Đông Bắc Trung Quốc: Cảnh báo tình trạng thiếu điện trầm trọng hơn trong khủng hoảng năng lượng
Tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc đã áp đặt hạn chế sử dụng điện vào thứ Hai (11/10), đánh dấu lần báo động thiếu điện thứ năm trong vòng hai tuần qua.
Các nhà chức trách tại Liêu Ninh đã đưa ra mức báo động cao thứ hai về tình trạng thiếu điện của tỉnh này, cảnh báo rằng mức thiếu hụt có thể lên tới 4.74 gigawatt (GW). Sở Thông tin và Công nghiệp tỉnh Liêu Ninh cho biết trong một thông báo rằng việc hạn chế sử dụng điện bắt đầu từ 6 giờ sáng theo giờ địa phương.
Lần mất điện mới đây nhất diễn ra chỉ hai ngày sau khi có cảnh báo trước đó khi lượng điện thiếu hụt lên tới 4.62 GW, hãng thông tấn được nhà nước hậu thuẫn Chinanews đưa tin.
Như một phần của hành động đó, các nhà chức trách cho biết họ đã quyết định tạm ngừng cung cấp điện cho ngành công nghiệp xi măng tiêu tốn nhiều năng lượng, ngoài ra điều này sẽ kéo dài trong ít nhất 15 ngày, một thông báo hôm 08/10 viết.
Tỉnh này cũng đưa ra cảnh báo cấp độ hai cho mỗi ngày trong ba ngày cuối cùng của tháng Chín, khi lượng điện cung cấp hàng ngày thiếu hụt lên tới 5.4 GW.
Cuộc khủng hoảng năng lượng điện ở Trung Quốc đã dẫn đến việc phân phối điện tại 16 trong số 31 tỉnh, từ trung tâm công nghiệp Quảng Đông ở phía nam cho đến tỉnh Liêu Ninh nằm trong “vành đai rỉ sét” phía đông bắc. Việc cắt điện lần đầu tiên xảy ra ở một số khu vực phía đông vào tháng Mười Hai năm ngoái, nhưng tần suất đã tăng lên nhanh chóng trong nhiều tháng qua.
Không có cảnh báo trước
Các quan chức ở Liêu Ninh được cho là đã thực hiện các biện pháp bắt buộc phân phối điện của mình mà không có cảnh báo trước, điều này đã gây ra sự gián đoạn cho cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu người dân. Cư dân giận dữ và lúng túng đã phàn nàn trên mạng xã hội về việc đèn giao thông bị tắt, tín hiệu mạng yếu và thiếu hệ thống sưởi.
Khi mùa đông đến gần, nhiệt độ xuống thấp ở miền bắc Trung Quốc làm trầm trọng thêm nhu cầu điện và gây căng thẳng hơn cho lưới điện. Các nhà chức trách đang tranh giành để tìm thêm nguồn than, vốn đang tạo ra hơn 70% điện năng tại khu vực này.
Vào cuối tháng Chín, các quan chức Liêu Ninh đã ký hợp đồng với tỉnh sản xuất than đứng đầu của Trung Quốc là Sơn Tây để bảo đảm nguồn cung cấp than cho quý IV. Tuy nhiên, trận mưa xối xả kéo dài một tuần đã buộc Sơn Tây phải đóng cửa 60 mỏ than tính đến ngày 08/10, làm dấy lên nghi ngờ về năng lực sản xuất than.
Vào hôm 10/10, Nội Mông, khu vực than lớn thứ hai của Trung Quốc, cho biết họ sẽ đẩy mạnh sản xuất và ưu tiên cung cấp than cho các nhà máy điện ở 18 tỉnh, bao gồm cả Liêu Ninh, truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.
Bài báo đề cập rằng thành phố Ordos, thủ phủ của tỉnh Nội Mông, đã hứa hẹn sẽ sản xuất hơn 100 triệu tấn than trong quý IV, trong đó hơn 2/3 sản lượng là để cung cấp cho các tỉnh khác.
Những nỗ lực gần đây nhấn mạnh những thách thức mà Bắc Kinh đang phải đối mặt khi họ phải cân bằng giữa nhu cầu về than với cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Hôm thứ Hai (11/10), Phó Thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng) cho biết Trung Quốc sẽ “kiểm soát chặt chẽ” các dự án phát điện bằng than và “hạn chế nghiêm ngặt” việc gia tăng tiêu thụ than trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 14 từ 2021-2025. Trung Quốc cũng đang giảm tiêu thụ theo từng giai đoạn trong kế hoạch 5 năm tới đây, ông Hàn cho biết thêm trong tuyên bố đưa ra sau khi các cuộc đàm phán về môi trường và khí hậu được tổ chức giữa Trung Quốc và Liên minh Âu Châu.
Các nhà phân tích cho hay các chính sách hạn chế của nhà cầm quyền này về tiêu thụ than và khí thải, gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, đã làm chậm lại sản lượng công nghiệp và tạo ra những rắc rối cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Việc cắt giảm điện của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng kinh tế, đè nặng lên tăng trưởng GDP cho năm 2022,” theo báo cáo của Moody’s Investors Service.
“Và rủi ro đối với dự báo GDP có thể lớn hơn khi gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng.”
Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: