Dự báo tương lai: Dòng văn học Dystopian tiết lộ thảm họa của con người
Dòng văn học Dystopian (tiếng Hy Lạp) là thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, thường viết về những cảnh mất nhân tính và đáng sợ trong tương lai. Các tác giả được ví như những nhà tiên tri đã cảnh báo những thảm họa có thể xảy ra nếu nhân loại vẫn trôi theo cách sống như hiện nay. Họ khuyên chúng ta nên luôn tỉnh thức và dùng lý trí suy xét.
Khi học trung học hay đại học, nhiều người trong chúng ta đã hồn nhiên đọc các cuốn tiểu thuyết như “Trại Gia Súc” và “1984” của George Orwell, “Alas, Babylon” của Pat Frank, “Trường ca Leibowitz” của Walter Miller, và “Tân Thế giới Can trường” của Aldous Huxley. Qua những chủ đề như hậu quả tiềm tàng của chiến tranh hạt nhân, sự độc hại của chủ nghĩa cộng sản, sự mê hoặc của chủ nghĩa khoái lạc, các tác giả hy vọng nhân loại sẽ chú ý đến “lá cờ đỏ” mà họ đã phất lên để cảnh báo.
Dưới đây là năm lời “báo động đỏ” rất đáng được lưu tâm.
Hãy coi chừng giáo dục
Tác phẩm “Câu chuyện của những đứa trẻ” của James Clavell – tác giả của các cuốn sách bán chạy nhất như “Gai-Jin và Shogun” – đã viết về một “giáo viên mới” vừa tiếp nhận một lớp tiểu học ở Mỹ. Trong vòng chưa đầy một giờ, người giáo viên vốn là công cụ của một chế độ toàn trị, đã dạy cho lũ trẻ việc tôn thờ nhà lãnh đạo mới của đất nước chúng, bảo chúng cắt cờ Mỹ, dạy chúng rằng cầu nguyện không có giá trị gì, và thuyết phục chúng rằng cha mẹ chúng có “tư tưởng sai lầm”.
Clavell đã viết truyện này khi thấy cô con gái nhỏ của mình đã đọc thuộc lòng “Lời hứa trung thành” mà hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của nó. Tác phẩm “Câu chuyện của những đứa trẻ” đã được ra đời ngay hôm đó.
Ở phần cuối cuốn sách, Clavell đã kể: “Đó là lúc tôi nhận ra rằng tâm trí của con gái tôi đã mong manh và dễ bị tiêm nhiễm đến mức nào trong hoàn cảnh bị kiểm soát”.
“Thường khi viết sách tôi phải viết đi viết lại, nhưng câu chuyện này đã nhanh chóng được hoàn thành bởi tôi chỉ đơn giản là kể lại chính nó. Chỉ có ba từ phải chỉnh sửa. Điều khiến tôi hài lòng là câu chuyện đã khiến tôi không ngừng tự hỏi… Hỏi rằng câu: “Tôi tuyên thệ trung thành” có tác dụng gì khi không hiểu nó? Hoặc rằng: Tại sao lèo lái và khắc họa lên tư tưởng người khác lại dễ dàng như vậy? Hoặc như Tự do là gì và vì sao quá khó để giải thích?”.
Ở trang bìa sau của quyển “Câu chuyện của những đứa trẻ” ông viết: “Tác phẩm này đã đặt ra rất nhiều câu hỏi mà tôi không trả lời nổi”.
Mặc dù có thể đọc xong chỉ trong vài phút, nhưng truyện ngắn này của Clavell có thể gióng lên hồi chuông mạnh mẽ làm thức tỉnh các bậc phụ huynh: Những gì được truyền dạy trong lớp học có thể khắc sâu vào tâm trí trẻ thơ.
