Dị sĩ dân gian có thuật tướng số cao minh dự đoán chính xác về quan vận
Vào những năm Nam Tống, ở huyện Cù tỉnh Chiết Giang có một dị sĩ tinh thông thuật tướng số tên là Vương Đình, mọi người gọi ông là “Vương thiết diện”. Ông xem tướng cho các sĩ phu vô cùng chuẩn xác, nhưng trước nay không tùy tiện mở miệng.
Năm Càn Đạo thứ 3 (năm 1167), ông đến Lâm An, vào ngày 3 tháng 6 thì đến thăm hỏi vị quan Khởi Cư Lang lúc bấy giờ là Hồng Mại. Vương Đình vừa trông thấy Hồng Mại thì nói rằng: “Trán của ngài nhìn hồng hào sáng sủa như vậy, vào ngày thứ 32 và ngày thứ 49 tính từ hôm nay, ngài chắc chắn sẽ có tin vui về việc thăng quan tiến chức”.
Ngày hôm sau, Hồng Mại gặp mặt thuộc hạ và nói về sự việc Vương Đình xem tướng cho mình. Những quan lại đó nghe xong thì cũng muốn được Vương Đình xem cho, do đó liền nhờ Hồng Mại đi mời Vương Đình. Tuy nhiên Vương Đình lại nói rằng: “Những lời tôi nói với ngài vẫn chưa ứng nghiệm thì ngài đã đi giới thiệu tôi với người khác, ngài bảo tôi làm sao có thể mở miệng kia chứ? Đợi đến khi ngài thật sự thăng chức rồi thì quay lại tìm tôi, tôi chắc chắn sẽ không từ chối!”. Chớp mắt đã đến ngày 6 tháng 7, Hồng Mại quả nhiên được thăng chức làm Trung Thư Xá Nhân. Đến ngày 22 tháng 7 lại được phong làm Trực Học Sĩ Viện. Hai ngày này trùng khớp với lời dự đoán của Vương Đình.
Trong một lần tình cờ Vương Đình còn xem tướng cho Binh Bộ Thị Lang Chu Nguyên Đặc, Hộ Bộ Lang Trung Mạc Tử Mông và một vị Lang Trung nữa là Hà Hi Thâm. Lúc đó là vào mùa hè, ông nói với Chu Nguyên Đặc rằng: “Mùa đông năm này chức quan của ngài sẽ có sự thay đổi, qua một thời gian nữa sẽ lại được bổ nhiệm làm Tri Châu ở nơi khác”. Sau đó ông lại nhìn Mạc Tử Mông và Hà Hi Thâm lúc này đang đứng bên cạnh rồi nói tiếp rằng: “Một tháng nữa, Mạc Lang Trung sẽ có được một chức quan kiêm nhiệm, lại còn đảm nhiệm làm chủ soái một phương. Còn Hà Lang Trung thi sẽ đảm nhiệm chức quan đại loại như Giám Ti” .
Chu Nguyên Đặc có chút nghi hoặc liền nói với Vương Đình rằng: “Gần đây tôi mới dâng tấu xin từ quan, hơn nữa trước nay cũng không có quy luật thay đổi quan viên vào mùa đông. Mạc Lang Trung cho dù có bị điều đến nơi khác nhưng cũng chưa chắc có thể có được chức quan tương ứng. Còn Hà Lang Trung làm quan ở Tứ Xuyên đã 10 năm rồi, tuy đã từng nhiều lần phụng mệnh đi sứ nhưng nay hồi kinh mới chưa đến nửa năm, làm sao có thể đột nhiên bị điều đến nơi khác được chứ?”.
Vương Đình đáp: “Tôi chỉ tin vào thuật tướng số của tôi, còn lời của ngài chỉ là điều động nhân sự mà thôi”.
Một lúc sau ông lại nói với Chu Nguyên Đặc rằng: “Phúc lộc của Hà Lang Trung đến sang năm là đã đến đỉnh rồi, đâu chỉ có điều đi khỏi kinh thành thôi đâu!”
Về sau, vào tháng 11, Chu Nguyên Đặc quả nhiên được phong chức Sử Bộ, hai năm sau lại làm Tri châu ở châu Thái Bình. Mạc Tử Mông vào tháng 8 thì được phong làm Chủ soái vùng Hoài Đông, đồng thời kiêm nhiệm chức Trực Huy Du Các. Còn Hà Hi Thâm thì bị điều đến Phúc Kiến đảm nhiệm chức Đề Hình, nhưng đến năm thứ hai thì qua đời. Tiền đồ vận mệnh của ba người này giống hệt như những gì mà Vương Đình đã dự đoán.
Tri phủ phủ Bình Giang là Từ Cát Khanh lúc còn làm quan ở Cù châu cũng từng trải nghiệm thuật tướng số của Vương Đình. Một ngày nọ, Vương Đình nói với Từ Cát Khanh rằng: “Vào ngày thứ 60 tính từ ngày hôm nay, ngài sẽ được triều đình chiêu mộ và bổ nhiệm”. Từ Cát Khanh nghe xong thì cười mà nói rằng: “Hai chúng ta tuy là đồng hương nhưng ngài cũng đừng lấy tôi ra mà nói lời đùa giỡn như vậy chứ”.
Tuy nhiên Vương Đình lại nói: “Tôi trước nay không tâng bốc xu nịnh ai bao giờ, sao thể đùa giỡn với ngài được chứ? Ngài tạm thời nghiệm chứng hai sự việc này trước đi đã! Một tháng sau, nếu ngài nhận được tin người thân ruột thịt ở cách hơn 500 dặm qua đời, lại gặp phải chuyện hung ác về việc trèo lên cao và ngã xuống dưới, như vậy thì những lời tôi nói trước đó cũng sẽ ứng nghiệm” .
Quả nhiên một tháng sau, con gái đầu của Từ Cát Khanh vốn đã gả cho Mã Hi Ngôn, qua đời tại Lâm An. Tiếp đó, Từ Cát Khanh lại đi tế bái mộ phần tổ tiên. Trong lúc leo núi thì bất cẩn ngã từ trên núi xuống, may mắn thay nhờ có cây cối che chắn nên mới không bị thương. Lúc này cũng đúng vào lúc triều đình đang tuyển chọn sứ giả đi sứ, cuối cùng đã lựa chọn ông. Những sự việc này tuần tự xảy ra đúng như những lời mà Vương Đình dã dự đoán.
Vào năm Càn Đạo thứ 3 (năm 1167), Vương Đình còn đến Trấn Giang thăm hỏi Thông Phán lúc bấy giờ là Mao Khâm Vọng. Ông nói với Mao Khâm Vọng rằng: “Sau khi ngài mãn nhiệm kỳ thì sẽ vào hành cung gặp Hoàng thượng, rồi sau sẽ được bổ nhiệm làm Quận thú nhưng cũng chỉ là hữu danh vô thực mà thôi”. Về sau, sau khi nhiệm kỳ của Mao Khâm Vọng kết thúc, quả nhiên triều đình phái ông đến Toàn châu làm Quận thú, nhưng chưa kịp nhận chức thì đã về hưu rồi.
Lúc đó, Vương Đình gặp trụ trì chùa Kim Sơn tại phủ nha ở Trấn Giang. Ông nói với trụ trì rằng: “Trong mấy ngày tới ngài sẽ xuất hành 200 dặm”. Trụ trì nghe xong thì không tin lắm. Tuy nhiên hai ngày sau, một vị quan ở thành Kiến Khang đã gửi thư mời đến trụ trì. Trụ trì trước khi đi thì đến tìm Vương Đình nhờ xem quẻ hung cát, Vương Đình nói: “Không sao, ngài đi chuyến này chắc chắn sẽ có ngày về, chỉ là ngày về sẽ gặp một số chuyện phiền phức, nhưng những chuyện này không liên quan gì đến ngài”. Đến ngày trụ trì quay trở về chùa Kim Sơn, lúc vừa bỏ hành trang xuống thì phố Tây Tân Độ gần đó phát sinh hỏa hoạn, mười mấy gian phòng trọ xung quanh đều bị thiêu rụi.
Phạm Thành Đại cùng với Vương Vạn Lý, Vưu Mậu, Lục Du được xưng là “Nam Tống tứ đại thi nhân”, ông đã từng nhiều lần làm quan trong triều hoặc làm quan viên địa phương. Một năm nọ, Phạm Thành Đại đang ở nhà nhàn rỗi, Vương Đình nói với ông rằng: “Ngài năm nay tuy rằng được phong quan, nhưng không cách nào nhận chức được, tuy nhiên nếu có thể đợi đến đầu Xuân năm sau thì lại quá tốt”.
Sau đó, Phạm Thành Đại được bổ nhiệm làm Đề Cử Chiết Đông Thường Bình, kết quả thư bổ nhiệm chưa được truyền đến thì đã bị thu hồi lại, đến Lập Xuân năm sau thì lại được phong làm Tri châu của Sở châu. Nhưng khi đến Sở châu chưa được mấy tháng thì lại bị triệu về triều làm quan thị tùng.
Lúc đó, tại Bình Giang có một nhân sĩ tên là Cảnh Thời Cử đã tham gia khoa thi đặc biệt do Hoàng đế tổ chức, sau được phong chức Văn Học. Hành vi cử chỉ của ông toát lên vẻ khí chất cao quý, do đó lại được tiến cử đi quản lý miếu thờ Nhạc Phi. Vương Đình cũng từng gặp qua người này, tuy nhiên ông lại nói với Phạm Thành Đại rằng: “Người này nếu không làm quan thì có thể sống thêm được vài năm nữa, nhưng chỉ cần ăn bổng lộc một ngày thì sẽ mất mạng”. quả nhiên Cảnh Thời Cử không lâu sau thì qua đời.
Thuật tướng số của Vương Đình rất chính xác, quan lộ của nhiều bậc sĩ phu đều được ông dự đoán không sai lệch. Các câu chuyện thần kỳ liên quan đến việc Vương Đình xem tướng cho người được các sĩ phu được lưu truyền không ít. Xem ra, lành dữ phúc họa ở nhân gian đều đã có định số, người thông qua nghiên cứu và tu hành mà nắm vững thuật số âm dương, thì có thể hiểu rõ bí ẩn ở trong đó.
Tư liệu tham khảo:
- “Di Kiên Chí”, quyển thứ 17
Nhan Văn, Lý Tịnh Thành thực hiệnOanh Lê biên dịchQuý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: