Dự án dầu Sakhalin của Nga tiếp tục xuất cảng sang Nam Hàn
Theo Bloomberg, dự án dầu khí Sakhalin-1 ở vùng Viễn Đông của Nga dường như đã hoạt động trở lại sau 5 tháng tạm ngừng do công ty Exxon của Hoa Kỳ rút lui, khi tàu chở dầu đầu tiên Sokol của Nga rời bến De Kastri đến Nam Hàn hôm 30/10.
Hoạt động sản xuất tại dự án Sakhalin-1 trước đó đã bị tạm dừng sau khi hồi tháng Tư Tập đoàn năng lượng Hoa Kỳ Exxon Mobil tuyên bố tình trạng bất khả kháng (một điều khoản trong hợp đồng quy định cả hai bên đều không phải chịu trách nhiệm liên quan đến một sự kiện bất thường) do các lệnh trừng phạt quốc tế áp dụng đối với Nga vì xâm lược Ukraine.
Hôm 04/08, công ty dầu khí quốc doanh Rosneft của Nga cho biết tàu chở dầu cuối cùng rời cảng De Kastri vào ngày 06/05 và hoạt động sản xuất dầu tại dự án Sakhalin-1 gần như ngừng hoạt động kể từ ngày 15/05.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh hôm 07/10 cho phép chính phủ quyết định liệu các cổ đông ngoại quốc có thể giữ lại cổ phần của họ trong dự án này hay không.
Sau đó Exxon đã thông báo hôm 17/10, rằng họ đã hoàn toàn rời khỏi Nga vì chính phủ đã “đơn phương chấm dứt” lợi ích của họ trong dự án và chuyển giao dự án cho một nhà điều hành của Nga.
Dự án Sakhalin-1 sản xuất dầu thô Sokol ở vùng Viễn Đông của Nga, xuất cảng khoảng 273,000 thùng mỗi ngày, chủ yếu sang Nam Hàn và các điểm đến khác, trong đó có Nhật Bản, Úc, Thái Lan và Hoa Kỳ.
Nhật Bản giữ cổ phần ở Sakhalin-1
Chính phủ Nhật Bản cho biết hôm thứ Ba (01/11) rằng họ sẽ giữ lại cổ phần của mình trong dự án Sakhalin-1 và kêu gọi các tập đoàn Nhật Bản hợp tác với công ty mới này của Nga, vì vai trò quan trọng của dự án này đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản.
Tập đoàn Nhật Bản sở hữu 30% cổ phần của dự án Sakhalin-1. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Yasutoshi Nishimura nói rằng Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào dầu thô Trung Đông.
Có thể đoán trước hành động này vì ông Nishimura đã nhiều lần nói rằng dự án trên rất quan trọng đối với đất nước nghèo tài nguyên để đa dạng hóa các nguồn mua sắm, và vì các công ty Nhật Bản đã ở lại dự án dầu khí Sakhalin-2, cũng thuộc một nhà điều hành mới của Nga.
Các tập đoàn Nhật Bản Mitsui và Mitsubishi lần lượt nắm giữ 12,5% và 10,5% cổ phần trong dự án Sakhalin-2, trong khi Gazprom PJSC của Nga sở hữu 50%. Shell, công ty nắm giữ 27,5% cổ phần, đã rời khỏi dự án để đáp trả cuộc chiến ở Ukraine.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times