Độc giả: Bài viết ‘Vì sao có nhân loại’ mang thông điệp hy vọng
Nhiều độc giả chia sẻ rằng, bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, mang một thông điệp hy vọng.
Sau khi đọc bài viết này, ông Domenic Savini, một kế toán viên của chính phủ, đã tìm thấy một thông điệp chân thực truyền cảm hứng cho mọi người làm điều tốt, và nhắc nhở họ rằng mục đích của cuộc đời là để trở về với Thần.
“Tôi thấy chấn động trước thực tế rằng tác giả đã trò chuyện cùng các vị Thần. [Đại Sư Lý] nói về một trải nghiệm nằm ngoài trải nghiệm của thế giới trần tục này và ngoài cả hiện thực mà chúng ta nghĩ rằng mình đang sống trong đó. Và ngay lập tức tôi bắt đầu hiểu ra rằng có tồn tại một Đấng Tối Cao với một mục đích tối cao,” ông Savini chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Tiếp tục đọc bài viết này, tôi thấy [Ngài Lý] đang thúc giục những người có thiện tâm, cho dù tín ngưỡng chúng ta là gì, thì hãy mưu cầu đức hạnh, và trong đức hạnh đó, hãy cư xử với nhau bằng sự tử tế và thiện lương. Và điều đó chạm đến tôi, sâu tận tới tâm khảm tôi,” ông Savini nói thêm.
Vào năm 1992, Đại Sư Lý đã phổ truyền Pháp Luân Công ra công chúng ở Trung Quốc. Môn tu luyện tinh thần này còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, bắt nguồn từ những truyền thống cổ xưa của Trung Hoa, và những bài giảng đề cao đạo đức — dẫn dắt con người đến sự giác ngộ tinh thần — bằng cách tuân theo ba nguyên lý cơ bản là: chân, thiện, và nhẫn.
Là một tín đồ Cơ Đốc và Công Giáo, những lời giảng của Đại Sư Lý đã tác động đến ông Savini cũng tương tự như những lời răn trong Kinh thánh đã tác động đến ông: “rằng chúng ta phải yêu thương tha nhân, và chúng ta phải quan tâm đến những người khác,” ông Savini bày tỏ.
“Chúng ta là con người. Mỗi người trong chúng ta đều được tạo ra theo hình hài của Chúa. Và đây là điều … mà đã trở nên sống động đối với tôi [trong bài viết này] … rằng chúng ta có một phần của Thần bên trong mình, và chúng ta cần phải quay về với Thần,” ông cho hay.
“Đó là thông điệp hy vọng mà chúng ta cần chia sẻ với nhau. Thậm chí nếu có người cảm thấy như thể họ chỉ là kẻ bị ruồng bỏ, thì chúng ta cần nhắc nhở họ rằng: bạn được tạo ra theo hình hài của Thần để một ngày nào đó sẽ trở về với Ngài,” ông chia sẻ thêm.
Ông Savini cũng nói thêm rằng những người không thực hành một tôn giáo nào cũng có thể được thọ ích từ việc đọc bài viết của Đại Sư Lý và tìm thấy những lý tưởng phù hợp với mình.
“Rất nhiều người thế tục tin vào vấn đề nghiệp báo này … Hiện nay bạn thấy trong xã hội, mọi người đang tìm kiếm đức tin … Có một sự thôi thúc bên trong mỗi người là cần phải nhìn vượt ra ngoài bản thân,” ông nói.
Kiên định đối mặt với bức hại
Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với ước tính số lượng học viên vào khoảng 70 triệu đến 100 triệu người. Chính quyền Cộng sản khi đó lo sợ rằng số lượng học viên này sẽ là mối đe dọa cho sự kiểm soát độc tài của nó, vì vậy đã phát động một chiến dịch đàn áp sâu rộng nhằm xóa bỏ Pháp Luân Công bắt đầu từ ngày 20/07/1999, và chiến dịch này vẫn tiếp diễn cho tới nay.
Ông Savini đau lòng vì cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
“Tôi đau buồn cho họ. Tôi khóc thương cho họ [khi] biết rằng chỉ vì niềm tin vào Thần Phật mà họ bị bức hại và đối xử quá tàn ác, quá dã man. Và rất ít người trên thế giới thừa nhận cuộc bức hại này hoặc cố gắng ngăn chặn nó,” ông nói.
Ông tiếp tục thừa nhận rằng các học viên Pháp Luân Công thật đáng khen khi đã kiên định chiểu theo đức tin của mình, và điều này có thể có một ảnh hưởng tích cực đến thế giới.
“Tôi muốn cảm ơn các học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ. Tôi muốn cảm ơn vì sự dung nhẫn của họ khi chịu đựng khổ nạn. Tôi muốn cảm ơn họ vì niềm hy vọng của họ,” ông nói.
“Bởi vì họ đang giúp thắp lên sự hồi sinh trên khắp thế giới, đưa con người trở về với Thần và với Chúa, khi tiếng nói của họ tiếp tục được lắng nghe trên toàn thế giới,” ông tuyên bố.
“Tôi muốn khích lệ tất cả các bạn [hãy] tiếp tục chiến đấu vì chúng ta đang chiến thắng,” ông nói thêm.
Định hướng cuộc đời trong một thế giới đầy khó khăn
Khi đọc bài viết “Vì sao có nhân loại,” ông Thane Lawrie, một Phật tử trong hơn hai thập niên qua, đã chú ý đến sự tương đồng giữa đức tin của ông và những lời giảng của Pháp Luân Công về cách định hướng cuộc đời trong một thế giới đầy rối ren.
“Những gì mà Đại Sư Lý cố gắng làm thông qua bài viết của mình là [nhằm] mang đến hy vọng cho mọi người … [Bởi vì], trong thế giới hiện đại này, rất dễ trở nên lạc lõng, bực bội hoặc không chắc chắn về việc sống thế nào và làm sao để sống tốt hơn,” ông Lawrie, tác giả của cuốn sách “The Buddhist CEO,” cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD.
Ông Lawrie là cựu Giám đốc điều hành của công ty Scarf, một doanh nghiệp xã hội chuyên về tiết kiệm năng lượng. Ông nói, “Đại Sư Lý gợi ý … rằng chúng ta có thể tìm thấy sự bình yên và cân bằng trong cuộc sống [của mình] … Đó cũng là một khía cạnh của Phật Giáo mà tôi quan tâm.”
“Có một cách để thực hành trong cuộc sống này … cách có thể giúp bạn tìm thấy niềm vui, sự bình yên và hài lòng,” ông nói thêm.
Ông Lawrie cũng cho thấy rằng, giống như Phật Giáo, Pháp Luân Công có đặc điểm về thực hành thiền định, điều này rất hữu ích cho những ai tìm kiếm sự bình yên trong thế giới khó khăn này.
Bảo Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times