Điện Kremlin: Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ chiếm được ở Ukraine
Hôm thứ Năm (22/09), một quan chức hàng đầu của Nga cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các khu vực chiếm được ở Ukraine, vài ngày sau bài diễn văn của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố huy động một phần quân đội.
“Các nước cộng hòa trong khu vực Donbas và các vùng lãnh thổ khác sẽ được sáp nhập vào Nga,” cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên Telegram. Ông đang đề cập đến khu vực Donetsk và khu vực Luhansk đã bị Nga chiếm đóng vào năm 2014.
Mặc dù ông Putin không đề cập thẳng đến vũ khí hạt nhân trong bài diễn văn của mình, nhưng ông gợi ý rằng Moscow “chắc chắn sẽ sử dụng mọi vũ khí mà mình có để bảo vệ Nga và người dân của chúng tôi” trước khi nói thêm rằng “đó không phải là lời nói suông.”
Cũng trong bài diễn văn đó, nhà lãnh đạo Nga đã ban hành một sắc lệnh trong đó quy định rằng số lượng người được gọi nhập ngũ sẽ do Bộ Quốc phòng quyết định. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng Bộ sẽ huy động 300,000 quân dự bị có kinh nghiệm chiến đấu và phục vụ trong đợt đầu.
Nhưng bài đăng của ông Medvedev rõ ràng hơn và đề cập thẳng đến vũ khí hạt nhân.
Ông đăng trên Telegram, theo một bản chuyển ngữ, “Nga đã thông báo rằng không chỉ khả năng huy động mà bất kỳ vũ khí nào của Nga, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược và các loại vũ khí dựa trên các nguyên tắc mới, đều có thể được sử dụng cho mục đích bảo vệ này.”
Bài diễn văn của ông Biden
Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến bài diễn thuyết của ông Putin trong bài diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư (21/09) tại thành phố New York, nói rằng Hoa Kỳ không “tìm kiếm chiến tranh lạnh” với Nga.
Tổng thống nói, “Quyền tồn tại của Ukraine như một nhà nước, quyền tồn tại của Ukraine với tư cách là một dân tộc. Dù quý vị ở đâu, bất cứ điều gì quý vị tin, thì điều đó sẽ … khiến quý vị cảm thấy rất sợ hãi.”
Hành động này diễn ra khi các nhà chức trách thân Nga ở bốn khu vực do Nga nắm giữ ở Ukraine lên kế hoạch trưng cầu ý kiến cử tri bắt đầu từ thứ Sáu (23/09) về việc trở thành một phần của Nga — một hành động có thể làm leo thang chiến sự và tiến trình giống với sách lược mà Điện Kremlin đã thực hiện khi họ sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý tương tự.
Trên chiến trường Ukraine, quân đội Nga và quân đội Ukraine đã bắn nhau bằng hỏa tiễn và pháo binh khi cả hai bên không chịu nhường lãnh thổ bất chấp những thất bại quân sự gần đây đối với Moscow cũng như thiệt hại đối với đất nước bị xâm lược sau gần bảy tháng chiến tranh.
Một số nhà phân tích cho rằng bài diễn văn của ông Putin chỉ là đang khoác lác trong một nỗ lực ngăn chặn NATO và Ukraine leo thang xung đột.
“Tôi nghĩ điều đó báo hiệu rằng ông ấy muốn mọi người nghĩ rằng ông ấy sẽ mạo hiểm chiến tranh hạt nhân,” ông Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, nói với NBC News trong tuần này. “Tôi không nghĩ điều đó có nghĩa là ông ấy có khả năng cao hơn để làm điều đó so với ngày hôm qua.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times