Độc giả rút ra bài học từ bài viết ‘Vì Sao Có Nhân Loại’: Thiện lương là chìa khóa dẫn đến phước lành tinh thần
Các độc giả thấy yên tâm sau khi đọc bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của nhà sáng lập Pháp Luân Công, Đại Sư Lý Hồng Chí, rằng thiện lương là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống và tương lai may mắn.
Bà Janice Abernethy, một giáo viên về hưu và là tác giả của những cuốn sách dành cho trẻ em, tin rằng một người nên làm điều đúng đắn, bất kể đức tin của họ là gì.
“Tôi thích thực tế là [Pháp Luân Công tin vào] việc làm điều đúng đắn, tốt bụng và tử tế, và giúp đỡ mọi người,” người phụ nữ 62 tuổi sống ở Pennsylvania này chia sẻ với The Epoch Times.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên lý: chân, thiện, và nhẫn. Đại Sư Lý đã phổ truyền Pháp Luân Công cho công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992.
Mặc dù được nuôi dạy theo đức tin Công giáo, nhưng bà Abernethy tin rằng một người có thể thực hành đức tin trong cuộc sống thường nhật mà không cần đến nhà thờ hay qua các vị truyền giáo trung gian. Trong khi đọc bài viết này của Đại Sư Lý, bà đã tìm thấy nhiều tư tưởng phù hợp với Kinh thánh và các quan điểm cá nhân của riêng bà.
Bà Abernethy cho hay: “Quan tâm đến người khác là điều tối quan trọng … có vẻ như không có nhiều tôn giáo nói như vậy.”
“Nhưng bài viết này, cách [Đại Sư Lý] đang nói, cách ông trình bày, cảm giác giống như, ‘ồ, đó là tôn giáo của tôi,’” bà kết luận.
Bà Abernethy cũng hiểu được tư tưởng mà Đại Sư Lý cho rằng những việc làm tốt sẽ được phúc báo, rằng đó là một “cách vận hành thật sự công bình của cuộc sống.”
Cuộc sống sau cái chết
Sau khi đọc bài viết của Đại Sư Lý, bà Margaret Spiller, một bưu tá về hưu từng làm việc cho USPS (Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ) cảm thấy được củng cố niềm tin rằng bà đang sống một cuộc sống tốt đẹp.
“Tôi luôn tin rằng chúng ta nên làm một người tốt. Và đừng cứ làm hại đồng bào của bạn dù dưới hình thức nào. Nhưng [bài viết này] khiến tôi nghĩ … có lẽ tôi nên trở thành một người tốt hơn nữa,” bà Spiller, sống ở tiểu bang Virginia, chia sẻ với The Epoch Times.
Được nuôi dạy theo đức tin Công giáo, người phụ nữ 70 tuổi này nói rằng quan niệm về luân hồi mà Đại Sư Lý thảo luận trong bài viết đã giúp bà cảm thấy nhẹ nhõm hơn [khi suy nghĩ] về cái chết, đặc biệt là khi chồng bà gần đây vừa qua đời.
Bà Spiller nói rằng bà cố gắng trở thành một người tốt nhất có thể mà không mong cầu được đền đáp, điều này giúp bà thanh thản [khi nghĩ] về cuộc sống tương lai. “Tôi cho rằng linh hồn của chúng ta sẽ đi đến cõi tiếp theo. [Nơi đó] hẳn là tuyệt diệu, phải không? Tôi rất muốn biết,” bà bày tỏ.
Trong bài viết này của Đại Sư Lý, ngài tiết lộ tư tưởng rằng nỗi đau và khó nạn tồn tại là để con người tu dưỡng nhân cách đạo đức của mình. Bà Spiller đồng tình [với điều đó].
“Nghịch cảnh rèn luyện nhân cách,” bà cho hay. “Mọi người đều nếm trải khổ đau, bất hạnh, buồn bã, trải qua rất nhiều điều khủng khiếp. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận điều đó như thể chúng sẽ giúp bạn trở thành một người tốt hơn sau trải nghiệm đó,” bà bổ sung.
Bà cũng tin rằng những khó khăn có thể là những tình huống khảo nghiệm mà Chúa đặt chúng ta vào để xem chúng ta phản ứng như thế nào.
Bà giải thích: “Khi mọi thứ trong cuộc sống trở nên tồi tệ, nếu bạn kịp thời dừng lại và suy ngẫm một chút, đó có thể là Chúa đang khảo nghiệm bạn.”
Cuộc bức hại tàn ác
Bà Spiller tiếp tục bày tỏ nỗi ưu phiền về cái ác trong thế giới này. Bà nói: “Có rất nhiều người đang kiểm soát thế giới này, và họ rất xấu xa… Họ đang cho phép những điều sai trái diễn ra còn họ thì lại đang làm những điều khủng khiếp.”
“Tôi đã đọc về cách Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy những người tu luyện Pháp Luân Công … vào tù và sau đó khai thác thân thể họ để cấy ghép nội tạng. [Những kẻ xấu] mổ bụng những học viên Pháp Luân Công này trong khi họ vẫn còn sống,” bà nói.
“Khi tôi hay tin về điều đó, tôi đã muốn ói. Làm sao mà họ [có thể] làm những điều [tàn ác] như vậy? Sao lại có người nhẫn tâm, tàn nhẫn đến thế?” bà tự hỏi chính mình.
Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với số lượng học viên ước tính vào khoảng 70 triệu đến 100 triệu. Chính quyền cộng sản, lo sợ số lượng học viên nói trên là một mối đe dọa đến sự cai trị độc tài của Trung Cộng, đã khởi xướng một chiến dịch càn quét nhằm xóa bỏ môn tu luyện này bắt đầu từ ngày 20/07/1999, một chiến dịch vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Các học viên bị giam giữ cũng là nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, dẫn đến vô số học viên bị sát hại để lấy nội tạng cung cấp cho thị trường ghép tạng ở Trung Quốc.
Bài viết có sự đóng góp của Gary Bai.
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times