm việc tại bàn của tổng thống, ông Biden đã ký lệnh điều hành 13990, hủy bỏ đường ống Keystone XL. Keystone XL lẽ ra đã có thể cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở Texas 800,000 thùng dầu thô từ Canada mỗi ngày.
Hơn nữa, ông Biden đã chặn các công ty dầu khí trong việc thuê bất động sản mới trên đất của liên bang, làm tăng đáng kể các quy định trong toàn ngành, và hạn chế việc khoan dầu mới trên các khu đất lớn thuộc tài sản liên bang, bao gồm cả Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực.
Giá xăng hiện tại của chúng ta là 4.33 USD cho thấy mức tăng 74.6% chỉ trong 14 tháng, tương quan chặt chẽ với tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ những năm 1970. Như trường hợp trong lạm phát đình trệ những năm 1970, năng lượng đã là yếu tố thúc đẩy chính với tỷ lệ lạm phát chung.
Nếu ông Biden thực sự muốn giảm giá năng lượng, thì việc đảo ngược các chính sách sai lầm của mình là nơi ông ta nên bắt đầu. Tuy nhiên, cũng gây thiệt hại về mặt kinh tế như những cú sốc về giá ngắn hạn nói trên, việc ông Biden thích ứng với phong trào khí hậu quốc tế mang lại những tác động tiêu cực tương tự trong dài hạn đối với sự phụ thuộc về năng lượng của chúng ta.
Nghị trình bao quát về môi trường của ông Biden là cắt giảm một nửa lượng phát thải khí nhà kính của Hoa Kỳ vào năm 2030, và đạt được các mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các biện pháp điều hành do chính phủ ông Biden thực hiện nói trên là một trong những cơ chế chính để đạt được những mục tiêu này.
Việc cho điểm về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) là một cơ chế khác. Những điểm số này về cơ bản là một khuôn khổ tín dụng xã hội cho báo cáo phát triển bền vững của một công ty. Hồ sơ rủi ro của một công ty được xác định một cách chủ quan bằng cách kết hợp cả khía cạnh tài chính và phi tài chính vào một điểm số tổng thể, để sau đó xác định liệu công ty đó có phải là mục tiêu hấp dẫn để đầu tư hay không.
Chính phủ của ông Biden đã làm việc với giới tinh hoa tài chính toàn cầu, các đại công ty ở Wall Street và các tổ chức quốc tế để thể chế hóa ESG trong cơ sở hạ tầng kinh tế của chúng ta. Do ảnh hưởng và đòn bẩy kết hợp của mạng lưới này, 98% công ty Hoa Kỳ hiện giờ báo cáo các chỉ số ESG.
Một trong những mục tiêu chính của ESG chắc chắn là ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của Hoa Kỳ. Mục tiêu năng lượng xanh tràn ngập các chỉ số ESG. Một hệ thống nổi trội có 16 chỉ số liên quan đến các chủ đề khí hậu, bao gồm Tác động của Ô nhiễm Không khí, Sử dụng Đất và độ Nhạy cảm với Hệ sinh thái, Mục tiêu Phát thải khí nhà kính liên kết tại Paris, và Tổng lượng Phát thải Khí nhà kính.
Vì vậy, nếu một công ty năng lượng truyền thống có điểm ESG thấp, công ty này sẽ không được coi là mục tiêu hấp dẫn để đầu tư.
Chúng ta hãy xem xét vòng tuần hoàn đầy đủ này trong bối cảnh sự phụ thuộc về [năng lượng] dầu mỏ.
Dưới thời chính phủ của ông Trump, Hoa Kỳ đã trải qua một thời kỳ phục hưng năng lượng không chỉ dựa trên việc gia tăng các quy định về khoan và nới lỏng, mà còn cả những đổi mới chưa từng có trong công nghệ khoan, đặc biệt là cắt phá thủy lực.
Công nghệ cắt phá thủy lực (fracking) cho phép chúng ta tiếp cận với các mỏ dầu thô mới rộng lớn. Tuy nhiên, dầu thô không phải là một sản phẩm đồng nhất, thường khác nhau ở tỷ trọng và hàm lượng lưu huỳnh. Hầu hết các mỏ mới có thể tiếp cận của Hoa Kỳ đều cho dầu thô “nhẹ” và “ngọt”, trong khi các nước như Canada, Venezuela, Nga, và Iran sản xuất các loại dầu nặng hơn.
Vấn đề là hầu hết các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ được thiết kế để chế biến dầu thô nặng. Đây là lý do tại sao chúng ta vẫn phụ thuộc [về năng lượng] của các nguồn nước ngoài – những đặc điểm của nhà máy lọc dầu này đã làm cho việc nhập cảng dầu thô nặng và xuất cảng dầu thô nhẹ mà chúng ta sản xuất một cách tự nhiên trở nên hiệu quả hơn về mặt kinh tế.
Một giải pháp hợp lý sẽ dẫn đến sự độc lập về năng lượng lâu dài của Hoa Kỳ là chuyển mục đích sử dụng lại một số nhà máy lọc dầu của chúng ta để chế biến dầu thô nhẹ, bất chấp chi phí ngắn hạn ban đầu của nó. Chúng ta có thể vừa duy trì nhu cầu trong nước, vừa có thể xuất siêu để thu lợi nhuận.
Tuy nhiên – các chính sách của ông Biden hạn chế khả năng của các công ty năng lượng trong việc khai thác các nguồn tài nguyên trong nước của chúng ta, điều này cũng làm nản các công ty đại tu các nhà máy lọc dầu của họ. Tại sao phải thay đổi nhà máy lọc dầu nếu không có nhiều thặng dư để lọc dầu?
Song song với đó, hệ thống ESG không khuyến khích các nhà đầu tư đưa [vốn] vào các công ty năng lượng, nơi có thể sử dụng các khoản tiền đó để tài trợ cho nghiên cứu và phát triển nhằm tối ưu hóa các công nghệ hiện có, đổi mới, và hiện đại các nhà máy lọc dầu.
Nếu chúng ta mong muốn thống trị thực sự về năng lượng— chưa kể đến ưu thế kinh tế, giá thấp hơn, mức sống cao hơn, và an ninh quốc gia được nâng cao – thì có một giải pháp đơn giản: Cho phép các công ty năng lượng hoạt động trên thị trường tự do, theo quy luật cung và cầu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Jack McPherrin là biên tập viên nghiên cứu tại Viện Heartland.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: