[ĐỘC QUYỀN] Video bodycam mới về sự kiện ngày 06/01 cho thấy viên cảnh sát thủ đô tấn công người biểu tình bất tỉnh
Chuyên gia về sử dụng vũ lực cho biết viên sĩ quan Cảnh sát Thủ đô đã phạm trọng tội trong vụ tấn công cô Rosanne Boyland
Theo cảnh quay trích xuất từ video được quay bằng máy quay gắn trên người (bodycam) của một số sĩ quan cảnh sát mà The Epoch Times thu thập được, một sĩ quan Cảnh sát Thủ đô đã dùng một thanh gỗ lớn đánh vào thân thể và đầu của người biểu tình tên Rosanne Boyland ba lần khi cô đang nằm bất động trên mặt đất hôm 06/01/2021.
Khi xem lại đoạn phim chưa được công bố trước đó, chuyên gia về sử dụng vũ lực Stanley Kephart kết luận rằng ba đòn giáng toàn lực của sĩ quan Cảnh sát Thủ đô Lila Morris đã cấu thành một vụ tấn công trọng tội với ý định gây thương tích thân thể nặng nề.
Ông Kephart gọi việc sử dụng vũ lực của cô Morris là “không thể biện minh” và cuộc điều tra nội bộ về trường hợp tử vong của cô Boyland là một “sự che đậy rõ ràng và đầy thuyết phục.”
https://www.youtube.com/watch?v=5A9ruaAIV4M
“Tôi nghĩ rằng hành động đầu tiên xảy ra là một cuộc tấn công nhân danh luật pháp của cô Morris,” ông Kephart nói với The Epoch Times. “Đó là một tội ác, một hành vi phạm tội có thể bị bắt giữ.”
Các đoạn video cho thấy cảnh sát có mặt tại cửa đường hầm Lower West Terrace ở Điện Capitol Hoa Kỳ đã phớt lờ hàng chục lời khẩn cầu trợ giúp cô Boyland sau khi cô ngất đi.
Hơn 10 phút sau đó, khi cô Boyland được kéo vào bên trong tòa nhà trong trạng thái bất tỉnh, các sĩ quan cảnh sát khác và nhân viên Dịch vụ Y tế Khẩn cấp đã bắt đầu nỗ lực cứu người trong 50 phút nhưng cuối cùng vẫn thất bại.
Một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y độc lập được gia đình cô Boyland thuê cho rằng nguyên nhân tử vong của cô Boyland không phải do dùng quá liều thuốc kê theo toa Adderall – như giám định viên y tế thủ đô báo cáo – mà là bị ngạt thở do đè nén. Cô Boyland đã bị đè bẹp dưới một nhóm người khi cảnh sát xịt hơi cay vào những người biểu tình và ép họ rời khỏi đường hầm vào khoảng 4 giờ 20 phút chiều ngày 06/01.
‘Nhân danh luật pháp’
Theo đề nghị của The Epoch Times, ông Kephart, một nhân viên chấp pháp kỳ cựu có 42 năm kinh nghiệm và là cựu giám đốc an ninh của Thế vận hội Mùa Hè Los Angeles năm 1984, đã xem xét trường hợp của cô Boyland. Ông Kephart đã làm chứng hơn 350 lần về các chủ đề, trong đó có vũ lực quá mức, kỷ luật cảnh sát, an toàn cho sĩ quan, và kiểm soát đám đông.
Ông Kephart kết luận rằng việc sĩ quan Morris sử dụng vũ lực là một “cuộc tấn công nhân danh luật pháp” thuộc về trọng tội, với ý định gây thương tích thân thể nặng nề. Ông nói rằng cô Morris nên bị truy tố trước tòa án hình sự và bị sa thải khỏi lực lượng Cảnh sát Thủ đô.
“Tôi tin rằng ở đây có hai vấn đề chi phối. Một là sự tức giận với nạn nhân này,” ông Kephart nói, khi nhắc đến cô Boyland. “Cảm giác đó đã bị nỗi sợ hãi lấn át. Và hai yếu tố đó là mối liên hệ nhân quả giữa những gì mà viên chức này đã hành xử với nạn nhân và hậu quả [của hành vi đó].”
Cảnh sát tấn công cô Rosanne Boyland 3 lần
Ông Kephart lập luận rằng hình thức vũ lực được dùng để chống lại cô Boyland không đạt một chuẩn mực gồm bốn phần được đặt ra trong án lệ năm 1989 của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, vụ ông Graham kiện ông Connor. Bốn phần đó bao gồm: Liệu vũ lực có cần thiết và thích hợp trong tình huống đó hay không, mức độ thương tích, và “liệu vũ lực có được áp dụng một cách thiện chí để duy trì và khôi phục lại kỷ luật hay không, hay là áp dụng một cách ác ý và tàn bạo.”
Cảnh sát được huấn luyện không dùng vật cứng tấn công vào đầu người dân. Ông Kephart cho biết trong đường hầm West Terrace có một tình huống nào đó đã vi phạm bài học huấn luyện này.
Ông nói tiếp: “Nếu một sĩ quan lành nghề đang tức giận với những gì mà đám đông đang làm và đám đông nổi dậy và đặt anh ta vào một tình huống mà anh ta cảm thấy an toàn cá nhân của mình bị xâm phạm, thì nỗi sợ hãi bắt đầu xâm chiếm cơn giận dữ, và phản ứng theo phản xạ sẽ khiến anh ta quên ngay bài học huấn luyện.”
Cảnh sát trưởng Robert Contee thuộc Sở Cảnh sát Thủ đô đã không phúc đáp yêu cầu bình luận. Văn phòng thông tin của sở này cũng không hồi đáp tin nhắn được để lại.
Sau khi bài báo này được phát hành, phát ngôn viên của sở này, bà Alaina Gertz, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua thư điện tử: “Vấn đề liên quan đến Sĩ quan Morris trước đây đã được chúng tôi lưu ý và xem xét kỹ lưỡng. Việc xem xét này bao gồm cảnh quay được trích từ máy quay gắn trên người của cô ấy, và không chứng minh những cáo buộc mà quý vị đã nêu ra.”
Phản ứng với cuộc tấn công
Một người biểu tình được cho là đã sử dụng chính thanh gỗ đó để tấn công và đâm vào các sĩ quan cảnh sát tại bậc thang ở đường hầm đã bị buộc tội tấn công, chống cự, hoặc cản trở những sĩ quan này khi sử dụng một loại vũ khí nguy hiểm. Ông Jonathan Mellis đã bị buộc tội trong một bản cáo trạng gồm 10 tội danh hôm 10/03/2021. Ông đã không nhận tội. Ông Mellis đang bị giam trong tù chờ xét xử.
Cảnh sát làm ngơ trước những lời khẩn cầu trợ giúp
Đoạn video từ bodycam của cảnh sát cho thấy những người biểu tình cầu xin các sĩ quan hãy cứu mạng cô Boyland sau thời điểm cô ngất đi ở lối vào đường hầm. Những lời khẩn cầu ngày càng trở nên vô vọng hơn khi có vẻ như cô Boyland đang hấp hối. Điều đó đã gây ra một phản ứng dữ dội từ những người bạo động, họ đã tấn công phòng tuyến của cảnh sát bằng nắm đấm, cán cờ cầm tay, gậy, và chổi.
“Có người ở dưới!” anh Justin Winchell, bạn của cô Boyland, người đã cùng cô đến Hoa Thịnh Đốn hét lên vào ngày hôm đó. “Có người bị mắc kẹt ở dưới!”
Một người biểu tình ngay tại phòng tuyến của cảnh sát đang chảy máu vì bị đánh bằng dùi cui vào đầu đã chỉ vào cô Boyland và cầu xin trợ giúp. “Đỡ cô ấy dậy. Đỡ cô ấy dậy! Làm ơn đỡ cô ấy dậy,” người đàn ông này nài nỉ. “Cứu mạng cô ấy! Làm ơn hãy cứu mạng cô ấy!”
Một nam sĩ quan đã dùng dùi cui và ủng để đẩy năm người biểu tình đè lên người cô Boyland, đoạn video từ máy quay gắn trên người cảnh sát cho thấy. “Làm ơn giúp cô ấy đứng dậy! Cô ấy sẽ chết mất!” anh Winchell hét lên.
Có tiếng ho của một người phụ nữ khi một trận chiến nổ ra phía trên thân và xung quanh cô Boyland. Theo dòng thời gian do The Epoch Times khai thác từ đoạn video quay bằng bodycam của cảnh sát, cơn ho ngừng lại lúc 4 giờ 26 phút 04 giây chiều. Vài giây sau, đám đông lớn trên bậc thềm bắt đầu hô lớn, “Tôi không thể thở được! Tôi không thể thở được!”
“Chúa ơi! Cô ấy chết mất rồi! Cô ấy chết mất rồi! Rose!” anh Winchell đã gào khóc lúc 4 giờ 26 phút 52 giây chiều. “Rosanne! Tôi cần một ai đó! Cô ấy chết mất rồi!… Tôi cần một ai đó! Tôi cần một bác sĩ!”
Chỉ gần 4 giờ 28 phút chiều, người biểu tình Luke Coffee ở Dallas đã bước đến trước phòng tuyến của cảnh sát, giơ tay và hét lên, “Dừng lại!” Anh này bị xịt hơi cay vào mặt nhưng vẫn giữ nguyên vị trí.
Một kẻ bạo loạn đã ném một thanh gỗ lớn từ trong đám đông vào nữ sĩ quan Morris. Vào thời điểm đó, cô Morris đang ở trong đường hầm, nép mình sau một người biểu tình đang ôm đầu.
3 cú đánh
Đoạn video quay bằng bodycam cho thấy cô Morris nhặt thanh gỗ lên, giơ cao quá đầu, và đánh vào cùi chỏ bên phải của anh Coffee. Cô nhắm một đòn thứ hai vào anh Coffee nhưng đã trượt.
Đoạn video sau đó cho thấy cô Morris dùng cả hai tay nâng cây gậy quá đầu và tung ra ba cú đánh nhanh vào cơ thể cô Boyland: một cú vào sườn và hai cú vào đầu. Cú đánh thứ hai vào đầu đã gây ra một phản ứng kinh hoàng từ anh Winchell.
Đoạn video cho thấy thanh gỗ văng khỏi tay trái của cô Morris khi cô chuẩn bị tung một cú đánh khác vào người cô Boyland. Cô Morris rít lên khi vung cú đánh cuối cùng. Cây gậy bắn qua khỏi vòm đường hầm và bay phía trên đầu cô Morris.
Anh Coffee với tay xuống và nhặt một chiếc nạng nhôm đã bị ném vào cảnh sát nhiều lần suốt buổi chiều. Anh giữ chiếc nạng qua đầu trong vài giây, sau đó dùng nó như một cái cày để đẩy phòng tuyến của cảnh sát lùi vào đường hầm vài foot.
Khi anh Coffee đẩy lùi phòng tuyến của cảnh sát, những người chứng kiến ở xung quanh đã kéo cô Boyland xuống vài bậc thang và bắt đầu làm hô hấp nhân tạo. Gần ba phút sau, họ trực tiếp bế cô ấy ra trước phòng tuyến của cảnh sát và tiếp tục hô hấp nhân tạo. Không có sĩ quan nào đến để trợ giúp.
Lúc 4 giờ 31 phút chiều, cô Boyland được các sĩ quan kéo ra phía sau đường hầm và vào bên trong Điện Capitol. Theo đoạn video trích từ bodycam, trong quá trình này, cô đã bị mất quần jean, ba lô, và áo, chỉ còn mặc chiếc quần legging.
Một thành viên đội SWAT trong bộ đồng phục chiến thuật màu xanh lá cây đã bắt đầu hô hấp nhân tạo. Sở Cứu hỏa và Cứu thương Thủ đô đã được gọi đến. Trong vòng vài phút, một nhóm gồm sáu đến tám người ứng cứu đầu tiên đã làm việc để hồi sức cho cô Boyland. Cô được kết nối với một máy khử rung tim ngoài tự động.
Cô Morris đã theo dõi các nỗ lực hồi sức. Vào lúc 4 giờ 38 phút chiều, bodycam của cô ta ghi lại một giọng nữ – có thể là cô Morris – hỏi, “Anh ấy chết rồi à?”
Cô Boyland được đưa lên một chiếc cáng tạm thời và đẩy đến Cánh Đông của Điện Capitol để gặp một đơn vị vận chuyển y tế của Sở Cứu hỏa và Cứu thương Thủ đô.
“Khi chúng tôi vào trong Điện Capitol, họ đã đưa cô ấy lên một loại xe kéo hoặc xe chở nhỏ nào đó, và họ đang đẩy cô ấy xuống hành lang về phía chúng tôi,” Đại úy Ellen Kurland, một giám sát viên của Dịch vụ Y tế Khẩn cấp, cho biết trong một bộ phim tài liệu về sự kiện ngày 06/01 do Sở Cứu hỏa và Cứu thương Thủ đô thực hiện. “Chúng tôi đã cấp cứu cô ấy trong vòng 30 phút, và cô ấy đã bất tỉnh 20 phút trước khi chúng tôi có thể tiếp cận được cô ấy.”
Cô Boyland được đặt ống truyền tĩnh mạch và tiêm epinephrine mỗi bốn phút để kích thích tim. Đội cứu hộ đã yêu cầu cho phép để được khởi hành đến Bệnh viện Đại học George Washington vào lúc 5 giờ 10 phút chiều. “Sự cho phép đã không được cấp,” một bản tóm tắt hồ sơ mà gia đình cô Boyland có được cho biết.
Hồ sơ này không chỉ ra lý do tại sao xe cứu thương không được phép rời Điện Capitol trong nửa giờ sau khi yêu cầu cho phép. Sở Cứu hỏa và Cứu thương Thủ đô đã không hồi đáp một tin nhắn do The Epoch Times để lại.
Rốt cuộc, xe cứu thương đã rời khỏi Điện Capitol vào lúc 5 giờ 40 phút chiều cho chuyến đi dài một dặm đến bệnh viện Đại học George Washington. Do giao thông và đường xá tắc nghẽn, nên xe cứu thương đã không đến được phòng cấp cứu cho đến tận 6 giờ tối. Cô Boyland được thông báo đã qua đời vào lúc 6 giờ 09 phút tối.
“Chúng tôi không [chắc chắn] 100% khi nào con bé thực sự đi, nhưng đồng ý là việc này xảy ra trong khung thời gian đó [4 giờ 21 phút đến 4 giờ 26 phút chiều] và có lẽ là trước khi Lila Morris cầm được cây gậy đó,” ông Bret Boyland, cha của cô Rosanne, nói với The Epoch Times. “Vô luận là khi ấy Rosanne còn sống hay đã mất, thì chúng tôi cũng thấy đau xót và kinh hoàng trước cuộc tấn công của vị sĩ quan này.”
‘Hợp lý về mặt khách quan’
Cảm thấy vướng mắc trong tâm với những mâu thuẫn trong vụ án của cô Boyland, hồi tháng 09/2021, ông Gary McBride ở Decatur, Texas, đã đệ một đơn khiếu nại về cô Morris lên Sở Cảnh sát Thủ đô về việc sử dụng vũ lực quá mức.
“Tôi không dung túng cho những gì đã xảy ra tại Điện Capitol, và tôi cũng không dung túng cho việc đánh đập bất cứ ai không có khả năng tự vệ,” ông McBride viết cho Văn phòng Nội vụ Sở Cảnh sát Thủ đô hôm 14/09/2021. “Không quan trọng quý vị là một người biểu tình, nhà thuyết giáo, hay chính trị gia; quý vị đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.”
Hai tháng sau, tháng 11/2021, Đại úy David K. Augustine viết thư cho ông McBride cho biết, “Việc sử dụng vũ lực trong cuộc điều tra này đã được xác định là hợp lý về mặt khách quan.”
Tranh cãi về nguyên nhân tử vong
Vào ngày 07/01/2021, Văn phòng Giám định Y khoa Thủ đô đã tiến hành một cuộc khám nghiệm tử thi cô Boyland. Nguyên nhân tử vong được kết luận là do nhiễm độc amphetamine. Gia đình cô Boyland đã nghi vấn về kết luận đó.
Cô Boyland đã được kê một đơn thuốc Adderall, một loại thuốc dùng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Không có bằng chứng trực quan hoặc lời khai của nhân chứng cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc loại thuốc này đã khiến cô suy nhược hôm 06/01.
Gia đình cô Boyland đã thuê công ty Park Dietz & Associates để xem xét các kết quả khám nghiệm tử thi. Nhà nghiên cứu bệnh học pháp y của Park Dietz đã đồng ý rằng cách thức của vụ tử vong là một tai nạn nhưng kết luận trường hợp tử vong của cô Boyland là do ngạt thở vì bị đè nén. Cô Boyland đã được hỏa táng nên việc khám nghiệm tử thi mới không thể thực hiện được.
“Ngạt thở do đè nén đề cập đến một tình huống trong đó áp lực tác động lên ngực hoặc lưng của một cá nhân gây cản trở quá trình thở bình thường và thường không để lại kết quả chẩn đoán vật lý nào,” theo nội dung tóm tắt của bản báo cáo từ Park Dietz do gia đình cô Boyland cung cấp cho The Epoch Times.
Độc tính của thuốc amphetamine “không phải là nguyên nhân gần nhất gây ra trường hợp tử vong của cô Boyland, mặc dù không thể loại trừ nó là một tác nhân góp phần,” nhà nghiên cứu bệnh học này viết. “Những tình huống xung quanh trường hợp tử vong của cô Boyland không phù hợp với việc dùng thuốc quá liều như là nguyên nhân gần nhất không thể bỏ qua.”
Khám nghiệm tử thi ban đầu không ghi nhận bất kỳ bằng chứng nào về thương tích, ngoại trừ một vết bầm tím dài 4 inch (10 cm) trên cánh tay phải của cô. Tuy nhiên, đoạn phim quay cảnh cô Boyland bị kéo từ lối vào đường hầm lúc 4 giờ 31 phút chiều cho thấy một vết thương trên trán của cô. Một góc nhìn từ bodycam khác dường như cho thấy có một vệt đỏ dài bắt đầu từ phần hạ sườn bên trái của cô.
Năm 2021, anh Winchell nói với một đài truyền hình ở Atlanta rằng cô Boyland đã bị chảy máu mũi sau khi viên cảnh sát đó dùng gậy đánh vào mặt cô.
Anh Winchell kể rằng, “Tôi muốn mọi người hãy nghe tôi: Cô ấy đã rất xanh xao rồi, và viên cảnh sát Điện Capitol này — tôi nói thật đấy — đã đánh mọi người bằng dùi cui và nhiều thứ, rõ là thế.”
“Nhưng tôi đang nói là, cô ấy đã nằm vật ra dưới sàn, có thể đã qua đời vào thời điểm này, nhưng họ đã đánh cô ấy ít nhất là hai lần vào thân thể. Và sau đó họ đánh cô ấy một lần vào mặt, một lần ngay đây ở mũi cô ấy, và một ít máu bắt đầu chảy ra từ mũi cô ấy.”
Báo cáo của công ty Park Dietz cho biết, từ kết quả khám nghiệm tử thi, cô Boyland đã bị gãy xương sườn ở phía trước bên trái và bên phải, nhưng những chấn thương này có thể là do các thao tác ấn hô hấp nhân tạo. Báo cáo này đã ghi nhận không có bằng chứng nào cho thấy vết thương do bị đánh đập hoặc bị chấn thương khiến cô tử vong.
“Điều này không có nghĩa là con bé không bị một cảnh sát đánh đập, mà chỉ cho thấy nó đã qua đời vào thời điểm đó,” gia đình cô Boyland cho biết trong một tuyên bố.
Báo cáo này cho biết vẫn chưa rõ vai trò của các chất kích thích hóa học do cảnh sát xịt và những người biểu tình có thể là gì đối với trường hợp tử vong của cô Boyland. Các video cho thấy hơi cay nhỏ giọt trên trang phục của những người biểu tình gần phòng tuyến của cảnh sát.
“Làm ơn đừng xịt hơi cay nữa,” một người đàn ông không rõ danh tính ở gần cô Boyland khẩn cầu lúc 4 giờ 26 phút chiều. “Phổi của cô ấy đầy thứ ấy rồi.”
Cảnh sát đã xịt một loại khí gas (hơi cay) nào đó vào những người biểu tình trong đường hầm lúc 4 giờ 20 phút chiều. Theo video an ninh, một tiếng nổ lớn đã được nghe thấy vài giây trước đó, khiến nhiều người biểu tình trong đường hầm ngã xuống đất.
Các tác nhân hóa học chẳng hạn như bình xịt hơi cay, được phát tán thông qua bom, đạn phát nổ, chủ yếu tác động đến phổi. Các nhân chứng trong đường hầm đã mô tả cảm giác như bị hút hết oxy trong không khí, khiến người ta không thể thở được. Phản ứng là hoảng loạn.
Ông Kephart nói rằng [việc sử dụng] bom, đạn kiểm soát đám đông là một sai lầm trong một không gian chật hẹp và đông đúc như vậy.
Ông Kephart nói: “Nếu quý vị đang sử dụng bom, đạn hơi cay để làm cho không khí bị bão hòa bằng một loại khí thay thế cho oxy, khiến họ hoảng sợ và ngất đi, từ đó phong bế khả năng cho họ giải tán vì họ đã bất tỉnh, thì quý vị đã tạo ra và khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.”
“Đây là một biểu hiện rõ ràng của việc thiếu huấn luyện tốt. Điều này vi phạm lẽ thường.”
Cảnh sát có thể để nỗi sợ lấn át bài học huấn luyện của họ trong các tình huống căng thẳng cao độ, nhưng điều này cũng có thể xảy ra ở những đám đông như đám đông ở đường hầm West Terrace.
“Điều tương tự cũng đúng với những đám đông này: Nếu nỗi sợ hãi [ập đến], thì họ sẽ làm điều sai trái,” ông nói. “Hoặc là họ ngã xuống, hoặc họ cố gắng chạy thoát. Và khi cố gắng thực hiện một trong hai sự lựa chọn đó, họ sẽ khiến tình hình trở nên tệ hơn khi đám đông bị dồn nén.”
Sinh nhật đau buồn
Ngày 26/04 là một ngày buồn tại ngôi nhà ở Georgia của vợ chồng ông Bret và bà Cheryl Boyland. Cô con gái quá cố Rosanne của họ lẽ ra đã bước sang tuổi 36. Thay vì được tổ chức sinh nhật, gia đình cô Boyland lại phải đối mặt với nỗi đau luôn hiện hữu kể từ đêm hôm 06/01/2021.
Cha mẹ của cô Rosanne phải vật lộn với nhiều câu hỏi dai dẳng về sự tử vong của cô. Trong số đó có thời điểm chính xác mà con gái họ qua đời. Ông Bret Boyland nói rằng, dựa trên đánh giá kết quả khám nghiệm tử thi của cô Rosanne và các yếu tố khác, ông tin rằng cô đã tử vong trong khoảng thời gian từ 4 giờ 21 phút chiều đến 4 giờ 25 phút chiều.
Một cuộc đánh giá cảnh quay video và ghi âm từ bodycam của cảnh sát đã xác định được một loạt tiếng ho của nữ trong khoảng thời gian từ 4 giờ 25 phút 34 giây đến 4 giờ 26 phút 04 giây. Ông Boyland cho biết những tiếng ho quá ngắn khiến ông không thể biết được liệu những âm thanh này có phải của con gái mình hay không.
Cảnh quay bodycam và video an ninh về thời gian cô Boyland ở Điện Capitol trước khi được đưa đến bệnh viện đã mang lại sự an ủi phần nào cho gia đình cô.
“Chúng tôi rất vui khi biết thông tin chi tiết về những nỗ lực cứu sống sau khi con bé được đưa vào Điện Capitol,” ông Bret Boyland nói. “Chỉ là con bé nhận được sự chú ý đó quá muộn màng.”
Ông Joseph M. Hanneman là một phóng viên của The Epoch Times chuyên đưa tin về vụ xâm phạm Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021 và hậu quả của nó, cùng tin tức tổng quát về tiểu bang Wisconsin. Trong sự nghiệp gần 40 năm, các bài viết của ông đã được xuất bản trên Catholic World Report, Racine Journal Times, Wisconsin State Journal và Chicago Tribune. Quý vị có thể liên lạc với ông tại: [email protected].
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: