Đồng, một thước đo cho suy thoái tiếp tục giảm giá mạnh
Hôm 06/07, đồng giảm xuống dưới 7,500 USD/tấn do lo ngại ngày càng tăng về suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường kim loại công nghiệp, hạ giá so với mức cao kỷ lục một tháng trước.
Giá đồng đã giảm 7.1% trong tuần qua (27/06-03/07), theo một bài đăng trên Twitter từ Hedgeye, một công ty truyền thông nghiên cứu đầu tư và tài chính trực tuyến.
Đồng giảm 4.9% xuống 7,291.50 USD/tấn trên Sở Giao dịch Kim loại London (LMEX) — đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 sau khi phục hồi lên 7,552 USD/tấn vào lúc 12 giờ 43 phút chiều theo giờ mùa hè Anh Quốc (BST).
Khoáng sản này đã bị giảm 4.2% vào ngày hôm qua xuống dưới 8,000 USD/tấn, đạt mức đóng phiên giao dịch thấp nhất trong 19 tháng.
Trong khi đó, nhôm mất 0.7% giá trị, trong khi nickel giảm 2.2% và chì tăng 1.9%.
Đây là bước ngoặt lớn kể từ tháng Ba, khi Chỉ số LMEX của sáu kim loại chiến lược tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi Nga xâm lược Ukraine làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu và hàng hóa trên toàn cầu.
Quý gần nhất này chứng kiến kết quả tồi tệ hơn đối với kim loại kể từ cuộc Đại Suy Thoái năm 2008, với tháng hiện tại đem lại mức giảm nhẹ, vì nguy cơ suy thoái chi phối tâm lý thị trường.
Các nhà đầu tư đang lo lắng về những rung chuyển trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng nhiên liệu do lệnh trừng phạt của Nga ở Âu Châu, nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái, và việc phong tỏa nghiêm trọng do chính quyền trung ương gây ra ở Trung Quốc.
Các công ty hy vọng rằng Trung Quốc sẽ là nguồn cung cấp nhu cầu hàng hóa lớn, sau khi ĐCSTQ hứa sẽ khởi động lại tăng trưởng vào nửa cuối năm 2022.
Trong khi đó, ở Mỹ, cũng có những lo ngại ngày càng tăng rằng trong khi cố gắng kiềm chế lạm phát gia tăng, chính sách tăng lãi suất một cách mạnh mẽ nhưng chậm trễ của Cục Dự trữ Liên bang có thể gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng và kéo dài.
Nỗ lực kiềm chế nhu cầu của ngân hàng trung ương đã bắt đầu kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ.
Biên bản từ cuộc họp cuối cùng của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang hôm 14/06 được công bố vào sáng nay, cho thấy một hành động [tăng lãi suất thêm] 50 hoặc 75 điểm cơ bản khác trong tháng Bảy.
Biên bản nêu rõ: “Khi thảo luận về các hành động chính sách tiềm năng tại các cuộc họp sắp tới, những người tham gia tiếp tục dự đoán rằng những lần tăng đang diễn ra trong phạm vi mục tiêu đối với lãi suất quỹ liên bang sẽ phù hợp để đạt được các mục tiêu của Ủy ban.”
“Đặc biệt, những người tham gia đánh giá rằng mức tăng 50 hoặc 75 điểm cơ bản có thể sẽ phù hợp tại cuộc họp tiếp theo.”
Các thành viên ủy ban thừa nhận: “Những người tham gia công nhận rằng việc củng cố chính sách có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một thời gian, nhưng họ nhận thấy lạm phát quay trở lại 2% là yếu tố quan trọng để đạt được việc làm tối đa trên cơ sở bền vững.”
Các nhà phân tích hiện đang chuyển trọng tâm của họ từ lạm phát sang liệu có xảy ra suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ hay không, với khả năng suy thoái kinh tế hiện ở mức 38%, theo Bloomberg Economics.
Theo lời của ông Joe Terranova, chiến lược gia thị trường trưởng tại Virtus Investment Partners, nói với CNBC hôm 05/07, giá hàng hóa giảm là một dấu hiệu quan trọng cho thấy khả năng cao một cuộc suy thoái sẽ xảy ra ở Hoa Kỳ trong năm nay.
Ông tin rằng một cuộc suy thoái có khả năng xảy ra trong năm nay chứ không phải vào đầu năm 2023 như những người khác đã nhận định.
“Đối với chúng tôi, rõ ràng là cuộc trò chuyện về suy thoái không nên xoay quanh một cuộc suy thoái vào năm 2023,” ông Terranova nói. “Nó nên xoay quanh một cuộc suy thoái vào năm 2022 — nếu giờ chúng ta chưa đã đang ở trong một cuộc suy thoái rồi.”
Ông nói, các nhà đầu tư nên theo dõi giá dầu, giá đồng, giá gỗ xẻ, giá các mặt hàng nông nghiệp, và giá hàng hóa mềm, lưu ý rằng chúng là một dấu hiệu tiềm ẩn của suy thoái, vì sự sụt giảm lớn sẽ báo hiệu giá cả giảm phát.
Trong ba thập niên qua, trước mỗi cuộc suy thoái, giá đồng giảm là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế đang đến.
Ông Terranova cho biết: “Lịch đã chuyển sang tháng Bảy và thị trường không định giá dựa trên lạm phát, mà nó định giá dựa trên kỳ vọng suy thoái.”
Giá dầu giảm trong tháng Sáu, sau khi đạt mức cao nhất 120 USD/thùng vào tháng Ba và tháng Tư, với dầu Brent giảm 13% xuống 104 USD/thùng hôm nay, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 16% xuống chỉ hơn 100 USD/thùng.
Giá gỗ xẻ giao sau đã giảm ít nhất 27% trong ba tháng qua, do chi phí nhà ở và lãi suất thế chấp gia tăng đã hạn chế nhu cầu về vật liệu xây dựng.
Nếu lạm phát tiếp tục gia tăng và suy thoái kinh tế xảy ra, nhu cầu sẽ giảm nghiêm trọng.
Các nhà phân tích dự đoán các nhà đầu tư đổ xô đến đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ thị trường bất ổn, khiến áp lực nặng thêm.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với nền tảng chính trị và ngành luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.