[ĐỘC QUYỀN] DOJ đang che giấu việc chấp hành sắc lệnh về ghi danh bỏ phiếu của TT Biden
Dân biểu Ralph Norman cho rằng lệnh mở rộng tiếp cận bầu cử của TT Biden không có cơ sở pháp lý
Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina) đang yêu cầu phúc đáp từ Bộ Tư pháp (DOJ) sau khi cơ quan này từ chối công bố tất cả tài liệu liên quan đến kế hoạch thi hành một sắc lệnh vào năm 2021 về mở rộng quyền tiếp cận của cử tri. Đảng Cộng Hòa đã phản đối sắc lệnh này, cho rằng đây là một hành động thực thi quyền lực liên bang bất hợp pháp đối với các cuộc bầu cử.
Hồi tháng Ba năm ngoái (2021), Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký một sắc lệnh (EO 14019) yêu cầu người đứng đầu của mỗi cơ quan liên bang, trong đó có Bộ Tư pháp, phải đưa ra một kế hoạch chiến lược nhằm “thúc đẩy việc ghi danh bỏ phiếu và sự tham gia của cử tri.” Những kế hoạch của họ phải được đệ trình lên bà Susan Rice, cố vấn về chính sách quốc nội của Tổng thống.
Sắc lệnh còn bắt buộc các cơ quan này phải làm việc với các bên thứ ba “được chấp thuận” để cung cấp dịch vụ ghi danh bỏ phiếu tại trụ sở của các cơ quan liên bang.
Kể từ đó, các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa đã đặt nghi vấn liệu chính phủ TT Biden có đủ thẩm quyền hiến định và luật định để ban hành một sắc lệnh như vậy hay không. Trong khi đó, các tổ chức giám sát chính phủ, trong đó có Quỹ về Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ (Foundation for Government Accountability, FGA), một tổ chức tư vấn về chính sách công có trụ sở tại Florida, đã đề nghị các cơ quan liên bang cung cấp các tài liệu liên quan đến sắc lệnh của Tổng thống Biden theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA).
Theo một bản sao của bức thư mà The Epoch Times thu thập trước khi được công bố công khai, hôm 18/11, ông Norman, một thành viên thuộc Ủy ban Giám sát và Cải tổ Hạ viện (House Committee on Oversight and Reform) đã gửi một lá thư đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Merrick Garland, yêu cầu giải trình lý do vì sao DOJ không phúc đáp thích đáng các yêu cầu FOIA của FGA.
Ông Norman nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Hiến Pháp Hoa Kỳ đã quy định rõ ràng rằng các tiểu bang phải quản lý các cuộc bầu cử của riêng họ, không phải chịu sự can thiệp từ chính phủ liên bang.”
Đề cập đến một phán quyết của tòa án địa hạt hồi tháng Bảy, trong đó ra lệnh cho DOJ cung cấp tài liệu theo yêu cầu FOIA, ông cho biết thêm: “Chúng tôi nhìn nhận rằng Bộ Tư pháp dường như đã vượt qua ranh giới của Hiến Pháp khi thực hiện chỉ thị của TT Biden, và sau đó là cố ý bất tuân các lệnh của tòa án. Điều này được đưa thêm vào danh sách các vấn đề mà chúng ta gặp phải đối với Bộ Tư Pháp.”
Ông Norman cho rằng, chính phủ liên bang “không nên nhúng tay vào quy trình bầu cử của chúng tôi,” thay vào đó nên sửa đổi các chính sách bỏ phiếu sao cho “công dân dễ dàng bỏ phiếu hơn và khó xảy ra gian lận hơn.”
“Danh tiếng của Bộ Tư pháp đối với niềm tin của công chúng vốn đã ở mức thấp nhất rồi. Bộ Tư pháp có thể thu được gì từ việc che giấu kế hoạch của họ nhằm thúc đẩy sự tham gia của cử tri từ công chúng?” ông Norman nói.
Bức thư được đồng ký bởi những dân biểu khác gồm ông Randy Weber (Cộng Hòa-Texas), bà Mary Miller (Công Hòa-Illinois), ông Fred Keller (Cộng Hòa-Pennsylvania), ông Chip Roy (Cộng Hòa-Texas), ông Louie Gohmert (Cộng Hòa-Texas), ông Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona), và ông Ben Cline (Cộng Hòa-Virginia).
Thách thức về tính hợp pháp
Trong thư, ông Norman lập luận rằng TT Biden lẽ ra không nên ban hành một sắc lệnh như vậy ngay từ đầu.
