DHS giải thể Ban quản trị Thông tin sai lệch sau vài tháng tạm dừng
Hôm 24/08, Bộ An ninh Nội địa (DHS) cho biết họ đã chính thức giải thể Ban quản trị Thông tin sai lệch từng gây tranh cãi chỉ vài tháng sau khi tổ chức mới được thành lập này bị tạm dừng. Việc tạm dừng trước đó diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại cho rằng cơ quan này sẽ bị vũ khí hóa để chống lại những tiếng nói bất đồng và trở thành công cụ kiểm duyệt của chính phủ.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas “đã giải thể Ban quản trị Thông tin sai lệch và bãi bỏ điều lệ của cơ quan này có hiệu lực kể từ hôm nay, 24/08/2022,” Bộ này cho biết trong một tuyên bố.
DHS cho biết họ “hoan nghênh” các khuyến nghị từ tiểu ban của Hội đồng Cố vấn An ninh Nội địa (HSAC), mà trước đó trong ngày đã khuyên ông Mayorkas rằng “không cần thiết phải có một Ban Quản trị Thông tin sai lệch riêng biệt.”
“Nhưng chúng tôi đánh giá rằng công việc căn bản của các bộ phận của Bộ về vấn đề này là rất quan trọng,” báo cáo của HSAC viết. “Bộ phải có khả năng giải quyết các luồng đe dọa thông tin sai lệch vốn có thể phá hoại an ninh của đất nước chúng ta.”
Bộ này thừa nhận HSAC “đã kết luận rằng việc chống lại những thông tin sai lệch đe dọa đất nước và đối phó bằng cách cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác, là rất quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ của Bộ.”
“Với các khuyến nghị của HSAC như một hướng dẫn, Bộ sẽ tiếp tục giải quyết các luồng đe dọa làm suy yếu an ninh của đất nước chúng ta theo quy định của pháp luật, đồng thời duy trì quyền riêng tư, quyền dân sự và tự do dân sự của người dân Mỹ và thúc đẩy tính minh bạch trong công việc của chúng ta.”
Mối lo ngại về kiểm duyệt
Ông Mayorkas lần đầu tiên công bố sáng kiến của Ban quản trị Thông tin sai lệch hồi cuối tháng Tư, khi ông được Dân biểu Jim Langevin (Dân Chủ-Rhode Island) hỏi tại một phiên điều trần của quốc hội về những gì mà DHS đang làm để bảo đảm an ninh bầu cử và ngăn chặn thông tin sai lệch trong quá trình bầu cử, chuẩn bị cho các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022.
Khi đó, ông Mayorkas cho biết: “Chúng tôi vừa thành lập một Ban quản trị Thông tin sai lệch trong Bộ An ninh Nội địa để chống lại mối đe dọa này sao cho hiệu quả hơn, không chỉ đối với an ninh bầu cử mà còn đối với an ninh của đất nước chúng ta.” Ông còn nói thêm rằng cơ quan mới này cũng sẽ tập trung vào việc ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch trong các cộng đồng thiểu số.
Ngay sau thông báo, Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đã đưa ra lo ngại rằng cơ quan này có thể được sử dụng để kiểm soát ngôn luận.
“Ban quản trị mới này gần như chắc chắn là vi hiến,” ông nói trong một bức thư đề ngày 28/04. “Chúng ta chỉ có thể giả định rằng mục đích duy nhất của Ban quản trị Thông tin sai lệch mới này sẽ là tập hợp quyền lực của chính phủ liên bang để kiểm duyệt ngôn luận bất đồng và theo tư tưởng bảo tồn truyền thống.”
Ông cũng cáo buộc chính phủ Tổng thống Biden coi “các quan điểm về chính sách cạnh tranh” là thông tin sai lệch phải được điều tra và giám sát.
Khoảng ba tuần sau, hôm 18/05, bà Nina Jankowicz, người được Tòa Bạch Ốc đề cử vào vị trí lãnh đạo ban quản trị này, cho biết bà đã nộp đơn từ chức và xác nhận rằng công việc của ban quản trị “đã bị tạm dừng.” Sau ngày hôm đó, DHS đã xác nhận rằng ban quản trị này “sẽ không triệu tập và công việc của ban sẽ bị tạm dừng,” nhưng các quan chức của bộ sẽ tiếp tục “công việc quan trọng đối với một số cơ quan hành chính để giải quyết thông tin sai lệch đe dọa an ninh của đất nước chúng ta.”
Bà Jankowicz, từng là một chuyên gia về thông tin sai lệch thuộc Trung tâm Woodrow Wilson dành cho Các học giả Quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn, bị phát hiện là đã quảng bá thông tin sai lệch về máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden. Người dùng đã tìm thấy các bài đăng trên Twitter, trong đó bà khẳng định câu chuyện về chiếc máy điện toán xách tay là một phần của chiến dịch thông tin sai lệch của Nga. Nhiều hãng thông tấn, trong đó có The Washington Post và The New York Times, sau đó đã đăng các bài báo xác thực và thừa nhận tính xác thực của máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden.
Sau đó, bà Jankowicz đã viết trên Twitter, bảo vệ các bài đăng trước đây của mình, “Đối với những người tin rằng dòng tweet này là chìa khóa cho mọi quan điểm của tôi, thì đó chỉ đơn giản là một trích dẫn trực tiếp từ cả hai ứng cử viên trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng. Nếu quý vị nhìn vào dòng thời gian của tôi, quý vị sẽ thấy tôi đã tweet trực tiếp vào buổi tối hôm đó.”
Bà còn bị phát hiện là đã ca ngợi “Hồ sơ Steele” vốn đã bị mất uy tín, được sử dụng để bôi nhọ cựu Tổng thống Donald Trump bằng cách cáo buộc rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump có mối liên hệ với Nga. Bà Jankowicz đã nhiều lần công khai đưa ra các bình luận khác chống lại ông Trump, trong đó có tuyên bố rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ khiến ISIS tàn bạo hơn.
Bà ấy cũng đã gọi những người phản đối các quy tắc ngôn luận trên mạng xã hội là “những kẻ quá khích về Tu chính án thứ Nhất.”
Lúc đó, một phát ngôn viên của bộ tuyên bố với hãng The Washington Post rằng bà Jankowicz đã “phải chịu các cuộc tấn công cá nhân và đe dọa tính mạng một cách vô cớ và hèn hạ,” nhưng không giải thích chi tiết.
Ngoài ra, Phó Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Andrew Bates khẳng định rằng bà Jankowicz đã “bị bôi nhọ bởi những kẻ không trung thực, những phần tử cánh hữu chống lại một chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và chống lại những nỗ lực chống nạn buôn người và khủng bố nội địa tốt hơn.”
Ông đã nói với hãng thông tấn này rằng, “Cả bà Nina Jankowicz và ban quản trị đều không liên quan gì đến việc kiểm duyệt hoặc xóa nội dung khỏi bất kỳ đâu. Vai trò của họ là bảo đảm rằng các quan chức an ninh quốc gia được cập nhật về cách thông tin sai lệch ảnh hưởng đến môi trường đe dọa. Bà ấy có thư ủy nhiệm ủng hộ mạnh mẽ và có tiền sử phơi bày những thông tin sai lệch từ cả Cánh tả và Cánh hữu.”
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 18/05, ông Jameel Jaffer, giám đốc Viện Tu chính án thứ Nhất Knight thuộc Đại học Columbia, cho biết, giới chỉ trích ban thông tin sai lệch này không chỉ giới hạn ở thành viên Đảng Cộng Hòa hoặc những người khác theo cánh hữu mà còn cả các nhóm tự do dân sự và nhân quyền.
Ông nói, “Có rất nhiều lý do chính đáng để chất vấn và chỉ trích sáng kiến về ban quản trị này của ông Biden. Cho rằng tất cả những người chỉ trích đều là những người cánh hữu, hoặc những người quảng bá thông tin sai lệch, hoặc dẫn đến sự thiếu trung thực là không đúng.”
Tăng cường giám sát
Sau thời gian tạm dừng của ban thông tin sai lệch này, hôm 23/05, các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa đã yêu cầu trong một bức thư rằng DHS phải công bố tất cả các tài liệu liên quan đến cơ quan này.
“Chúng tôi rất hài lòng khi đọc các báo cáo rằng quý vị đã quyết định giải thể ban quản trị này trong việc phản hồi những lo ngại mà chúng tôi đã nêu ra. Nhưng điều quan trọng là sai lầm này không được lặp lại. Do đó, chúng tôi đang yêu cầu sự minh bạch trong quá trình ra quyết định của Bộ để chúng tôi có thể tìm hiểu lý do tại sao Bộ từng nghĩ rằng việc tạo ra một ban thông tin sai lệch sẽ là một ý tưởng hay,” theo bức thư được ông Hawley và năm thượng nghị sĩ khác đồng ký.
Hồi đầu tháng Sáu, thành viên hàng đầu của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa) thông báo rằng ông và ông Hawley đã thu thập được “hồ sơ nội bộ của DHS được cung cấp thông qua các tiết lộ của người tố cáo được bảo vệ” (pdf) cho thấy ban quản trị này “được thành lập để gây ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào đối với nỗ lực của chính phủ để trấn áp thông tin sai lệch ở những nơi vốn có ‘sự thật rõ ràng, khách quan.’”
“Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cách DHS định nghĩa ‘sự thật rõ ràng, khách quan’ là như thế nào,” các thượng nghị sĩ cho biết trong một tuyên bố. “Các tài liệu cho thấy DHS không chỉ tập trung vào thông tin sai lệch từ ngoại bang mà còn cả các vấn đề trọng tâm của cuộc tranh luận chính trị lâu nay như lý thuyết về tính hợp lệ của các cuộc bầu cử, nguồn gốc và tác dụng của vaccine COVID-19 và hiệu quả của việc đeo khẩu trang.”
Họ nói rằng họ đã gửi cho DHS một bức thư bổ sung để “chuyển giao các tài liệu bổ sung liên quan đến [Ban Quản trị Thông tin sai lệch] và các nỗ lực của DHS để hợp tác với các nền tảng công nghệ lớn (big tech) để thực thi nghị trình của họ.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times