Giá trị của sách
Trong cuốn “451 độ Fahrenheit” của Ray Bradbury, công việc của người lính cứu hoả Guy Montag không phải dập lửa mà là đốt sách. Bối cảnh câu chuyện được đặt trong một xã hội mà mọi người đều tiêu khiển qua các chương trình truyền hình. Nhà cầm quyền xem sách như thứ nguy hiểm, có thể làm rối loạn tâm trí con người. Sau cuộc trò chuyện với một thiếu niên nổi loạn tên Clarisse, Montag bắt đầu bí mật thu thập sách. Khi bị phát hiện, anh đã chạy trốn khỏi thành phố và tìm đường gia nhập vào nhóm trí thức lưu vong, những người nuôi hy vọng xây dựng lại nền văn minh.
Bradbury từng nói: “Bạn không cần phải đốt sách để hủy đi một nền văn hoá; chỉ cần khiến mọi người không đọc sách nữa thôi”. Khi chúng ta loại một số sách ra khỏi danh sách cần đọc ở chương trình trung và đại học, đặc biệt là loại sách kinh điển của văn hóa Tây phương, chúng ta đã không chỉ tiêu hủy sách mà còn đốt cả di sản văn minh của chính mình. Tác phẩm “451 độ Fahrenheit” là một lời cảnh tỉnh thúc giục chúng ta phải đọc và trân trọng di sản đó.
Trân quý sự sống
Viễn cảnh xảy ra vào năm 2021 khi nhân loại mất hoàn toàn khả năng sinh sản. Cuộc khủng hoảng toàn cầu này dường như không cách nào giải quyết được; các quốc gia rơi vào hỗn loạn, và các nền dân chủ rơi vào tay các nhà độc tài.
Trong tác phẩm “Những đứa con của loài người” của P.D James, độc giả sẽ dõi theo nhân vật Theodore Faron, người anh họ của Warden of England (tương tự như Thủ Tướng bây giờ). Theo đã chiến đấu với các băng đảng và những kẻ áp bức chính phủ cũng như lương tâm của chính mình. Sau nhiều khổ ải và thử thách, Theo đã tham gia kháng chiến và cố gắng bảo vệ một phụ nữ trẻ, người có thể mang thai một cách diệu kỳ.
“Những đứa con của loài người” đem đến cho độc giả rất nhiều thông điệp: sự ngạo mạn, ngu xuẩn, và bạo lực của người Omegas, những người sinh năm 1995. Đó là năm cuối cùng mà nhân loại còn chứng kiến được sự ra đời của trẻ thơ, sự tàn bạo của các chính phủ độc tài toàn trị, sự biến động khi nỗi sợ hãi và tuyệt vọng bùng phát”
Điều ấn tượng nhất trong truyện này chính là thông điệp về sự quý giá của sinh mệnh. Ngày nay, chỉ vài nước Tây phương trong đó có Hoa Kỳ là có số trẻ sơ sinh đủ để giữ vững dân số. Tình trạng già hóa của những quốc gia khác không phải do khủng hoảng vô sinh, mà bởi sự lựa chọn. Trong tác phẩm “Những đứa con của loài người”, tác giả nhắc nhở chúng ta việc sinh nở là món quà thiêng liêng và cuộc sống là trân quý.
Hiểm hoạ từ những chiếc máy
Được xuất bản lần đầu năm 1909, câu chuyện “Chiếc máy không hoạt động” của E. M. Foster đưa chúng ta trở lại nước Anh với bối cảnh nhân loại tương lai sinh sống trong lòng trái đất; mỗi người đều sống đơn độc trong một căn phòng nhỏ như tổ ong. Vashti là nhân vật chính, người rất yêu thích chiếc máy có thể sản xuất ra mọi thứ – nước, thức ăn, không khí và tất cả những gì cô cần và những gì cô yêu thích – và cho phép cô giao tiếp với bạn bè và dạy nhạc thông qua tính năng giống như máy tính của chúng ta.
Con trai của Vashti là Kuno được nuôi dưỡng như những đứa trẻ khác trong một nhà trẻ công lập và sau đó tới trường; cậu yêu cầu được trực tiếp gặp mẹ. Khi cô đồng ý, Kuno thông báo rằng cậu đã phạm luật bởi đã lên thăm mặt đất mà không có giấy phép. Sự vi phạm này có thể khiến cậu bị trục xuất khỏi chiếc Máy.
Không lâu sau có hai sự việc xảy ra. Tất cả các chuyến viếng thăm thế giới bên ngoài đều ngừng lại, và nhân loại bắt đầu thờ phụng chiếc Máy như vị thần thay vì xem nó như một sản phẩm do con người tạo ra. Họ nói rằng: “Cỗ Máy cho chúng tôi thức ăn, quần áo, nhà cửa; nhờ chiếc máy mà chúng tôi nói chuyện được với nhau, nhờ chiếc máy mà chúng tôi nhìn thấy nhau, ở trong chiếc máy chúng tôi có chính mình. Cỗ Máy là bạn của mọi ý tưởng và là kẻ thù của sự mê tín: Máy là toàn năng, là vĩnh cửu; Máy ban phước lành”. Sau đó không bao lâu, những lời ca tụng này đã được in trên trang đầu của cuốn Sách, và trong ấn bản tiếp theo, nghi thức này trở nên có hệ thống hơn với những bài ca tôn vinh và lời cầu nguyện. Từ “tôn giáo” đã được tránh né một cách khéo léo, và về lý thuyết chiếc Máy vẫn là sản phẩm của con người và phục vụ cho con người; nhưng trên thực tế, nó đã được tôn sùng như thần thánh”.
Câu chuyện khác thường của Forster có vài kẽ hở – sự thay đổi về thời gian – dự đoán đã không xảy ra ở thời hiện tại mà xảy ra sau cả thế kỷ. “Chiếc máy dừng hoạt động” nhắc nhở chúng ta sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, đặc biệt là các thiết bị điện tử cá nhân. Hầu hết chúng ta cảm thấy biết ơn vì sự tiện dụng của máy tính, mạng Facebook, điện thoại thông minh, nhưng những thiết bị này đã khiến chúng ta thiếu đi sự giao tiếp giữa con người, và từ đó nhân loại dần biến mất.
Sự quan trọng của cộng đồng
Truyện “Một giây sau” của William Forstchen lại khai thác chủ đề cuộc sống ở Black Mountain, một thị trấn nhỏ phía Tây của tiểu bang North Carolina sau một cuộc tấn công hạt nhân sử dụng xung điện từ. Chỉ sau một giây, toàn bộ máy móc bị tê liệt, từ xe hơi cho đến máy tính, và đã đưa Hoa Kỳ trở về điều kiện sinh hoạt thời thế kỷ 19.
Sau thảm hoạ này, John Matherson, một cựu chiến binh và cũng là một giáo sư đại học, đã giúp tổ chức lại sinh hoạt cho người dân trong thị trấn. Họ phối hợp với nhau để tạo nên hệ thống phân phối lương thực, làm những gì tốt nhất để chăm sóc y tế cho người già và người bệnh, và thành lập đội dân quân để bảo vệ an ninh cho làng xóm phố phường.
“Một giây sau” nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và hàng xóm, những người đã quen biết và tin tưởng nhau. Phần lớn những vụ bạo loạn xảy ra ở các thành phố lớn đều có nguyên nhân mơ hồ và không có sự liên hệ nào giữa người ném đá và người có cửa sổ bị ném vỡ. Trong thị trấn Black Mountain của Forstchen, nếu một đứa trẻ nổi loạn ném gạch vào cửa sổ nhà thuốc, thì bà cậu ta sẽ tóm cổ cậu lôi đến đồn cảnh sát.
Trong giai đoạn loạn lạc, sự kết nối trong xóm láng giềng rất cần thiết và hữu ích.
Hồng xu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times