“Tổng thống không hề có căn cứ pháp lý để buộc các cơ quan liên bang can dự vào việc ghi danh bỏ phiếu, cũng như không có thẩm quyền ra lệnh cho bất kỳ cơ quan liên bang nào góp phần vào các nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của cử tri,” bức thư nêu rõ. “Tuy nhiên, đó chính xác là điều mà ông ấy đã làm thông qua sắc lệnh trên.”
Theo bức thư, Hiến Pháp Hoa Kỳ không trao cho Tổng thống thẩm quyền để “biến tất cả các cơ quan hành pháp liên bang dưới sự lãnh đạo của những người được ông ấy bổ nhiệm đầy tính chính trị, trong đó có Bộ Tư Pháp, thành những cỗ máy bỏ phiếu cho cánh tả, được những người nộp thuế liên bang trả tiền.”
Ông Norman cảnh báo rằng các viên chức liên bang nào làm theo lệnh của Tổng thống Biden sẽ có nguy cơ vi phạm Đạo luật Hatch, trong đó cấm các viên chức của chính phủ liên bang tham gia vào các hoạt động chính trị.
Trong thư cũng nói, khi thi hành sắc lệnh này, Bộ Tư pháp còn có khả năng vi phạm Đạo luật Phòng ngừa Thiếu hụt (Antideficiency Act), trong đó cấm các cơ quan liên bang “chi tiêu các quỹ mà Quốc hội không ủy quyền hoặc chấp nhận các dịch vụ tình nguyện từ các tổ chức thứ ba được ‘chấp thuận’ như chỉ thị của sắc lệnh EO 14019.”
FGA cũng đưa ra một kết luận pháp lý tương tự. Bên cạnh việc đề cập tới 2 Đạo luật của Hoa Kỳ, quỹ này cũng lập luận rằng sắc lệnh của TT Biden là “vượt quá giới hạn được tham gia của cơ quan liên bang vào quy trình ghi danh bỏ phiếu theo quy định tại Đạo Luật Ghi Danh Cử Tri Quốc Gia.” Do đó, FGA cho rằng sắc lệnh này là “bất hợp pháp, trái đạo đức và vi hiến.”
Thêm vào đó, FGA cho rằng chính phủ TT Biden đang sử dụng sắc lệnh [này] để mang lại lợi ích cho các ứng cử viên Đảng Dân Chủ.
Trong một báo cáo hồi tháng Năm, FGA đã viết: “Tình trạng thiếu sự giám sát và tính minh bạch làm dấy lên một mối lo ngại rõ ràng rằng nỗ lực này chủ yếu nhắm vào các thành trì của Đảng Dân Chủ để giúp tập hợp cử tri mà chính phủ TT Biden tin rằng có khả năng bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ cao hơn.”
Quỹ Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ (FGA)
Hôm 30/07/2021, FGA đã đệ trình yêu cầu của họ theo đạo luật FOIA lên Bộ Tư pháp. Đến tháng 04/2022, nhóm đã đệ đơn kiện Bộ Tư pháp sau khi cơ quan này không hề cung cấp một tài liệu nào trong vòng hơn 200 ngày qua. Hồi tháng 07/2022, một tòa án Địa hạt Liên bang đã ra phán quyết có lợi cho FGA, yêu cầu Bộ Tư pháp tiết lộ tất cả các tài liệu được yêu cầu theo đạo luật FOIA trước các cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào ngày 08/11 tới đây.
Hôm 08/09, FGA cho biết họ đã nhận được 135 trang tài liệu đã-được-biên-tập-kỹ-lưỡng từ Bộ Tư pháp. Tập tài liệu này còn thiếu bản kế hoạch chiến lược dài 15 trang được lập ra để thi hành sắc lệnh của TT Biden.
Trong bức thư (pdf) gửi đến FGA, Bộ Tư pháp đã viện dẫn lý do “quá trình thảo luận và các đặc quyền trao đổi của tổng thống” để từ chối cung cấp kế hoạch chiến lược này.
Ông Norman bác bỏ tuyên bố của Bộ Tư pháp, nói rằng các đặc quyền được đề cập ở trên không được “áp dụng cho tài liệu đã hoàn thành, hậu quyết định này.”
“Việc cố gắng che giấu công chúng về kế hoạch này không chỉ vi phạm luật liên bang, mà còn tạo nên lo ngại và tổn hại đến niềm tin của công chúng vốn đã giảm dần đối với cơ quan này,” ông Norman nói trong bức thư hôm 18/11.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times