Điều tra thương mại của Mỹ về Trung Quốc sẽ thiêu rụi ngành quang năng, nhưng sao nó vẫn khởi sắc?
Một cách công khai, các nhà phát triển quang năng lớn và nhiều nhà hoạt động về biến đổi khí hậu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc điều tra đang diễn ra đối với các hành vi lạm dụng thương mại của những nhà sản xuất Trung Quốc.
Ông Abigail Ross Hopper, CEO của Hiệp hội Công nghiệp Quang năng, tháng trước đã mô tả cuộc điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ là “khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà chúng tôi phải đối mặt trong lịch sử chung của chúng ta.”
Bà Heather Zichal, cựu cố vấn năng lượng của Tòa Bạch Ốc dưới thời cựu Tổng thống (TT) Barack Obama, cho biết việc kiểm tra các hoạt động thương mại của Trung Quốc “làm tổn thương đến các dự án quang năng đã được lên kế hoạch.”
Tờ New York Times đưa tin hồi tháng trước rằng “ngành công nghiệp quang năng bị ‘đóng băng’ khi chính phủ ông Biden điều tra Trung Quốc” về cáo buộc các nhà sản xuất năng lượng mặt trời, những người đang hoạt động ở ngoại quốc để tránh thuế quan.
Nhưng theo đánh giá của RealClearInvestigations về nội dung các thông báo lợi nhuận doanh nghiệp và các kế hoạch dự án quang năng, thì CEO của một số công ty quang năng lớn nhất ở Hoa Kỳ lại kể một câu chuyện khác cho các nhà đầu tư và những người quan tâm.
Tháng trước, Amazon đã công bố 37 dự án năng lượng mặt trời mới trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Hoa Kỳ, trong khi nhà phát triển nhà máy điện Seaboard Solar thông báo họ đang thực hiện nhiều dự án ở tiểu bang New York. Một dự án trị giá 75 triệu USD đang được tiến hành ở Minnesota, trong khi hai nhà máy của Dominion Energy đang bắt đầu xây dựng ở Virginia trong năm nay.
Ông Kirk Crews, Giám đốc tài chính của NextEra Energy, công ty tự xưng là nhà sản xuất điện gió và điện quang lớn nhất thế giới, nói với Bloomberg rằng nếu cuộc điều tra này phát hiện ra rằng Trung Quốc lách thuế bằng cách sản xuất ở ngoại quốc, thì “nó sẽ kết thúc một thập niên của hoạt động thương mại.”
Nhưng ông Crews nói với các nhà phân tích trong một cuộc họp với các nhà đầu tư vào tháng Tư rằng bất chấp cuộc điều tra của liên bang, “chúng tôi vẫn thoải mái với kỳ vọng phát triển hiện tại của chúng tôi đối với gió, năng lượng mặt trời và lưu trữ.”
Một số nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn khác cũng đã thông báo rằng họ đang tiến hành các dự án trong năm nay, bao gồm Duke Energy và SOLV Energy.
Tim Brightbill, một luật sư cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời trong nước sống tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, cho biết: “Thậm chí nếu xảy ra các vụ kiện về thương mại, thì nhu cầu năng lượng mặt trời vẫn tiếp tục tăng — việc làm trong ngành năng lượng mặt trời vẫn đang tiếp tục được mở rộng.”
Sự khác biệt giữa lời nói và hành động công khai và riêng tư phác họa một ngành công nghiệp quang năng thể hiện ra như là trong một sứ mệnh cấp tiến để cứu hành tinh lại đang xử thế thực sự giống như một doanh nghiệp lớn truyền thống hơn. Ngành công nghiệp này đang quản lý các kỳ vọng trong các lĩnh vực chính trị và kinh doanh thông qua gửi các thông điệp hướng đến những khán giả riêng biệt đó. Đằng sau những thông điệp ấy là hoạt động kinh doanh có tính cạnh tranh cao tập trung vào việc giữ chi phí thấp — ngay cả khi điều đó có nghĩa là tìm nguồn cung cấp nguyên liệu rẻ hơn từ các công ty Trung Quốc, với một số công ty trong đó bị cáo buộc dựa vào năng lượng than gây ô nhiễm cao, sử dụng lao động nô lệ, hoặc vi phạm các thỏa thuận thương mại.
Bộ Thương mại đã khởi động cuộc điều tra của mình để đáp lại đơn kiện các nhà sản xuất Trung Quốc hồi tháng Hai của một đối thủ cạnh tranh Hoa Kỳ, Auxin Solar, một nhà sản xuất linh kiện quang năng nhỏ có trụ sở tại California, cáo buộc rằng Trung Quốc đang trốn thuế bằng cách định tuyến sản xuất qua bốn quốc gia Đông Nam Á.
Auxin cáo buộc rằng các nhà sản xuất ở bốn quốc gia đó — Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia — là các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhà máy để lắp ráp tấm quang năng, là bước cuối cùng trước khi vận chuyển và lắp đặt. Theo đơn kiện của Auxin, các nhà máy ở những quốc gia này “sử dụng các nhà cung cấp đầu vào liên kết với Trung Quốc và chuỗi cung ứng tích hợp hoàn toàn của Trung Quốc để né tránh các loại [thuế quan] hiện hành.”
Đơn kiện này vạch ra sự chuyển dịch các bộ phận linh kiện về năng lượng mặt trời đến bốn quốc gia này từ Trung Quốc, khi nhập cảng trực tiếp các linh kiện của tấm quang năng từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm trong ba năm qua trong khi lại tăng từ bốn nước Đông Nam Á nói trên.
Auxin trích dẫn một công ty Việt Nam, Boviet Solar, một công ty con của công ty Trung Quốc Boway, đã lưu ý trên trang web của mình vào năm 2017 rằng sức hấp dẫn của Boviet Solar đối với các nhà sản xuất tấn quang năng là “Việt Nam không phải là khu vực chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Không có thuế quan nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Boviet tại Hoa Kỳ, và những khoản tiết kiệm chi phí đó cuối cùng sẽ đến với người mua.”
Theo một báo cáo từ Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia, các công ty Hoa Kỳ đã sản xuất một số lượng kỷ lục các tấm quang năng vào năm 2020, tăng 24% so với năm 2019. Khoảng 80% linh kiện và thiết bị cho những tấm quang năng đó đến từ các hoạt động có liên kết với Trung Quốc.
Ông Dustin Mulvaney, giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Môi trường tại Đại học tiểu bang San Jose, người nghiên cứu chuỗi cung ứng hàng hóa quang điện, cho biết: “Diễn ngôn về giá rẻ giờ đây đang thống trị mọi thứ về năng lượng mặt trời”. Ông Mulvaney cho biết không có cách nào để kiểm soát chuỗi cung ứng, vì các linh kiện cần thiết để tạo dựng các tấm quang năng được tích hợp vào hệ thống. Ông nói, nguồn gốc của các linh kiện này là rất khó để truy vết.
Khu vực chính được quan tâm ở đây là khu vực Tân Cương của Trung Quốc, một trong những trung tâm sản xuất và khai thác năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới, nơi tổng sản phẩm quốc nội đã tăng gấp đôi kể từ năm 2012, mặc dù bị một số quốc gia cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức. Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Một báo cáo năm 2021 của Horizon Advisory, một công ty tư vấn địa chính trị, nêu đích danh các công ty quang năng của Trung Quốc như Daqo New Energy, East Hope Group, GCL-Poly, và Jinko Solar trong số các công ty ở khu vực Tân Cương sử dụng lao động cưỡng bức, nhưng các công ty này đã phủ nhận cáo buộc trên. Ước tính khoảng 45% polysilicon, một linh kiện chính của các tấm quang năng, được sản xuất ở Tân Cương.
Các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức bị cấm ở Hoa Kỳ, và một số công ty quang năng của Hoa Kỳ đã ký cam kết không ràng buộc để tránh [hợp tác với] các nhà máy nổi tiếng trong việc sử dụng lao động cưỡng bức.
Nhưng bỏ ngoài tai những lo ngại về nhân quyền, Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời, hiệp hội bất vụ lợi về thương mại quốc gia của ngành công nghiệp quang năng ở Hoa Kỳ, hồi tháng Tư đã yêu cầu các thành viên của mình ký đơn phản đối khiếu kiện của Auxin, và cảnh báo “không có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc.” Hiệp hội này tuyên bố rằng việc điều tra khiếu này “cũng sẽ khiến việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Tổng thống (TT) Biden không thể đạt được”, trong đó bao gồm cả việc tạo ra 40% nguồn cung cấp điện của Hoa Kỳ từ năng lượng mặt trời vào năm 2035.
Chính phủ ông Biden bị mắc kẹt giữa nhiệm vụ theo luật định của Bộ Thương mại là điều tra các hành vi gian lận thuế quan có thể xảy ra và nhu cầu phát triển ngành năng lượng mặt trời đã đưa ra, một sự cấp bách bị thúc đẩy do các yêu cầu năng lượng tái tạo ở 38 tiểu bang, trong đó có 12 tiểu bang đòi hỏi 100% [dùng] năng lượng sạch vào năm 2050.
Nếu ngành công nghiệp này phát triển theo cách của mình, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn trong việc đạt được các mục tiêu như vậy — tuy nhiên quá trình này có thể không thân thiện với môi trường. Năm ngoái, Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng 43 nhà máy than mới, là một phần để đáp ứng nhu cầu về nhiều tấm quang năng hơn.
Ông Tom Beline, một luật sư đại diện cho Auxin trong đơn khiếu nại cho biết: “Lượng năng lượng nhiên liệu hóa thạch cần để có được nguyên liệu từ Trung Quốc đã cao rồi. Những bộ phận linh kiện này được sản xuất bằng cách sử dụng các nhà máy than, vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tới lúc các bộ phận linh kiện này đặt chân đến đây, trên mảnh đất Hoa Kỳ này, thì tổng lượng khí thải carbon là rất lớn.”
Thuế quan về tấm quang năng đối với Trung Quốc lần đầu tiên được áp dụng vào năm 2012 sau khi Bộ Thương mại xác định quốc gia này đang “bán phá giá” các bộ phận linh kiện do chính phủ Trung Quốc trợ cấp vào thị trường Hoa Kỳ. Vào năm 2018, cựu Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế cao hơn đối với các loại sản phẩm năng lượng mặt trời cụ thể.
Khiếu kiện của Auxin về sự can thiệp của Trung Quốc đã vấp phải hàng loạt bình luận trực tuyến và các cuộc gọi điện thoại, nhiều người trong số đó đe dọa tẩy chay nhà sản xuất nhỏ này và hầu như tất cả đều nói xấu công ty này.
Một bài đăng đánh giá của Google viết: “Thật xấu hổ cho quý vị vì đã gây nguy hiểm cho công việc của hàng trăm ngàn người Hoa Kỳ và cố gắng làm tê liệt tương lai của cơ sở hạ tầng năng lượng xanh.”
Ông John Miggins, người thành lập Harvest Solar Energy ở Tulsa, Oklahoma, vào năm 2002, đang thực hiện hầu hết các việc lắp đặt tại gia cho biết, đơn kiện từ Auxin đe dọa một trong số ít các lĩnh vực đã phát triển mạnh trong hai năm qua.
Ông Miggins nói: “Bức tranh lớn là chúng ta cần năng lượng mặt trời.” Ông cho biết giá của mình đã tăng lên, mặc dù lạm phát kỷ lục đóng vai trò lớn nhất trong đó. Ông lặp lại phản ứng của ngành công nghiệp quang năng đối với khiếu nại của Auxin, nói rằng nó sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn để hoàn thành mục tiêu xây dựng nhanh chóng của chính phủ ông Biden.
Ông Miggins nói: “Kết quả cuối cùng là nó sẽ làm chậm quá trình mọi người có được hệ thống điện của riêng mình.”
Những người ủng hộ năng lượng mặt trời trong quá khứ đã ủng hộ việc bãi bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các bộ phận linh kiện quang năng từ Trung Quốc, cho rằng “thuế quan không có hiệu quả trong việc tăng năng lực sản xuất năng lượng mặt trời”. TNS. Jacky Rosen, một thành viên Đảng Dân Chủ tại Nevada, hồi tháng Hai đã đưa ra dự luật bãi bỏ thuế quan dưới thời ông Trump. Dự luật này đã không tiến triển kể từ khi được giới thiệu.
Bà Tracy Stone-Manning, giám đốc Cục Quản lý Đất đai, nói với NBC News hồi tháng Tư, ngành công nghiệp quang năng của Hoa Kỳ có thể tiến lên phía trước mà không cần Trung Quốc.
Bà Stone-Manning, người có cơ quan quản lý hàng ngàn mẫu sa mạc Tây Nam đang được phát triển để xây dựng các nhà máy quang điện cho biết: “Tôi có niềm tin đáng kinh ngạc vào sự khéo léo của người Mỹ. Nếu phải làm, chúng ta sẽ bắt đầu xây dựng các tấm quang năng ở đây.”
Ông Steve Miller đã đóng góp bài báo này cho RealClearInvestigations.