Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ tăng mạnh nhất trong gần hai năm
Hoa Thịnh Đốn — Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ đã tăng mạnh nhất trong gần hai năm vào tháng Một sau hai tháng giảm liên tiếp do người Mỹ đẩy mạnh mua xe cơ giới và các mặt hàng khác, cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phục hồi mặc dù chi phí đi vay cao hơn.
Ngay sau khi tin tức hôm thứ Ba (14/02) cho biết lạm phát hàng tháng tăng trong tháng Một, các dấu hiệu mạnh mẽ trong chi tiêu của người tiêu dùng có thể thúc đẩy suy đoán của thị trường tài chính rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể tiếp tục tăng lãi suất trong suốt mùa hè để hạ nhiệt nhu cầu nội địa.
Cô Kayla Bruun, nhà phân tích kinh tế tại công ty trí tuệ nhân tạo tự quyết định (decision intelligence) Morning Consult, cho biết: “Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi là một dấu hiệu tích cực đối với sức khỏe của nền kinh tế, nhưng nhu cầu mới đối với các loại hàng hóa bị hạn chế về nguồn cung cấp có thể gây thêm những áp lực về lạm phát, có khả năng dẫn đến Fed có hành động mạnh mẽ hơn.”
Hôm thứ Tư (15/02), Bộ Thương mại cho biết rằng doanh số bán lẻ đã tăng 3.0% trong tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 03/2021, sau mức giảm 1.1% chưa được điều chỉnh trong tháng 12/2022.
Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến đã dự báo doanh số bán hàng sẽ tăng 1.8%, với ước tính dao động từ 0.5% đến 3.0%. Doanh số bán lẻ vào tháng Một đã tăng 6.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Một số người đã cảnh báo không nên quá xem trọng mức tăng doanh số bán lẻ hàng tháng này.
Sự sụt giảm doanh số bán hàng trong hai tháng trước đó được cho là do việc mua sắm trước kỳ nghỉ, mà các nhà kinh tế cho rằng đã không được điều chỉnh đầy đủ theo mô hình mà chính phủ sử dụng để loại bỏ các biến động theo mùa khỏi dữ liệu này.
Cái gọi là các yếu tố điều chỉnh theo mùa này có khả năng đã làm tăng doanh số bán lẻ trong tháng Một. Tăng trưởng việc làm bùng nổ trong tháng Một một phần được cho là do các yếu tố điều chỉnh theo mùa.
Ông Lou Crandall, kinh tế gia trưởng tại Wrightson ICAP, cho biết: “Điểm mấu chốt là xu hướng tiêu dùng căn bản không yếu như số liệu tháng Mười Hai cho thấy, nhưng cũng không mạnh như số liệu tháng Một có thể gợi ý.”
Doanh số bán lẻ chủ yếu là về hàng hóa và không được điều chỉnh theo lạm phát. Tuy nhiên, ngay cả khi tính đến những biến dạng kỹ thuật này, thì người Mỹ vẫn đang chi tiêu.
Hồi tuần trước, Học viện thuộc Bank of America đã báo cáo một mức tăng chi tiêu trong tháng Một dựa trên một phân tích dữ liệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Bank of America. Học viện này cho biết dữ liệu đó đã gợi ý rằng “mặc dù người tiêu dùng có thu nhập thấp bị áp lực, nhưng họ vẫn có dự phòng tiền mặt vững chắc và khả năng vay,” đồng thời lưu ý rằng “kể cả đối với những người có thu nhập thấp nhất, thì số dự phòng này vẫn sẽ trợ giúp được trong một khoảng thời gian.”
Dữ liệu về thẻ Citi cũng cho thấy mức tăng mạnh trong chi tiêu cho các ngành dịch vụ.
Doanh số bán lẻ tăng mạnh trong tháng trước được dẫn đầu bởi các giao dịch mua xe cơ giới, với doanh thu tại các đại lý xe hơi tăng 5.9%. Doanh số tại các trạm dịch vụ đã không đổi dù giá xăng dầu tăng. Doanh số bán lẻ trực tuyến đã phục hồi lại 1.3%.
Doanh số bán hàng của các cửa hàng nội thất tăng 4.4%. Doanh thu tại các quầy dịch vụ thực phẩm và đồ uống, loại dịch vụ duy nhất trong báo cáo doanh số bán lẻ, tăng 7.2%.
Doanh số bán hàng của cửa hàng điện tử và thiết bị tăng 3.5%. Doanh số bán hàng của các cửa hàng quần áo cũng như doanh thu tại các cửa hàng bán hàng tổng hợp và sức khỏe và chăm sóc cá nhân cũng có sự gia tăng đáng kể. Các cửa hàng đồ thể thao, và nhạc cụ đã tăng 0.2%, trong khi doanh thu của các nhà cung cấp vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn tăng 0.3%.
Chứng khoán Hoa Kỳ đã mở cửa thấp hơn. Đồng dollar tăng so với rổ tiền tệ. Công khố phiếu Hoa Kỳ sụt giảm.
Tăng trưởng doanh số rộng
Ngoài nợ thẻ tín dụng, doanh số bán lẻ cũng có thể được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh chi phí sinh hoạt lớn nhất kể từ năm 1981 đối với hơn 65 triệu người hưởng An sinh Xã hội, có hiệu lực vào tháng Một. Một số tiểu bang cũng đã tăng mức lương tối thiểu của họ.
Thị trường lao động thắt chặt tiếp tục tạo ra tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ, mặc dù tốc độ đã chậm lại. Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất chính sách thêm 450 điểm căn bản kể từ tháng Ba năm ngoái (2022) từ mức gần bằng 0 lên mức 4.50%—4.75%, với phần lớn các mức tăng trong khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Mười Hai. Hai đợt tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Ba và tháng Năm.
Thị trường tài chính đang đặt cược vào một đợt tăng lãi suất khác vào tháng Sáu.
Hôm thứ Ba, chính phủ đã báo cáo rằng giá tiêu dùng đã tăng tốc trong tháng Một và tốc độ giảm lạm phát so với cùng thời kỳ năm ngoái đã chậm lại.
Nếu loại trừ xe hơi, xăng dầu, vật liệu xây dựng, và dịch vụ ăn uống, doanh số bán lẻ đã tăng 1.7% trong tháng trước. Cái gọi là doanh số bán lẻ cốt lõi này đã giảm 0.7% trong tháng Mười hai.
Do Lucia Mutikani thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times